Tôi đi phát động quần chúng - Bài cuối: Về Thanh Điền bám đất, bám dân

Như đã nói ở bài trên, sau khi kết thúc đợt một phát động quần chúng, theo yêu cầu của cách mạng và diễn biến trên chiến trường, Ban Tuyên Huấn Trung ương cục quyết định triển khai tiếp đợt hai, thành lập một số tổ công tác đi sâu vào các vùng địch tạm chiếm, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực, làm thất bại kế hoạch bình định và chương trình Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn. 

Tổ của tôi có ba người do anh Vũ Đình Hào, cán bộ B3 (Tiểu ban Giáo dục Giải phóng) làm tổ trưởng, anh Phạm Quang Nghị, cán bộ B2 (Tiểu ban Văn nghệ Giải phóng) và tôi, cán bộ B7 (Thông tấn xã Giải phóng) là tổ viên, được cử về xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Đây là một xã vùng ven, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nằm trong vành đai bảo vệ thị xã Tây Ninh và bảo vệ các căn cứ quân sự lớn như: Cẩm Giàng, Trảng Lớn, Tua Hai, Bến Sỏi… nên địch xây dựng xã thành ấp chiến lược kiểu mẫu, có hệ thống đồn bốt dầy đặc, do một đại đội bảo an đóng giữ. 

Chú thích ảnh
Tác giả đang viết tin tại căn cứ Thông tấn xã Giải phóng.

Từ xã Suối Đá, nằm dưới chân núi Bà Đen, thuộc huyện Dương Minh Châu, nơi họp tổng kết đợt một, chúng tôi theo giao liên đi bộ gần một tuần mới đến căn cứ của xã ủy và đội du kích xã Thanh Điền đặt tại xã Ninh Điền, một xã giải phóng, chỉ cách xã Thanh Điền con sông Vàm Cỏ Đông. Ngay đêm đầu tiên đến cứ, chúng tôi đã được anh em du kích chào đón nhiệt tình bằng buổi văn nghệ cây nhà lá vườn. Những bản vọng cổ ngọt ngào, sâu lắng, do chính những người du kích trẻ thể hiện đã khiến chúng tôi cảm thấy gần gũi, thân thiết như người trong nhà và vơi đi nỗi mệt nhọc của những ngày lặn lội đường xa. 

Chúng tôi có ba ngày nghỉ mệt và để chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho yêu cầu công tác. Theo hướng dẫn của anh chị em trong đội du kích, ngày hôm sau chúng tôi ra chợ Ninh Điền, cũng là một chợ cửa khẩu mua quần áo, giày dép, khăn quàng cổ, nón lá… giống như bà con địa phương thường dùng để hóa trang khi tiếp xúc với quần chúng và khi đột ấp chiến lược, tránh con mắt rình mò của những phần tử xấu hay bọn điệp ngầm. Tôi và anh Nghị được phân công đi theo hai cánh bám địa bàn trong vùng địch kiểm soát ở xã Thanh Điền còn được trang bị mỗi người một khẩu súng AK, năm băng đạn, kèm theo lựu đạn, lương thực và một số vật dụng phục vụ chiến đấu khác. 

Mũi công tác của tôi có năm người, do xã đội trưởng Năm Long, một du kích dày dạn kinh nghiệm, nổi tiếng gan dạ và mưu trí, đã từng bám trụ gần chục năm trên địa bàn ác liệt này làm nhóm trưởng. Ngoài tôi, ba đội viên còn lại gồm: Côn, du kích người địa phương; Minh, chiến sĩ an ninh vũ trang, quê Tây Ninh, nhưng ở huyện khác; Nuôi, chiến sĩ an ninh vũ trang, quê ở Hải Phòng. Mũi công tác của anh Nghị lực lượng cũng tương tự, nhưng về thành phần tôi không rõ, vì hai cánh hoạt động độc lập. 

Chúng tôi vượt sông Vàm Cỏ Đông sang đất Thanh Điền vào một buổi xế chiều, khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Dòng sông Vàm Cỏ Đông đang vào mùa khô, nước trong vắt, chảy hiền hòa, những khóm lục bình hoa tím lững lờ trôi, trong ánh nắng dịu nhẹ trải vàng trên mặt sông. Hai bên bờ, hàng dừa nước xanh ngắt, xen lẫn những khóm bình bát, ô môi, trâm bầu… quang cảnh đẹp đến nao lòng. Giá mà không có chiến tranh, không phải đi vào nơi đất lửa, hiểm nguy, cái chết luôn rình rập thì chuyến đi của chúng tôi trên dòng sông Vàm Cỏ Đông sẽ là một chuyến du ngoạn tuyệt vời. 
Gần sẩm tối, chúng tôi đến địa điểm đóng quân.

Đó là một gò đất nổi, chạy dọc theo bờ sông Vàm Cỏ Đông, một bên là một vùng đầm nước nổi, cây cối, lau sậy mọc um tùm. Từ ngoài vào, hoặc từ trong chỗ chúng tôi ở ra, không có đường bộ, phải đi bằng xuồng dọc theo một con lạch nhỏ, lục bình phủ kín. Những lúc muốn di chuyển, một người lội xuống lạch móc một sợi dây đã buộc sẵn kéo dạt lục bình ra hai phía đủ để lách xuồng ra, sau đó lại kéo dây lấp lục bình lại như cũ. Đóng quân ở địa điểm như vậy, anh em du kích đã tính toán kỹ bởi vị trí này nằm sát cánh đồng, thuận tiện cho việc gặp gỡ người dân hàng ngày, giữ được bí mật, địa hình hiểm trở khó bị xâm nhập, khi cần có thể thoát ra sông Vàm Cỏ Đông về vùng giải phóng. 

Tuy vậy, ở giữa một khu vực lầy lội, cây cối rậm rạp, bốn bề mênh mông nước cũng có những hạn chế như: khả năng cơ động không cao, công sự chiến đấu và hệ thống hầm hào trú ẩn tránh bom, pháo thường xuyên bị ngập nước. Ngoài ra, các loại côn trùng, đỉa, muỗi nhiều vô kể. Rất may cho tôi, hôm trước khi sang đây, nhờ anh em đi trước chỉ dẫn, tôi đã mua được một lọ thuốc chống muỗi của Mỹ, nên cũng tạm ổn. Từ địa bàn đóng quân của chúng tôi đến ấp chiến lược và đồn địch theo đường chim bay chỉ khoảng 700 đến 800 mét, vì vậy, mọi hoạt động của chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. 

Hàng ngày, chúng tôi phải dậy từ lúc 4 giờ sáng nấu ăn. Anh em du kích cũng làm bếp âm dưới đất, kiểu bếp Hoàng Cầm để che ánh lửa và phân tán khói. Khi trời còn chưa sáng, mọi việc ăn uống, thu dọn đồ đạc, tăng, võng đã phải xong xuôi, gọn gàng. Cùng lúc ấy  một du kích, thường thì là Năm Long đã trèo lên ngọn cây trâm, cái cây cao nhất trong khu vực đóng quân của chúng tôi, ẩn trong đám lá rậm rạp, ngồi lặng yên hàng giờ quan sát mọi động tĩnh ở ngoài cánh đồng và trên các bờ kênh để phát hiện bất cứ dấu hiệu khả nghi nào của địch, trước khi chúng tôi rời cứ. Ở trong ấp, 7h30 địch mới mở cửa ấp cho bà con ra đồng làm việc. Nhưng với chúng tôi thì vào giờ đó đã phải có mặt ở ngoài đồng, ngoài rẫy để chờ gặp bà con. Ngược lại, buổi chiều lúc 15h30 bà con phải ngừng mọi công việc ngoài đồng để trở lại ấp thì chúng tôi vẫn ở lại đó đến khi trời xẩm tối mới quay lại cứ. Chúng tôi phải làm như vậy để đảm bảo rằng mọi người chỉ biết sự hiện diện của chúng tôi, nhưng không biết chúng tôi ở đâu và từ đâu đến. Nói như binh pháp là: “Lai vô ảnh, khứ vô hình”. 

Sang địa bàn buổi tối hôm trước, sáng hôm sau, chúng tôi ra đồng ngay để gặp gỡ bà con. Ngày đầu tiên, mọi việc đối với tôi còn lạ lẫm, mới mẻ, cả đất và người đều xa lạ. Năm Long lại bỏ đi đâu mất, không biết có phải anh thử thách tôi, hay tôn trọng, tin tưởng tôi có khả năng xử lý mọi việc. Đã từng làm công tác dân vận thành công ở xã Hòa Hợp, tôi nghĩ bà con ở đây cũng vậy thôi, cứ xáp vào cùng làm, cùng trò chuyện, cởi mở, chân thành thì bà con sẽ tin, sẽ thương yêu, quí mến, công việc sẽ thuận lợi. 

Tự tin như vậy, tôi hăm hở xắn quần, lội xuống đồng, đi về phía nhóm các bà, các cô đang cấy lúa ở thửa ruộng gần bờ kênh. Gần đến nơi, tôi cất tiếng chào và vơ lấy một bó mạ, bước nhanh đến hàng người đang lom khom cấy lúa. Nhưng tâm trạng hân hoan, vui mừng của tôi như bị dội một gáo nước lạnh. Tôi bị sốc thật sự. Đáp lại lời chào hỏi và thái độ vui vẻ, hân hoan của tôi là sự im lặng và các khuôn mặt lạnh lùng. Trong lúc tôi khựng lại, mặt ngơ ngác, thì có một bà má lớn tuổi tay ôm mấy bó mạ, đi ngang qua chỗ tôi đứng, nói nhỏ: “Con lên chòi lá ngồi, lát nghỉ trưa má và các dì sẽ gặp. Con xuống đây không tiện”. Nói xong, má đi thẳng, như chưa từng gặp và nói gì với tôi. 

Nghe lời bà má, tôi lên bờ kênh ghé vào căn chòi lá, có vách che ngồi đợi. Trưa hôm ấy, trong căn chòi lá kín đáo, tôi được gặp bà má trong nhóm cấy buổi sáng. Phúc đức cho tôi đó chính là má Năm, là cơ sở ruột của đội du kích, tôi đã từng được nghe Năm Long nhắc tới. Lúc ở dưới ruộng, mọi việc diễn biến quá nhanh, tôi chưa kịp nhìn rõ mặt má, chỉ nghe giọng nói. Bây giờ, ngồi đối diện, tôi mới có cơ hội nhìn kỹ. Má trạc tuổi mẹ tôi ở miền Bắc, khuôn mặt phúc hậu, nhưng đã có nhiều nếp nhăn. Có lẽ, cuộc đời má đã phải trải qua nhiều biến cố chiến tranh, trải qua những đêm thức trắng đào hầm, thức canh cho các con an toàn, khỏi nanh vuốt giặc. 

Má không hề trách cứ tôi về việc tự ý lội xuống ruộng sáng nay. Nhìn dáng điệu thư sinh và khuôn mặt trẻ măng của tôi (khi ấy tôi mới 22 tuổi), chắc má đã đoán ra tôi mới từ miền Bắc vào, còn non nớt với cuộc sống chiến trường. Lần đầu gặp mặt, nhưng má lo cho tôi chu đáo như thể tôi còn bé bỏng lắm. Má ép tôi phải ăn hết cái bánh mì thịt to đùng, dù tôi nói đã ăn sáng rồi. Trong khi tôi ngồi ăn bánh mì, má dặn: “Từ ngày mai, các con có ra thì đừng xuống ruộng, cứ vào chòi mà ngồi, lấy bánh mì trong giỏ ăn. Nghỉ trưa, các má, các dì lên hãy gặp cho kín đáo. Ở đây, có nhiều tai mắt phải đề phòng”. Thì ra là vậy, lúc ở dưới ruộng, mọi người ngó lơ tôi là để đề phòng tai mắt rình mò của kẻ xấu, bọn điệp ngầm chỉ điểm. Đó là một bài học đầu tiên của tôi về phương cách hoạt động và tồn tại ở trong vùng địch, để bảo vệ mình và bảo vệ cơ sở, tránh sự truy bức của kẻ thù.

Nhờ sự chỉ bảo của má Năm, những ngày tiếp theo, khi ra đồng tôi, không tùy tiện gặp gỡ, nói chuyện công khai với mọi người. Mỗi buổi trưa, tôi vào một căn chòi, kín đáo gặp gỡ, trò chuyện với bà con. Qua một thời gian, tôi mới ngộ ra rằng, bà con mình, dù sống trong vùng địch kiểm soát bị o ép, tuyên truyền nhồi sọ, nhưng vẫn một lòng rất tin tưởng và hướng về cách mạng. Đến chòi nhà ai tôi cũng được đón tiếp niềm nở, thân tình. Cũng như má Năm, hàng ngày bà con đều mang dư thêm xuất bánh mì ăn trưa cho tôi và anh em trong đội du kích. Dăm bữa, một tuần, bà con còn giấu bọn lính gác xét giỏ, xét đồ ở cửa ấp chiến lược mang cho chúng tôi khi thì chai mắm nêm, khi thì gói trà, gói thuốc lá. Dịp tết dương lịch và tết cổ truyền năm ấy, bà con chẳng biết bằng cách nào qua mắt được bọn lính, mang cho chúng tôi đủ thứ từ bánh tét, đến thịt heo kho trứng, tôm khô, củ kiệu… 

Không chỉ bà con làm việc ngoài đồng có điều kiện tiếp xúc nhiều với cách mạng, mà những bà con làm các ngành nghề khác, sống trong ấp chiến lược như: bán tạp hóa, cà phê, quán hàng ăn, cắt tóc, chăn nuôi… ít có dịp tiếp xúc với “người đằng mình” hơn, cũng rất thương yêu, quí mến và đùm bọc anh em trong đội du kích chúng tôi. Hồi công tác ở Thanh Điền, anh em chúng tôi thỉnh thoảng bí mật  đột ấp chiến lược, có khi một tuần một lần, có khi nửa tháng, có khi một tháng một lần. Sống trong sự o ép, kìm kẹp của địch nên cứ trời sập tối là bà con nhà nào cũng cửa đóng then cài, tắt đèn tối thui. Kẻ địch rất thâm hiểm. Ban đêm chúng cho người giả danh cách mạng, gọi cửa. Nhà nào vội vàng mở cửa là rơi vào bẫy của chúng, bị bắt bớ, đánh đập, tra hỏỉ, giam cầm. Vậy mà, bà con vẫn bất chấp nguy hiểm, sẵn sàng đón chúng tôi vào nhà. 

Trong các lần đột ấp, chúng tôi đã đến nhiều nhà, nhưng chưa có gia đình nào từ chối tiếp xúc, gặp gỡ. Các cuộc nói chuyện thường diễn ra trong bóng đêm và nói nhỏ đủ nghe, để giữ bí mật, nhưng chúng tôi cảm nhận được tình cảm và tấm lòng của bà con giành cho mình. Có gia đình còn cung cấp cho chúng tôi nhiều thông tin bổ ích về tình hình địch như sự biến động quân số, vũ khí, giờ giấc chúng đi tuần, hướng nào nên tránh khi vào ấp… để giảm thiểu rủi ro về mìn, lựu đạn gài. 

Tôi nhớ đêm vào nhà của một thầy giáo già dạy tiểu học, ông hỏi tôi nhiều thông tin về Miền Bắc, về tình hình chiến sự, về cuộc sống của chúng tôi và dặn dò chúng tôi giữ gìn sức khỏe, an toàn. Ông cho biết vẫn thường xuyên lén nghe đài Hà Nội, đài Giải phóng. Khi chúng tôi ra về, ông còn đưa ra một gói thuốc thiết yếu trị những bệnh thông thường như cảm cúm, ho, đường ruột, sốt rét… bắt chúng tôi mang theo để phòng khi trái gió trở trời. Những lần vào ấp chiến lược như thế này, lúc trở ra trong bòng của chúng tôi lúc nào cũng đầy ắp quà bà con nhét vào bắt phải mang về. Những thứ bà con cho như cân gạo, mấy kí khoai lang, chai mắm nêm, vài kí cá khô, gói trà... tuy giá trị không lớn, nhưng đối với chúng tôi vô cùng quí giá và thiết thực. Nó là tấm lòng của bà con đối với những đứa con, đang chịu đựng gian khổ, hy sinh chiến đấu để giải phóng quê hương khỏi ách thống trị của Mỹ - Ngụy.     

Hoạt động trong vùng địch kiểm soát, rất nhiều nguy hiểm cận kề, để tồn tại phải luôn tỉnh táo, nhạy bén, nghe ngóng, quan sát, phát hiện bất cứ những thay đổi nào xảy ra xung quanh. Cho đến hôm nay, tôi vẫn không thể quên những lần thoát chết trong gang tấc, nhờ được dân báo tin kịp thời. Hôm ấy, như thường lệ, cả năm anh em đang ngồi trong chòi chờ bà con ra làm đồng. Minh, chiến sĩ an ninh Giải phóng được phân công quan sát, cảnh giới. Tầm 9 - 10 giờ sáng, bỗng Minh quay lại ra hiệu cho Năm Long thấy có điều gì đó bất thường. Nhìn qua kẽ lá, chúng tôi thấy các bà, các chị đang cấy ở thửa ruộng phía trước, có một người đứng lên, lột nón cầm tay, thỉnh thoảng lại quạt nhẹ. Cả năm cặp mắt chúng tôi tập trung quan sát xung quanh cánh đồng. Kia rồi, bên phía bờ kênh đối diện là những bóng người mặc quần áo ka ki đang thoắt ẩn, thoắt hiện dưới những bụi chuối. Năm Long lệnh cho chúng tôi tuột nhanh xuống kênh và lẩn vào khu vực lau sậy ven sông Vàm Cỏ Đông an toàn. Ngày hôm sau, bà con cho biết, sáng hôm đó khoảng một đại đội lính từ tiểu khu Tây Ninh và lính trong đồn ở Thanh Điền nống ra đến chiều chúng mới rút. Vài lần sau, cũng bằng những ám hiệu mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu, bà con đã báo tin cho chúng tôi kịp thoát khỏi các cuộc phục kích, hay các trận càn của địch.

Lại nói thêm về cuộc sống ở địa bàn của chúng tôi. Suốt thời gian gần nửa năm ở Thanh Điền, chúng tôi không chỉ đối mặt với hiểm nguy, mà việc ăn ở cũng rất vất vả. Hai bữa ăn sáng và tối đều phải mò mẫm trong bóng đêm. Hoạt động ở vùng đồng bằng, gạo thì không thiếu, nhưng thức ăn chủ lực chỉ là các loại rau dại mọc ngoài đồng như: Kèo nèo, rau đắng, đọt lục bình chấm mắm nêm. Hiếm hoi lắm, mới có bữa ăn tươi do Năm Long mò được vài con tôm, con cá dưới kênh. Còn ngủ đêm thì chẳng mấy khi có được giấc ngủ trọn vẹn. 

Đặc biệt là từ tháng 3/1975 sau khi ta tấn công tiêu diệt căn cứ ra đa của địch trên đỉnh núi Bà Đen và sau chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, giải phóng các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Trung Trung bộ, pháo binh của chúng từ tiểu khu Tây Ninh, từ căn cứ Cẩm Giàng, tăng cường bắn phá khu vực dọc sông Vàm Cỏ Đông. Có đêm chúng bắn đến hai, ba lần, nhưng chẳng theo một qui luật nào. Khi thì chúng bắn vào chập tối, khi thì nửa đêm, khi thì gần sáng, có quả chỉ cách chỗ chúng tôi vài ba chục mét. Mỗi lần pháo bắn, chúng tôi phải nhảy xuống hầm, nước ngập đến cổ. Quần áo ướt chưa kịp thay, chúng lại bắn đợt mới, lại nhảy xuống hầm, ngâm trong nước lạnh suốt đêm. Ai cũng rét run cầm cập. Tuy nhiên, cũng từ thời điểm này, bọn địch ở tiểu khu Tây Ninh và bọn trong ấp không dám nống ra ngoài, hoạt động của chúng tôi dễ dàng, thuận lợi hơn. Không khí vui mừng phấn khởi tràn ngập trong anh em chúng tôi. Tối nào, chúng tôi cũng mở radio theo dõi, đánh dấu trên bản đồ những tỉnh, những địa phương được giải phóng, những  căn cứ địch bị tiêu diệt, hồi hộp chờ đợi tin vui chiến thắng từ các mặt trận, các mũi tiến công của các binh đoàn chủ lực. 

Trong lúc địch hoang mang, lo sợ, đội du kích của Thanh Điền cũng đẩy mạnh các hoạt động tấn công địch. Kể từ tháng 3/1975, chúng tôi thường xuyên tổ chức bao vây, quấy rối bọn địch trong ấp chiến lược và tập kích vào các đồn bốt địch bằng pháo “tự chế” của du kích. Nói là pháo cho oai chứ thật ra nó là một viên đạn 175 li, được anh em du kích cưa dọc thành hai mảnh, lúc bắn thì đào một hố xiên 45 độ đặt quả pháo 175 li đã cưa vào hố, sau đó lấy quả đạn pháo 105 li lắp vào trong. Quả pháo được đẩy đi và kích nổ bằng liều thuốc súng khoảng 400 gam. Bắn bằng vũ khí tự tạo như vậy, quả pháo chỉ bay xa nhất khoảng 300 mét và cũng ít khi trúng mục tiêu, có khi nổ cách đồn địch đến gần trăm mét. Tuy vậy, những tiếng nổ của đạn pháo 105 li cũng làm cho bọn địch sợ hãi, không dám bước ra ngoài công sự. Những ngày này, không riêng chúng tôi vui mừng, bà con trong ấp chiến lược cũng hân hoan, vui mừng không kém. Hàng ngày, ra ngoài đồng, bà con công khai gặp gỡ chúng tôi, không còn e dè, ngại ngùng, giữ ý như trước.

Vào những ngày đầu tháng Tư, trong lúc khí thế cách mạng đang ngùn ngụt dâng cao ở khắp Miền Nam và các mũi tiến công của quân ta đang như vũ bão, hàng loạt tỉnh, thành phố như Nha Trang, Phan Rang - Tháp Chàm, Đà Lạt… được giải phóng, thì tổ công tác của chúng tôi được gọi về gấp để nhận nhiệm vụ mới, kết thúc gần 6 tháng về Thanh Điền bám đất bám dân với nhiều kỷ niệm khó quên.

Nhật Nam
Tôi đi phát động quần chúng - Bài 3: Viết tin bài dưới đạn bom
Tôi đi phát động quần chúng - Bài 3: Viết tin bài dưới đạn bom

Hơn một năm được giải phóng, khó khăn còn bộn bề, nhưng cuộc sống của bà con xã Hòa Hợp đã từng bước ổn định. Màu xanh của lúa, khoai, rau màu, cây trái đã trở lại trên khắp các xóm ấp, ruộng vườn. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN