Tôi đi phát động quần chúng - Bài 1: Lên đường

Nhân kỷ niệm 62 năm này thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960 – 12/10/2022), nhà báo Phạm Nhật Nam, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, đã có loạt bài viết về những năm tháng hoạt động ở chiến khu với tinh thần vừa chiến đấu, vừa tham gia viết tin, bài và vừa hỗ trợ quần chúng nhân dân giữ vững địa bàn.

Chú thích ảnh
Tác giả đang viết tin bài ở căn cứ.

Bài 1: Lên đường

Đầu năm 1974, sau những ngày ăn tết vui vẻ - cái tết đầu tiên của chúng tôi ở chiến khu Miền Đông Nam bộ, khi sắc Xuân còn tràn ngập khắp núi rừng, các khóm mai rừng mọc tự nhiên bao quanh các ngôi nhà, trải dài theo các lối mòn, xen trong màu xanh của muôn loài cây lá vẫn khoe sắc vàng rực rỡ, thì tại căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng đã nhộn nhịp chuẩn bị cho các chuyến công tác về các chiến trường, các mặt trận.

Năm đó, hầu hết anh chị em phóng viên khóa GP10 chúng tôi đều lên đường và có mặt ở những điểm nóng nhất từ Miền Đông đến Miền Tây Nam bộ. Tôi còn nhớ các anh: Xuân Bân, Kim Sơn, Kao Phong đi Biên Hòa, Long Khánh, Bà Rịa; Minh Hưng, Văn Khánh, Hoàng Hựu đi Cần Thơ; Đăng Thục, Phạm Độ đi Bến Tre; Lê Cương, Đăng Bách đi Trà Vinh, Nguyễn Anh Tuấn đi Mỹ Tho; anh Đàm, anh Phú đi Long Châu Hà (Long Xuyên, Hà Tiên, Châu Đốc)… Riêng tôi cũng lên đường đợt này, nhưng không phải làm công tác phóng viên mà đi theo lệnh điều động của Ban Tuyên huấn Trung ương cục Miền Nam (tôi sẽ nói rõ hơn ở phần sau ).

Đến hôm nay, gần nửa thế kỷ đã trôi qua, khi ngồi viết bài này, trong đầu tôi vẫn hiện lên rõ như in hình ảnh xúc động của buổi chia tay. Chúng tôi ai cũng gọn gàng trong bộ quân phục, cổ quấn khăn rằn, đầu đội mũ tai bèo, chân đi đôi dép râu huyền thoại, vai mang ba lô, máy ảnh lỉnh kỉnh như những chiến sĩ giải phóng quân ra trận. Người đi tạm biệt người ở lại, người đi trước tạm biệt người đi sau, người đi chiến trường này tạm biệt người chiến trường kia, chúng tôi nắm chặt tay nhau, nhìn sâu vào mắt nhau để nhớ mãi khoảnh khắc này, thầm cầu chúc cho nhau bình yên trở về. Bởi chiến trường vô cùng gian khổ và ác liệt. Sự nghiệt ngã và tàn khốc của chiến tranh, không biết ai còn, ai mất.

Tôi khoác ba lô lên đường vào khoảng gần một tháng sau đó. Như đã nói ở trên, chuyến công tác của tôi không phải đi làm nghiệp vụ phóng viên mà đi làm công tác phát động quần chúng. Tên đầy đủ của đợt công tác và theo cách gọi trong văn bản là như vậy, nhưng thực chất nhiệm vụ của các đội công tác chúng tôi là chống bình định. Bởi trước đó vào đầu văm 1973, chính quyền Sài Gòn đã thành lập các đội bình định áo đen, tổ chức huấn luyện và đào tạo ở Vũng Tàu để đưa về các xã, ấp âm mưu giành dân, giành đất với ta.

Bước ra khỏi căn nhà nhỏ đơn sơ lợp mái bằng lá trung quân, nơi tôi và anh Xuân Bân đã đổ bao nhiêu công sức làm nên và gắn bó với nó suốt gần một năm qua, bây giờ bỏ không, trống trải, trong lòng tôi gợn chút xót xa. Nhưng đó chỉ là phút nao lòng thoáng qua, tôi còn nhiều việc phải làm ở phía trước.

Tại nơi hội quân, tôi có thêm niềm vui mới, đó là được gặp gỡ nhiều anh chị đến từ các các đơn vị khác, trong chiến tranh gọi mật danh là các B như: B1 (Tuyên truyền), B2 (Văn nghệ), B3 (Giáo dục), B5 (Đài phát thanh Giải phóng), B7 (Thông tấn xã Giải phóng), B8 (Kỹ thuật Thông tấn xã), B9 (Văn phòng Ban Tuyên huấn), B10 (Điện ảnh Giải phóng), B18 (Báo Giải Phóng)…

Vui nhất là tôi gặp được hai người quen cũ. Người đầu tiên là anh Đỗ Thanh Chất, kỹ thuật viên vận hành máy telephoto, teletif của TTX. Anh Chất ở B8/1 cùng là người nhà TTXGP với tôi, nhưng do nhiệm vụ khác nhau và chiến tranh, các đơn vị ở phân tán nên cũng ít gặp nhau. Anh Chất vào chiến trường trước tôi vài năm, nhưng ở đơn vị kỹ thuật, vì vậy đây cũng là chuyến đi công tác đầu tiên. Người thứ hai là anh Phạm Quang Nghị (sau này là Bí thư Thành uỷ Hà Nội) công tác tại B2. Anh Nghị và tôi cùng học khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng anh học trước tôi một năm. Năm 1970, anh và nhiều sinh viên cùng khóa thuộc hai khoa Văn, Sử được cử đi học lớp nhà văn trẻ và năm sau anh vào chiến trường.

So với tôi hai anh có thâm niên chiến trường hơn, chắc chắn tôi sẽ học hỏi được nhiều điều bổ ích cho chuyến công tác. Như vậy trong đoàn đi công tác phong trào, phát động quần chúng đợt này có mặt đủ đại diện các thành phần, nghề nghiệp trong đại gia đình tuyên huấn. Đặc biệt, có nhiều người là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo chỉ quen cầm bút hoặc đứng trên bục giảng. Ở chiến trường là vậy, mọi người phải luôn thích ứng với mọi hoàn cảnh, nhận bất cứ nhiệm vụ gì, lên đường bất cứ lúc nào khi cách mạng yêu cầu, kể cả việc không liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ như: làm rẫy, trồng rau, trồng khoai mì, tiếp phẩm, gùi gạo…

Chúng tôi ở nơi tập trung khoảng một tuần để dự các lớp tập huấn về tình hình, nhiệm vụ, yêu cầu, cách thức dân vận do các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên huấn trực tiếp truyền đạt và làm công tác tổ chức, phân công đội nhóm, địa bàn. Nhiệm vụ cụ thể của các tổ công tác chúng tôi ở đợt một là xây dựng phong trào, củng cố và phát triển lực lượng về mọi mặt của vùng giải phóng, chống địch lấn chiếm và cung cấp mọi nguồn lực cho kháng chiến.

Tôi được biết, có nhiều tổ công tác được phân công đi về các địa phương thuộc các tỉnh Bình Long, Phước Long, Đồng Nai, Long Khánh… Còn tổ của tôi được phân công về xã Hòa Hợp, huyên Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Tổ gồm có 4 người do anh Nguyễn Thanh Hải (Ba Hải), lúc đó là Phó chánh văn phòng B2 làm tổ trưởng (sau giải phóng anh về công tác tại Sở Văn hoá Thông tin TP Hồ Chí Minh). Anh Ba Hải quê ở Bình Dương, lên rừng tham gia cách mạng từ năm 1965. Anh người to lớn, da trắng trẻo, dáng đi bệ vệ. Đặc biệt, anh có khiếu nói chuyện hài hước, hấp dẫn, nhất là tiếu lâm chiến trường. Anh Thanh Chất cũng cùng tổ với tôi. Còn người thứ tư là anh Trần Tài ở B3, người Việt gốc Hoa. Trước khi đi B (chiến trường Miền Nam), anh là giáo viên dạy văn ở Quảng Ninh. Tổ của anh Nghị có ba người, do anh Vũ Đình Hào làm tổ trưởng (sau giải phóng công tác tại Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam), cũng được phân công về huyên Châu Thành, Tây Ninh, nhưng khác xã với chúng tôi.

Cùng địa bàn, cùng tuyến đường nên hai tổ chúng tôi hẹn nhau đi chung. Chúng tôi rời căn cứ ở Bến Ra vào lúc sáng sớm, khi chim rừng mới thức dậy, lao xao chuyền cành, hót lảnh lót, hòa với những âm thanh của các loài muông thú khác tạo nên bản nhạc rộn rã của rừng xanh đón chào ngày mới. Miền Đông thời điểm này đang là mùa khô. Buổi sáng trời mát mẻ, nhưng càng về trưa không khí nóng bức, mặt đất bị nung nóng dưới ánh nắng thiêu đốt của mặt trời. Từ Bến Ra đến Lò Gò, đi trong rừng, lại vừa qua một đêm ngon giấc, chúng tôi đi rất nhanh. Bắt đầu từ Lò Gò đi Đồi Thơ và Xóm Giữa, chúng tôi đi dưới trời nắng chang chang.

Chú thích ảnh
Phóng viên Nhật Nam trong những ngày đi chiến dịch với Công trường 5.

Đường dài, nắng nóng, gió bụi khiến chúng tôi mất sức rất nhanh. Cũng may, chúng tôi có anh Ba Hải và anh Nghị có cả kho chuyện vui kể suốt dọc đường, giúp mọi người vui vẻ, phấn chấn quên đi mệt mỏi. Quá trưa, chúng tôi đến Xóm Giữa, một xóm nhỏ nằm bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, có một bến đò, người dân địa phương gọi là vàm Trảng Trâu. Tên gọi này có lẽ xuất phát từ xa xưa ở đây có trảng cỏ cho trâu ăn chăng? Chịu, tôi không biết, chỉ suy đoán tào lao vậy thôi. Tại thời điểm ấy, do chiến trường chia cắt nên tất cả mọi người muốn đi công tác về các tỉnh Miền Trung Nam bộ, hay các tỉnh Miền Tây đều phải qua bến đò này sang đất Campuchia đi dọc biên giới, đến địa bàn nào cần đến thì mới rẽ ngang về lại trong nước.

Tuy nhiên, cũng thời gian này, bọn Pôn Pốt đã bắt đầu trở mặt, thường xuyên phục kích, cướp bóc, giết hại cán bộ, chiến sĩ ta nếu đi một mình hoặc nhóm nhỏ lẻ. Vì vậy, Xóm Giữa như là một điểm tập kết. Các cá nhân, hay các nhóm nhỏ đến đây, vừa nghỉ ngơi sau chặng đường hành quân dài, vừa chờ kết hợp thành đoàn lớn, có đủ vũ khí bảo vệ trước khi vượt sông, tiếp tục chuyến công tác. Riêng chúng tôi đến Xóm Giữa cũng có nghĩa là sắp đến địa bàn công tác, vì huyện Châu Thành nằm giáp với huyên Tân Biên, nên có thêm một lựa chọn nữa là đi theo đường thủy, dọc sông Vàm Cỏ Đông.

Nghỉ lại Xóm Giữa một đêm, tờ mờ sáng hôm sau, chúng tôi có măt tại Vàm Trảng Trâu. Bến đò lúc sáng sớm vô cùng nhộn nhịp, tiếng xuồng máy đuôi tôm của bà con đi làm ăn, buôn bán nổ giòn giã, vang động cả một khúc sông. Hỏi thăm đường về xã Biên Giới và xã Hòa Hợp nơi chúng tôi sẽ đến, cô lái đò dáng người khỏe mạnh, nước da đen giòn mách nước: “Đi xuồng xuôi theo sông Vàm Cỏ Đông chừng hơn một tiếng sẽ đến. Đoạn sông này hoàn toàn nằm trong vùng giải phóng, an toàn”.

Cô còn nhiệt tình dẫn chúng tôi đến gặp một người đàn ông đã đứng tuổi, mà cô gọi là chú Tư Biển. Nhìn vào cách nói chuyện của cô, tôi đoán họ có mối quan hệ khá thân thiết. Chỉ vào chúng tôi, cô nói: “Mấy anh cán bộ giải phóng này có việc đi về Tà Nông (nơi thị tứ buôn bán của xã Hòa Hợp), chút tiện đường chú cho mấy ảnh đi quá giang nghen”. Chú Tư quay qua nhìn chúng tôi nói thủng thẳng: “Thì xuồng không, mấy chú đi cho vui, có sao”. Tấm lòng người dân đối với cách mạng là vậy, lúc nào cũng nhiệt tình, hăng hái, giúp đỡ cách mạng không kể hiểm nguy, không tính toán thiệt hơn.

Quãng đường từ Xóm Giữa đến các xã Biên Giới và Hòa Hợp không còn xa, lại được đi quá giang xuồng máy, không khí buổi sáng trên sông trong lành, mát rượi, chúng tôi ai cũng thấy sảng khoái, vui vẻ để chuẩn bị cho một đợt công tác mới đầy khó khăn, thử thách.

Bài 2: Củng cố chính quyền, đoàn thể cách mạng, chăm lo đời sống nhân dân

Phạm Nhật Nam
Tôi đi phát động quần chúng - Bài cuối: Về Thanh Điền bám đất, bám dân
Tôi đi phát động quần chúng - Bài cuối: Về Thanh Điền bám đất, bám dân

Như đã nói ở bài trên, sau khi kết thúc đợt một phát động quần chúng, theo yêu cầu của cách mạng và diễn biến trên chiến trường, Ban Tuyên Huấn Trung ương cục quyết định triển khai tiếp đợt hai, thành lập một số tổ công tác đi sâu vào các vùng địch tạm chiếm, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực, làm thất bại kế hoạch bình định và chương trình Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN