Tôi đi phát động quần chúng - Bài 2: Củng cố chính quyền, đoàn thể cách mạng, chăm lo đời sống nhân dân

Xã Hòa Hợp nơi chúng tôi công tác là một xã biên giới, mới được giải phóng. Qui mô của xã không lớn, nhưng lại có một vị trí vô cùng quan trọng: Nằm trên con đường hành lang chiến lược nối liền các xã vùng giải phóng, chạy dọc theo biên giới từ Lộc Ninh về các tỉnh miền tây Nam bộ. 

Phía Tây xã giáp Campuchia dài khoảng hai km, nhưng là vùng đồng bằng liền đất, không bị ngăn cách bởi bất cứ địa hình tự nhiên nào như núi non hoặc kinh mương, sông suối nào. Vì vậy, dân cư hai nước tự do qua lại làm ăn, buôn bán, trao đổi hàng hóa. Phía Đông xã giáp với xã Phước Tân, do chính quyền Sài Gòn kiểm soát. Ở đây chúng xây dựng hệ thống đồn bốt kiên cố do một đại đội bảo an khét tiếng hung ác đóng giữ.

Chú thích ảnh
Phóng viên Nhật Nam (phải) và phóng viên Lê Doãn Tặng.

Do nằm kẹp giữa, một bên là vùng biên giới với Campuchia do Khơ-me đỏ kiểm soát, một bên là vùng tạm chiếm thuộc chính quyền Sài Gòn, nên tình hình an ninh của Hòa Hợp rất phức tạp. Bọn lính bảo an ở đồn Phước Tân thỉnh thoảng lại nổ súng đe dọa bà con cày cấy hoặc chăn thả trâu bò ngoài đồng. Còn bọn lính Khơ-me đỏ thường xuyên quấy nhiễu, cướp của, bắt cóc người dân qua lại biên giới làm ăn để đòi tiền chuộc. Đôi khi, chúng tràn sang đốt nhà, giết hại người dân vô tội. Đội du kích tập trung của xã và bộ đội địa phương huyện Châu Thành đã phải lập các trận địa phòng thủ, chốt chặn và nhiều lần phối hợp chiến đấu bẻ gẫy ý đồ lấn chiếm vùng giải phóng của quân đội Sài Gòn và các cuộc tấn công, gây tội ác của bọn Pôn Pốt.

Xã Hòa Hợp người cũng không đông. Cư dân của xã hình thành từ ba nguồn. Một bộ phận nhỏ là dân bám trụ tại chỗ hoặc mới trở về sau khi xã được giải phóng. Số bà con này chủ yếu là làm ruộng, ở phân tán theo chòm xóm nhỏ, gắn với ruộng vườn, chỉ một số ít làm ăn buôn bán. Nguồn thứ hai là bà con Việt kiều, trước đây làm ăn, sinh sống tại tỉnh Prey Veng của Campuchia. Những năm 1971-1972, chính quyền Lon Non cầm quyền ở Campuchia và bọn Pôn Pốt thực hiện chính sách kỳ thị, chia rẽ dân tộc, đàn áp, bắt bớ, giết hại và xua đuổi người Việt, bà con phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn, tài sản chạy về nước. Số bà con này phần lớn là người nghèo vì tài sản đã mất sạch. Nhiều gia đình thiếu lao động, con cái nheo nhóc, chạy ăn từng bữa. 

Nguồn thứ ba là bà con người Hoa sinh sống và làm ăn ở Campuchia. Cũng như người Việt, họ bị chính quyền Campuchia lúc đó làm khó, lại do ảnh hưởng của chiến tranh phải chạy sang Việt Nam lánh nạn. Số bà con người Hoa này khá đông chủ yếu làm nghề buôn bán, thương mạị. Chạy sang xã Hòa Hợp, họ sống tập trung ở khu vực riêng, hình thành nên một thị tứ buôn bán sầm uất. Có vốn liếng, kỹ thuật, giỏi buôn bán, nên người Hoa làm chủ hầu như toàn bộ các sạp buôn bán ở chợ và thị tứ Tà Nông từ quần áo, vải vóc, tiệm ăn, lương thực, thực phẩm, thuốc men, đồ gia dụng, nội thất, điện máy, xăng dầu… Do tính chất đặc thù này, Ban Hoa vận thuộc Trung ương cục Miền Nam cũng cử về đây một tổ công tác. Anh chị em tổ này đều là người Hoa nên có lợi thế am hiểu văn hóa, lối sống và có cùng ngôn ngữ nên rất thuận lợi trong công tác. Trong thời gian sống, làm việc tại xã Hòa Hợp, hai tổ chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ, bổ sung cho nhau kiến thức, kinh nghiệm và phương pháp vận động quần chúng để cùng đạt được yêu cầu, mục tiêu của đợt công tác.

Trở lại chuyến đi xuồng quá giang của chúng tôi trên sông Vàm Cỏ, nói chung mọi việc đều diễn ra thuận lợi, suôn sẻ, nhưng dọc đường chú Tư Biển phải ghé nhiều điểm gặp gỡ bạn hàng và lấy thêm trái cây để giao cho vựa ở chợ Tà Nông nên khoảng xế trưa chúng tôi mới đến. Sau một thời gian dài sống ở căn cứ trong rừng sâu, lần đầu được đến một vùng quê với sông nước, ruộng vườn, được tiếp xúc, gặp gỡ với dân, được thấy cảnh sinh hoạt bình thường, quán xá, chợ búa nhộn nhịp, anh em chúng tôi ai cũng vui và phấn chấn. Nếu không có tiếng bom nổ, tiếng gầm của đại bác từ xa vọng lại và bóng dáng của những người lính Giải phóng quần áo lấm bụi đường, súng khoác trên vai thỉnh thoảng xuất hiện trên đường thì ai cũng có thể nghĩ rằng nơi đây đang có một cuộc sống yên vui trong hòa bình, không còn chiến tranh.

Buổi trưa hôm đó, chúng tôi ghé quán nước bên góc chợ ăn tạm mỗi người một gói mì tôm. Đó là loại thức ăn tiện lợi và cũng rẻ nhất lúc bất giờ. Tại chợ Tà Nông, xung quanh chỗ chúng tôi ngồi có rất nhiều tiệm ăn của người Hoa, mùi xào nấu thơm phức, có đủ món cơm, mì xào, mì nước với thịt heo, thịt bò, thịt gà vịt nhưng chúng tôi không thể vào vì không có tiền. Tiêu chuẩn tiền ăn của chúng tôi hàng ngày chỉ đủ mua gạo và thêm một món đồ ăn đơn giản, rẻ tiền. Nếu vào quán ăn một bữa sang sang một chút thì chúng tôi phải nhịn đói cả tháng.

Sau khi ăn uống, nghỉ ngơi, đầu giờ chiều chúng tôi đến liên hệ làm việc với các đồng chí lãnh đạo địa phương. Trụ sở chính quyền và cấp ủy xã là một ngôi nhà lá ba gian, nằm cách thị tứ không xa là mấy. Tại đây chúng tôi gặp đủ các đồng chí trong cấp ủy xã. Chú ba Niềm là bí thư xã ủy, khoảng hơn 50 tuổi, khuôn mặt khắc khổ, nhiều nếp nhăn, tóc đã nhiều sợi bạc, dấu ấn của những năm tháng gian khổ, ác liệt của chiến tranh mà chú đã trải qua. Chú Chín Nhỏ, người thanh mảnh, da hơi xanh xao, nhưng dáng đi còn nhanh nhẹn, hoạt bát. Đặc biệt, chú có mái đầu bạc trắng và luôn mặc bộ quần áo bà ba đen, quấn khăn rằn quanh cổ, nên nhìn chú có cốt cách, diên mạo rất điển hình của một ông già Nam bộ. 

Nghe mọi người kể lại chú đã trải qua những năm tháng trong nhà tù Mỹ - Ngụy, rất kiên cường, bất khuất. Sau khi thoát khỏi nhà tù Mỹ - Ngụy, chú tiếp tục xin về địa phương công tác và hiện là chủ tịch ủy ban cách mạng xã. Người còn lại trong cấp ủy xã là chú Sáu Tâm. Chú người thấp đậm, tuổi cũng ngót 60, là người được phân công ở lại, không đi tập kết, bám trụ ở địa bàn này, trải qua những năm tháng khốc liệt nhất của các cuộc khủng bố, càn quét của giặc. Được về công tác ở mảnh đất và những con người anh dũng, kiên trung như vậy, tôi thấy mình may mắn, bởi có cơ hội học hỏi, rèn luyện bản thân và được các thế hệ cha anh dìu dắt.

Xã Hòa Hợp có ba ấp và một thị tứ. Tôi được phân công phụ trách một ấp và phối hợp với anh Trần Tài làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng trong cộng đồng người Hoa ở thị tứ Tà Nông. Trước hết nói về ấp tôi được phân công phụ trách. Đây là địa bàn chủ yếu là bà con mới trở về sau giải phóng và một số bà con bám trụ, sinh sống bằng nghề làm ruộng. Do công việc đồng áng, nên bà con cư trú rải rác thành các chòm xóm nhỏ, bám theo các nhánh sông Vàm Cỏ hoặc nơi có nguồn nước để tiện cho việc canh tác. Vì vậy, việc đi lại, gặp gỡ bà con cũng có những trở ngại, nhất là vào ban đêm, hoặc những lúc cần tập trung đông người.

Vài ngày đầu tôi đi theo chú Sáu Đức trưởng ấp để làm quen với địa hình, đường xá và nghe chú giới thiệu sơ về tình hình đời sống, sinh hoạt của bà con và an ninh trật tự trong ấp. Những ngày sau, tôi tự lội ruộng, băng đồng đi đến từng gia đình bà con. Có người ở rất sâu trong đồng, phải lội qua hai con lạch mới tới như nhà chú chín Đức. Hôm trước ở trên xã, tôi đã được nghe chú sáu Tâm kể về chú. Đó là một cơ sở rất tin cậy của cách mạng. Trong suốt thời kỳ đen tối, gia đình chú lúc nào cũng có hầm bí mật để che dấu cán bộ. Bây giờ tuổi chú đã lớn, nhưng tấm lòng thủy chung, gắn bó đối với cách mạng vẫn vẹn nguyên như trước. Có phong trào nào, cuộc vân động nào, gia đình chú cũng nhiệt tình tham gia. 

Thời gian đầu, để có điều kiện gần gũi với bà con, tôi báo cáo anh ba Hải và các chú trong xã ủy chuyển xuống sống ở ấp để “ba cùng”. Buổi sáng hàng ngày tôi theo bà con ra đồng phụ bà con làm việc lặt vặt như chuyển mạ, thu gom lúa… Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở nông thôn, quen lao động chân tay, nhưng quê tôi lại làm thủ công nghiệp dệt chiếu, đan thảm xuất khẩu, vì vậy việc đồng áng, cày cấy tôi không biết làm. Tôi nhớ hôm đi gặt lúa, tay chân cứ lóng ngóng, cầm liềm lò dò cắt từng gốc làm mọi người cười rần rần. Các ba má, anh chị đã tận tình hướng dẫn tôi từng động tác, mấy ngày sau tôi đã làm quen dần, được bà con đánh giá là làm “coi được”. 

Qua những ngày “ba cùng” tôi từng bước tranh thủ được tình cảm, lòng tin của bà con trong ấp. Chú sáu Đức lâu lâu lại kêu tôi đi theo cắm câu buổi tối để kiếm thêm nguồn thực phẩm cải thiện bữa ăn. Chú chín Đức còn kêu tôi về ở nhà chú. Chú nói với mọi người: “Thằng Năm (bà con gọi tôi là Năm theo thứ) nó nói trúng lắm, bà con mình nên nghe theo nó”. Vui nhất là tôi được gặp chú Ba Hảnh. Quê gốc chú ở Long An. Hồi Tết Mậu thân 1968 chú tham gia tích cực tại địa phương như nuôi dưỡng bộ đội, tiếp lương, tải đạn… Sau khi địch phản kích, bị lộ, chú phải rời bỏ xứ, lên đây làm ăn. Cũng năm đó, chú cho người con gái lớn đi lên R tham gia cách mạng. Rất tình cờ, người con gái của chú lại công tác tại Thông tấn xã Giải phóng, cùng cơ quan với tôi. Chị Nga con gái chú làm bên B8/2. Sau ngày Miền Nam giải phóng, chị kết hôn với anh Hồng cũng là phóng viên ảnh của Thông tấn xã Giải phóng và anh chị chuyển về công tác ở một cơ quan thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Qua chú Ba Hảnh, tôi lại biết thêm chú Hai cũng quê ở Long An. Chú cũng có một người con gái đang công tác trên R, cụ thể là tại B18. 

Những ngày công tác tại ấp, tôi rất năng đến thăm các chú, có điều gì không biết tôi đều hỏi các chú. Ngược lại, các chú cũng rất quí tôi, coi tôi như con cháu trong nhà. Các chú là những người có uy tín trong ấp, vì vậy công việc của tôi được thuận lợi, trôi chảy cũng là nhờ các chú. Các buổi họp ấp, các phong trào đóng góp ủng hộ cách mạng, phong trào tòng quân, phong trào nhường cơm sẻ áo, đoàn kết giúp nhau sản xuất, tăng gia các chú luôn đóng vai trò nòng cốt và là tấm gương để mọi người noi theo. Thời gian đầu cứ nửa tháng một lần tôi mời bà con họp ấp một lần. Việc sinh hoạt tập thể như thế này tuy rất mới lạ với bà con, nhưng nhờ uy tín của cách mạng và qua các lần họp, bà con thấy nội dung bổ ích, thiết thực, nghe được tin tức, tình hình mới, tình làng nghĩa xóm gắn bó, đoàn kết, giúp nhau trong sản xuất, đời sống, nên các buổi họp hầu như không ai vắng mặt.  

Ở trong ấp còn trên dưới chục hộ là Việt kiều ở Campuchia chạy về. Số bà con này không có ruộng vườn, cư trú tập trung dọc theo con lộ chính của ấp. Hàng ngày, những người còn sức lao động đi làm thuê trong các cửa tiệm sửa xe máy, sửa ghe tàu, quán ăn, bốc vác, vận chuyển hàng hóa, trái cây ở chợ. Chỉ một vài hộ có vốn trước kia từng bán tạp hóa nay đi cất hàng ở chợ cửa khẩu Ninh Điền và Phước Tân về bán lại. Tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng bà con đối với cách mạng rất tốt. Nhiều hộ là địa chỉ qua lại, nghỉ ngơi của cán bộ, chiến sĩ ta mỗi khi đi công tác qua địa bàn xã. Chừng sau gần một tháng sống trong đồng, trong lạch với bà con làm ruộng, tôi chuyển ra ngoài lộ sống ở xóm Việt kiều để tiện cho việc đi lại, vì tôi còn có nhiệm vụ ở địa bàn thị tứ Tà Nông. 

Ở ngoài này, tôi được giới thiệu đến ở nhà em Sao, một thanh niên mới tròn 18 tuổi, rất nhiệt tình, hăng hái tham gia các phong trào của địa phương. Nhà chỉ có hai mẹ con, hai người chị lớn đã đi lấy chồng ở xa. Má Hai và em Sao ở trong hai gian nhà lá, liền vách với ba hộ khác. Nhà má nhỏ, đơn sơ nhưng tấm lòng má luôn rộng mở. Hầu như liên tục lúc nào cũng có cán bộ, chiến sĩ quân Giải phóng ghé thăm hoặc nghỉ lại trên đường đi công tác. Tôi ở nhà má Hai chừng hai tuần thì lại có thêm người mới đến ở. Một buổi trưa, tôi đi xuống ấp về thì thấy có một chiến sĩ vóc dáng cao lớn đang đứng trước cửa nhà. Hỏi han, làm quen, thì ra anh là Thanh Hải phóng viên báo Quân Giải phóng, thuộc Cục Chính trị miền. Anh Hải sau giải phóng chuyển về công tác ở Phòng ảnh Thông tấn xã tại TP Hồ Chí Minh. Một thời gian sau lại có thêm mấy anh em ở Công trường 5 (mật danh của Sư đoàn 5) đi chuẩn bị chiến trường đến ở. Tiếng là đông người, nhưng chúng tôi mỗi người mỗi việc ít khi chạm mặt nhau. 

Bà con Việt kiều có thói quen buổi sáng trước khi đi làm tập trung uống cà phê, hút thuốc, nói vài ba câu chuyện phiếm. Tận dụng cơ hội này, mỗi buổi sáng tôi đều ra quán uống nước, làm quen, trò truyện với anh em. Xen vào các câu truyện đủ loại, không đầu không đuôi, tôi tìm hiểu về công việc, hoàn cảnh, đời sống của từng người. Lúc đầu có nhiều người còn e dè, nhưng dần dần thấy thái độ chân tình của tôi và nhất là khi được biết tôi là người Giải phóng thì ai cũng cởi mở, nhiệt tình.
Tôi nói với họ về tình hình cách mạng, về những công việc cần làm, nhất là phải đoàn kết giúp nhau.

Bà con ỏ đây vốn là những người lao động chất phác, cùng cảnh ngộ khó khăn do chiến tranh đưa đẩy nên cũng thông cảm và thương yêu nhau. Qua theo dõi, tôi thấy việc làm và thái độ của anh em đã chuyển biến rõ rệt. Điển hình như trường hợp anh Thịnh ở bên cạnh nhà tôi hoàn cảnh khó khăn. Một mình anh đi chở mướn, nhưng phải nuôi bốn con nhỏ và một mẹ già, công việc cũng thất thường, khi việc nhiều khi việc ít. Nay, anh em trong nhóm chở mướn, thông cảm với hoàn cảnh của anh, ngày nào ít việc anh em chia sớt, tạo điều kiện để anh có thu nhập thêm. Có lần chiếc xe đạp của anh bị hư không đi chở hàng được, anh em trong nhóm đã giúp anh phụ tùng thay thế. Khi vào vùng địch tạm chiếm để chở hàng, anh em không còn đi lẻ tẻ, mạnh ai nấy đi như trước, mà đã biết tổ chức đi theo nhóm, vừa giúp nhau lúc xe gặp sự cố hỏng hóc, vừa san sẻ nguồn hàng và bảo vệ nhau tránh mọi rủi ro, nguy hiểm. Đặc biệt, thời gian sau này, khi ta tổ chức chiến dịch tấn công địch, đánh đồn Phước Tân, mở rộng vùng giải phóng, số anh em này đã có nhiều đóng góp vào việc vận chuyển lương thực, đạn dược, tải thương. 

Chừng hơn một tháng sau, khi tình hình đã tương đối ổn định, tôi chỉ còn dành nửa ngày buổi sáng cho công việc dưới ấp, buổi chiều tôi về thị tứ Tà Nông cùng anh Tài và anh Chất tiếp tục công việc trên đấy. Thời gian chúng tôi ở dưới ấp, tại thị tứ Tà Nông, anh Tài, với sự phối hợp của tổ công tác Hoa vận cũng đã làm được một số việc. Đáng kể nhất là các anh chị đã tổ chức bầu được ban đại diện người Hoa do anh Chung Cang là Trưởng ban, anh Hưng là Phó ban. Hai anh là những Hoa kiều làm ăn thành đạt, có trình độ, rất nhiệt tình và rất có uy tín trong cộng đồng người Hoa. Vì vậy, các cuộc họp dân, các cuộc vận động gây quĩ giúp đỡ bà con nghèo, đóng góp ủng hộ cách mạng đều diễn ra thuận lợi. 

Ở Tà Nông, hàng tuần chúng tôi đều tổ chức các buổi phát thanh thông báo tin chiến thắng trên các chiến trường, phổ biến chính sách, đường lối của Mặt trận dân tộc Giải phóng, tố cáo tội ác của chính quyền Sài Gòn đối với đồng bào ta… Tôi và anh Chất, anh Tài lại được dịp sử dụng đúng sở trường của mình. Hàng ngày, tôi nghe bản tin thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh Giải phóng chọn lọc, biên tập thành bản tin phù hợp với đối tượng và yêu cầu. Anh Chất phụ trách kỹ thuật loa đài, máy móc và kiêm xướng ngôn viên tiếng Việt. Anh Tài và các chị Cúc, chị Bình của tổ công tác Hoa vận phụ trách việc dịch thuật và đọc tiếng Bắc kinh và tiếng Quảng Đông. Đài truyền thanh lưu động của chúng tôi hoạt động khá hiệu quả, mỗi khi đến buổi phát thanh bà con tập trung nghe rất đông, điều đó đã khích lệ chúng tôi rất nhiều.

Ở xã Hòa Hợp có một trường tiểu học do cộng đồng người Hoa đóng góp xây dựng.Trước khi chúng tôi đến trường chỉ có hai lớp đầu cấp dạy cho con em người Hoa. Các thầy giáo, cô giáo dạy tại trường do bà con người Hoa và tổ công tác Hoa vận tuyển chọn, giới thiệu. Cơ sở vật chất của trường tuy còn nghèo nàn, chỉ nhà tranh, vách lá nhưng khá sạch sẽ, gọn gàng, đầy đủ bàn ghế, bảng đen, đáp ứng yêu cầu học tập của các em. Trong đoàn chúng tôi có anh Tài vốn là giáo viên, lại là người Hoa, do vậy anh rất dễ dàng giao tiếp và trao đổi với các giáo viên nhà trường về nội dung, chương trình học, cũng như các vấn đề khác liên quan đến nghiệp vụ sư phạm. 

Cũng qua các buổi làm việc với nhà trường và tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của bà con người Việt ở các ấp, chúng tôi thấy bà con có mong muốn con em được đi học. Từ những cơ sở này, chúng tôi làm báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương kiến nghị lên cấp trên chi viện giáo viên và hỗ trợ sách giáo khoa, hướng dẫn chương trình, nội dung giáo dục… để xã có thể mở thêm trường, lớp cho con em học tập. Rất tiếc, mọi việc đang tiến triển thuận lợi thì chúng tôi hết thời gian công tác tại Hòa Hợp. Các anh ba Hải, anh Tài, anh Chất trở về cơ quan cũ tiếp tục công tác. Riêng tôi, sau hội nghị tổng kết công tác phát động quần chúng do Ban Tuyên huấn Trung ương cục tổ chức, tôi cùng một số đồng chí khác được giao nhiêm vụ mới, về Thanh Điền, một xã nằm trong vùng địch tạm chiếm. Một cuộc chiến đấu mới, một nhiệm vụ mới của tôi bắt đầu với những thử thách và nguy hiểm khôn lường.

Nhật Nam
Tôi đi phát động quần chúng - Bài cuối: Về Thanh Điền bám đất, bám dân
Tôi đi phát động quần chúng - Bài cuối: Về Thanh Điền bám đất, bám dân

Như đã nói ở bài trên, sau khi kết thúc đợt một phát động quần chúng, theo yêu cầu của cách mạng và diễn biến trên chiến trường, Ban Tuyên Huấn Trung ương cục quyết định triển khai tiếp đợt hai, thành lập một số tổ công tác đi sâu vào các vùng địch tạm chiếm, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực, làm thất bại kế hoạch bình định và chương trình Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN