Bên cạnh đó, các nhà sản xuất lốp xe lớn như Goodyear, Bridgestone, Michelin và Continental cũng đang cố gắng cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc có mức giá rẻ hơn.
Xe điện có thể không phát thải từ ống xả nhưng phương tiện này vẫn thải ra chất thải độc hại qua lốp xe. Trên thực tế, tất cả các ô tô đều rơi ra những mảnh cao su và các hợp chất độc hại khác khi lốp xe tiếp xúc với mặt đường.
Hiện các nhà sản xuất lốp xe đang chạy đua để đáp ứng được quy định về khí thải và tìm giải pháp thay thế, khi nhiều người chỉ trích lốp xe chứa nhiều hóa chất độc hại và gây ung thư trong đó phải kể đến 6PPD, một chất chống oxy hóa sử dụng trong tất cả các loại lốp xe để giảm vết nứt.
Năm nay, California dự kiến sẽ là bang đầu tiên của Mỹ yêu cầu các nhà sản xuất lốp xe chứng minh rằng họ đang tìm kiếm một giải pháp thay thế cho 6PPD - vốn có thể khiến một số loài cá bị chết. Các quy định khí thải Euro 7 sắp tới của Liên minh châu Âu (EU) sẽ lần đầu tiên thiết lập các tiêu chuẩn cho lốp xe.
Cùng với những thách thức đó, các nhà sản xuất sẽ cần phát triển loại lốp ít phát thải hơn cho xe điện hạng nặng, loại lốp mà Michelin và Goodyear đã báo cáo có thể làm mài mòn nhanh hơn tới 50%.
Gunnlaugur Erlendsson, Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp về lốp xe Enso, cho biết hậu quả không mong muốn của xe điện là tình trạng ô nhiễm lốp xe tăng cao hơn trừ khi có lốp xe tốt hơn. Điều này phụ thuộc vào các vật liệu chất lượng cao hơn, đắt tiền hơn để tăng độ bền.
Dữ liệu do Emissions Analytics cung cấp cho hãng Reuters cho thấy các loại lốp mới được phát triển cho đến nay vẫn chưa giải quyết được vấn đề trên.
Theo các chuyên gia trong ngành, việc thay thế 6PPD rất khó vì bất kỳ loại hóa chất mới nào cũng phải ngăn lốp xe bị xuống cấp mà không ảnh hưởng đến các thuộc tính khác.
Tuy nhiên, Giám đốc Erlendsson cho rằng ngành công nghiệp lốp xe có thể tìm được giải pháp trên thị trường trong vòng 5 năm nếu được thúc đẩy song chi phí cũng không nhỏ.