Theo Financial Times, số xe điện bán ra trên các thị trường chính của châu Âu đã ngừng tăng trưởng vào năm ngoái khi các chính phủ giảm trợ cấp và các công ty giữ lại các mẫu xe mới cho năm 2025 để chuẩn bị cho các quy định nghiêm ngặt về phát thải của châu lục.
Nhà phân tích độc lập trong ngành ô tô, Matthias Schmidt, dự báo doanh số bán xe điện năm 2025 ở Tây Âu, trong đó có Anh, sẽ tăng 40% lên 2,7 triệu xe khi các nhà sản xuất ô tô gấp rút đạt mục tiêu về phát thải. Thị trường sẽ phục hồi trong năm 2025 do Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy việc tuân thủ quy định. Theo ông Schmidt, thị phần xe chạy pin sẽ vượt mức 15-17% lên 22% tổng thị trường trong năm nay.
Ông Schmidt ước tính sẽ có hơn 160 dòng xe điện có mặt tại châu Âu trong năm nay, gồm các mẫu xe rẻ hơn có giá dưới 25.000 euro, như Renault 5 và Citroën e-C3. Dòng sản phẩm này cũng gồm 20 mẫu xe mới như xe thể thao đa dụng chạy điện Neue Klasse của BMW và xe điện CLA của Mercedes-Benz, trong khi mẫu xe Model Y của Tesla ra mắt thị trường Trung Quốc vào cuối tuần trước cũng sẽ có mặt ở châu Âu.
Giám đốc điều hành Mercedes-Benz, Ola Källenius, cho biết từ năm 2025 công ty sẽ ra mắt hàng loạt sản phẩm, phần lớn là xe chạy điện hoàn toàn, với số lượng sản phẩm cao kỷ lục trong lịch sử của công ty này.
Tuy nhiên, doanh số bán xe điện phục hồi cũng đi kèm với chi phí cao hơn để đáp ứng các quy định nghiêm ngặt về phát thải cũng như tỷ lệ chiết khấu cao hơn trong bối cảnh người tiêu dùng tìm kiếm các loại xe giá cả phải chăng.
Các nhà sản xuất xe điện cảnh báo với nhu cầu vẫn yếu, triển vọng chung của ngành ô tô châu Âu vẫn còn nhiều thách thức trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở Mỹ.
Ông Fabrice Cambolive, Giám đốc điều hành Renault, công ty có xe điện chiếm 13% tổng số xe bán ra, cho biết công ty đã sẵn sàng nguồn cung xe điện và xe hybrid (xe chạy xăng và điện), song có những hiệu bất ổn về nhu cầu với số lượng khách hàng do dự về việc mua xe điện thực sự cao.
Acea, tổ chức đại diện ngành ô tô châu Âu, ước tính tiền phạt, chi phí tín dụng carbon và doanh số bán xe điện thua lỗ có thể khiến các nhà sản xuất ô tô thiệt hại 16 tỷ euro (16,66 tỷ USD) nếu tiền phạt cho năm 2025 không được trì hoãn. Số liệu sơ bộ từ tổ chức cho thấy lượng xe điện đăng ký mới ở châu Âu giảm gần 6% vào năm ngoái.
Cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô điện Polestar giảm 11% vào tuần trước sau khi công ty công bố sẽ cần thêm 2 năm nữa để dòng tiền đạt mức dương, đồng thời hạ thấp kế hoạch mở rộng thị trường.
Bắt đầu từ năm nay, EU sẽ yêu cầu các nhà sản xuất ô tô giảm lượng phát thải carbon bằng cách tăng tỷ lệ xe điện bán ra. Các nhà sản xuất ô tô và các nhà phân tích hiện đang theo dõi chặt chẽ Vương quốc Anh, quốc gia đã triển khai chương trình hạn ngạch xe điện vào năm ngoái, theo đó yêu cầu 80% số ô tô bán ra phải là xe không phát thải vào cuối thập kỷ này. Việc thực hiện mục tiêu xe điện tại Anh trong năm đầu tiên sẽ đưa ra dấu hiệu ban đầu về việc tuân thủ quy định có thể ảnh hưởng đến doanh số và lợi nhuận như thế nào. Lượng xe điện đăng ký mới tại Anh vào năm ngoài tăng 21% lên mức kỷ lục 382.000 xe, đưa Anh vượt qua Đức lần đầu trở thành thị trường xe chạy pin lớn nhất châu Âu. Tuy nhiên, việc giảm giá xe điện để thu hút khách hàng không muốn chuyển từ xe chạy xăng đã khiến các nhà sản xuất ô tô thiệt hại hàng tỷ bảng. Bất chấp việc giảm giá, phần lớn người mua xe điện là các doanh nghiệp trong khi chỉ có 1/10 người mua cá nhân chọn xe điện.
Ông Mike Hawes, Giám đốc điều hành Hiệp hội sản xuất và kinh doanh ô tô Vương quốc Anh, cảnh báo, lượng tiền tài trợ sẵn có để kích thích nhu cầu sẽ chịu áp lực nghiêm trọng khi các nhà sản xuất có nguồn lực rất hạn chế.
Các nhà phân tích dự báo lợi nhuận yếu tại châu Âu sẽ kéo theo hiệu quả hoạt động thấp của ngành sản xuất ô tô toàn cầu. Công ty dịch vụ tài chính UBS ước tính thu nhập trước lãi vay và thuế của các tập đoàn ô tô châu Âu trong năm nay sẽ giảm 7% so với năm 2024.
Nhà phân tích tại UBS, Patrick Hummel, cho biết trong khi các công ty rất muốn bán nhiều xe điện hơn trong năm nay, câu hỏi đặt ra là các nhà sản xuất ô tô sẽ đưa ra chiết khấu ở mức nào để bán được nhiều xe hơn.
Ngoài các khoản chiết khấu và khuyến mại, để đáp ứng các quy định mới của EU, một số nhà sản xuất sẽ phải chịu chi phí bổ sung để mua tín dụng carbon từ các công ty như Tesla và các đối thủ Trung Quốc đang dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi sang xe điện.
Stellantis, Ford, Toyota, Mazda và Subaru trong tháng này đã công bố hoạch gộp lượng phát thải carbon với Tesla, cho phép họ mua tín dụng phát thải, trong khi Mercedes-Benz muốn hợp tác với Volvo và Polestar thuộc sở hữu của Geely.
Ông Hummel ước tính các biện pháp này, gồm chiết khấu và tín dụng carbon, sẽ gây thiệt hại 4 tỷ euro cho lợi nhuận của toàn ngành.
Trong khi kêu gọi Brussels xem xét việc đưa ra các quy định linh hoạt hơn, ngành ô tô châu Âu cũng hy vọng các chính phủ sẽ hỗ trợ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng xe điện bằng cách khôi phục các ưu đãi.
Xe điện đăng ký mới ở Đức giảm 27% vào năm ngoái sau khi các khoản trợ cấp mua xe bị cắt vào cuối năm 2023. Tại Pháp, mức giảm này là 3% so với cùng kỳ năm 2023 và 21% chỉ riêng trong tháng 12/2024 sau khi nước này giảm trợ cấp mua xe điện từ mức tối đa 7.000 euro xuống còn 4.000 euro. Hiện Chính phủ Pháp chưa thông qua ngân sách năm 2025 nên chưa rõ liệu xe điện sẽ tiếp tục được hỗ trợ hay không.
Một số chính phủ đã bắt đầu quan tâm đến các mục tiêu, với Anh đang cân nhắc các cách để đạt được các mục tiêu bán xe điện bắt buộc một cách dễ dàng hơn. Pháp đề xuất các nhà sản xuất ô tô được miễn các khoản tiền phạt lớn khi không đáp ứng được các quy định về khí thải của EU.
Ông Gilles Le Borgne, cựu Giám đốc kỹ thuật và cố vấn tại Renault, cho biết các nhà sản xuất ô tô cần chính sách ổn định về xe điện và khoản hỗ trợ 1.000-2.000 euro có thể thay đổi mọi việc theo hướng này hay hướng khác.