Tôi đi phát động quần chúng - Bài 3: Viết tin bài dưới đạn bom

Hơn một năm được giải phóng, khó khăn còn bộn bề, nhưng cuộc sống của bà con xã Hòa Hợp đã từng bước ổn định. Màu xanh của lúa, khoai, rau màu, cây trái đã trở lại trên khắp các xóm ấp, ruộng vườn. 

Thị tứ Tà Nông trở thành một trung tâm thương mại buôn bán sầm uất. Mỗi buổi sáng bến đò Tà Nông nhộn nhịp ghe xuồng của bà con từ khắp các xã, ấp trong vùng giải phóng và cả ở vùng địch tạm chiếm đến trao đổi, mua bán hàng hóa, nông sản. Chợ Tà Nông họp đủ 30 ngày trong tháng. Tiếng rao bán hàng, hòa với tiếng xuồng máy đuôi tôm rộn rã đi về suốt từ sáng đến quá trưa. Đêm đêm, thị tứ Tà Nông lung linh ánh đèn măng sông hắt ra từ các tiệm quán, tạo nên một khung cảnh cuộc sống thanh bình. 

Chú thích ảnh
Tác giả đang tác nghiệp.

Tuy nhiên, trong những khoảnh khắc bình yên ấy, những người có trách nhiệm của huyện, của xã Hòa Hợp luôn trăn trở, suy nghĩ và có những kế hoạch dự phòng cho những tình huống xấu nhất. Bởi họ đã có nhiều năm đối mặt với kẻ thù, hiểu rõ bản chất tàn ác, xảo trá và lật lọng của chúng. 

Trên thưc tế trong khoảng thời gian đó, Mỹ - Ngụy đã liên tục cho máy bay ném bom vùng giải phóng của ta ở Thiện Ngôn, Xa Mát, Lộc Ninh… tàn phá nhiều nhà cửa, ruộng vườn và giết hại nhiều người dân vô tội. Đảng ủy và chính quyền xã nhận định: Với vị trí quan trọng và nhất là cuộc sống từng ngày đổi mới nơi đây, Hòa Hợp đang là cái gai trong mắt địch, sớm muộn chúng cũng tấn công đánh phá, không bằng bộ binh lấn chiếm thì cũng dùng pháo binh, hoặc máy bay ném bom hủy diệt. Để chủ động phòng ngừa, Đảng ủy xã đã chỉ đạo đội du kích tăng cường bám địa bàn, bám chốt để phòng địch lấn chiếm, đồng thời vận động các gia đình, trường học, chợ, bến đò đào hầm hố phòng tránh pháo và máy bay ném bom. 

Đúng như nhận định, một ngày tháng 7/1974, vào lúc 9h30 sáng, thời điểm chợ Tà Nông đang đông đúc nhất, tại trường tiểu học Tà Nông các em học sinh đang chăm chú nghe thầy giáo giảng bài, mọi sinh họat của nhân dân đang diễn ra sôi động và thanh bình thì bất ngờ từ trên không trung vang lên tiếng rít của máy bay như xé rách bầu trời và từng loạt bom napan, tên lửa bắn xuống. Mặt đất rung chuyển, khói lửa ngút trời, tiếng la, tiếng khóc của những người dân hiền lành, vô tội bị giết, bị thương vang lên thảm thiết. 

Khi cuộc oanh tạc man rợ của máy bay địch xảy ra, tôi vừa từ dưới ấp trở về nơi ở, chỉ cách khu vực chợ Tà Nông khoảng 100 mét. Với kinh nghiệm và linh tính của một người đã trải qua những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc và đang sống, làm việc ở chiến trường, nghe tiếng rít của máy bay, tôi biết ngay chuyện gì sẽ xảy ra. Phản xạ tức thì của tôi là bật dậy khỏi võng, lao nhanh ra hầm trú ẩn. Vừa kịp chui vào hầm thì tôi thấy mặt đất rung chuyển. Căn hầm chữ A tôi đang trú bỗng tối sầm do cửa bị ép vào và sập xuống. Trong giây phút hiểm nghèo đó, tôi vừa cố gắng dùng tay để bới đất, vừa lựa thế để trồi thoát ra ngoài.

Sau khi thoát được ra, tôi quan sát nhanh, căn nhà nơi tôi ở cách đây mấy phút chỉ còn là một hố bom và cả khu phố Tà Nông trở thành một biển lửa. Tôi may mắn thoát chết, nhưng tất cả ba lô, tư trang, đồ dùng của tôi đã bị bom giặc đốt cháy sạch, chỉ còn đúng một bộ quần áo mặc trên người nhưng lúc này cũng nhem nhuốc, đầy bùn đất, lỗ chỗ rách. 

Đợi ngớt tiếng máy bay, tôi tìm cách đến gặp các đồng chí có trách nhiệm của xã để bàn biện pháp khắc phục hậu quả và vận động bà con giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn, đặc biệt là ổn định tâm lý cho người dân. Trong lúc công việc bộn bề và cấp bách như vậy, là một nhà báo, tôi nghĩ ngay đến trách nhiệm của mình là phải bằng mọi cách đưa tin, bài, ảnh nhanh nhất để tố cáo với dư luận trong nước và quôc tế tội ác man rợ, giết hại người dân vô tội và phá hoại Hiệp định Paris của ngụy quyền Sài Gòn. 

Trong lúc khói lửa còn mịt mù, tôi chạy nhanh đến khu vực chợ và bến đò là những nơi hứng chịu bom nặng nề nhất. Một cảnh tượng đau đớn đến bàng hoàng hiện ra trước mắt tôi, xác người chết, người bị thương nằm ngổn ngang, hàng trăm ngôi nhà bị thiêu rụi. Tại trường tiểu học Tà Nông, thầy cô giáo đã kịp đưa các em ra hầm trú ẩn nên không có thiệt hại về tính mạng, chỉ có một số em bị thương nhẹ, nhưng ngôi trường và toàn bộ sách vở, đồ dùng học tập bị cháy trụi. 

Tìm hiểu tình hình, lấy tư liệu, phỏng vấn người dân để viết tin bài, đối với tôi rất nhanh, rất thuận lợi và đầy đủ vì chính tôi cũng là người trong cuộc. Tuy nhiên, điều làm tôi băn khoăn, trăn trở nhất là làm sao để có máy ảnh ghi lại những bằng chứng sống động, thuyết phục, không thể chối cãi về tội ác man rợ này của chính quyền Sài Gòn. Thời đó, phương tiện ghi hình còn rất hiếm, duy nhất chỉ là máy ảnh và chỉ phóng viên ảnh thực thụ mới được phát máy. Tôi là phóng viên tin, dĩ nhiên không được trang bị máy ảnh. Ngồi tần ngần suy nghĩ, tiếc cho một cơ hội quí báu có thể bị bỏ qua. Trong lúc tưởng như tuyệt vọng, tôi chợt nhớ ra Tà Nông có một tiệm chụp ảnh. Tiệm này ở không xa khu vực bị đánh bom, cứ thử đến đặt vấn đề mượn máy, mượn phim, biết đâu…

Ông chủ tiệm ảnh tôi có gặp vài lần ở các cuộc họp dân, nên khi tôi vừa đặt vấn đề là ông gật đầu cái rụp. Ông cho tôi mượn chiếc máy YASHICA chụp phim 6x6, kèm theo 4 cuộn phim. Cầm máy trong tay, tôi phóng ngay ra hiện trường, tranh thủ ghi lại những hình ảnh còn nóng hổi, những ngôi nhà còn bốc cháy ngùn ngụt, những thi thể không còn nguyên vẹn, lực lượng du kích, thanh niên, phụ nữ đang cấp cứu, băng bó cho những người bị thương, cận cảnh ngôi trường tiểu học bị tàn phá, bàn ghế, sách vở cháy nham nhở, vung vãi khắp nơi. Những hình ảnh đó là những tài liệu, bằng chứng vô giá cho thế giới, cho loài người tiến bộ thấy tận mắt tội ác dã man, ghê tởm của kẻ thù. Đêm hôm ấy, mặc dù người mệt nhoài do cả ngày tham gia khắc phục hậu quả của trận ném bom, tôi vẫn thức suốt đêm để viết xong bản tin và bài ghi nhanh. 

Công việc tiếp theo là làm sao đưa nhanh được tin, bài và 4 cuộn phim về căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng để kịp phát ra Hà Nội. Nếu như ở thời điểm hiện nay thì việc phát tin, ảnh về cơ quan rất dễ dàng và nhanh chóng khi chỉ cần vào một nơi nào đó, thậm chí là một quán café có wifi và sau vài cái nhấp chuột là tin bài, ảnh được chuyển đến bất cứ nơi nào trên trái đất. Còn vào thời điểm ấy, tôi ở cách cơ quan chừng 60 km, nhưng việc đưa được những dòng tin, những thước phim về cơ quan lại là một việc vô cùng khó khăn, phức tạp và nguy hiểm. Ngoài việc không có bất cứ một phương tiện nào để đi lại, đường về cơ quan nhiều đoạn phải đi trên đất Campuchia, mà thời gian ấy, bọn Khơ-me đỏ đang gây ra nhiều vụ cướp bóc, giết hại cán bộ, chiến sĩ ta nếu đi nhỏ lẻ. Tình thế khó khăn và hiểm nghèo như vậy, nhưng công việc cấp bách, không cho phép tôi chần chừ, tính toán.

Mờ sáng hôm sau, nhờ một du kích địa phương chở xe đạp đến ngã ba cây Cầy để qua Campuchia, tôi ngồi đợi nếu có đoàn bộ đội đi cùng đường thì xin đi nhờ. Thật may mắn, tôi chờ khoảng vài chục phút sau có một đoàn chừng 30 chiến sĩ đi xe đạp tới. Họ thuộc một đơn vị hậu cần đang đi lấy hàng và đồng ý cho tôi đi theo. Dọc đường đi trên đất bạn, dù lực lượng đông đảo, đầy đủ vũ khí, nhưng chúng tôi cũng có nhiều phen thót tim. Mỗi khi qua các trạm kiểm soát, bọn lính Khơ-me đỏ luôn hoạnh họe, xét hỏi giấy tờ và nấp sau các công sự chĩa súng vào đoàn với thái độ hằn học, không một chút thiện cảm. Tất cả anh em trong đoàn lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng, cảnh giác cao độ, sẵn sàng chiến đấu. Quãng đường đi nhờ bằng xe đạp khá dài, tôi chỉ còn phải đi bộ chừng 10km đường rừng, nhưng thuộc vùng căn cứ, nên khá an toàn. 

Về đến cơ quan khoảng 5 giờ chiều, tôi lên thẳng nhà đồng chí Trần Thanh Xuân, Giám đốc TTXGP để báo cáo tình hình, nộp tin bài và những cuộn phim đã chụp. sau khi nghe tôi báo cáo ngắn gọn tình hình, chú Năm Xuân (trong chiến khu chúng tôi gọi người thủ trưởng của mình như thế) cho chuyển ngay bốn cuộn phim xuống B22 (mật danh của bộ phận ảnh) với lời dặn: “Tráng phim và làm ảnh ngay, chuyển B81 (bộ phận kỹ thuật ) phát nhanh nhất ra Hà Nội”. Riêng với bản tin và bài ghi nhanh, chú Năm nhắc tôi đưa ngay về cho các đồng chí lãnh đạo B73 (bộ phận biên tập) xử lý theo cấp độ khẩn… 

Ngồi viết lại những dòng này, tôi không khỏi bùi ngùi nhớ anh Nguyễn Đức Giáp (sau này là Phó Tổng Giám đốc TTXVN ), lúc đó là Phó Trưởng ban B73, người xử lý tin, bài cho tôi. Anh chỉ sửa tít của bài ghi nhanh, nhưng tôi nhớ mãi. Nguyên văn tít bài của tôi là: “Giặc Mỹ lại gây thêm tội ác dã man với đồng bào vùng giải phóng”. Anh sửa là “Bom Mỹ lại rơi xuống võng em thơ, xuống trang sách học trò”. Chỉ một cái tít, nhưng khái quát được nội dung của bài viết, rút được chi tiết đắt giá nhất gây ấn tượng cho người đọc, người nghe. 

Ngay đêm đó và cả mấy ngày tiếp theo, tôi mở đài theo dõi thấy bản tin và bài ghi nhanh của tôi được các Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh Giải phóng đọc đi đọc lại nhiều lần. Đối với các báo in ở ngoài Miền Bắc đăng thế nào tôi không rõ, nhưng ở B2, báo Giải Phóng đã giật tít lớn in trên trang nhất. Về phần ảnh chủ đề tốt, bố cục chặt chẽ, ánh sáng tốt, B22 đã chọn được hơn một chục tấm để phát telephoto. Tôi được lãnh đạo TTXGP và lãnh đạo B73 biểu dương về tinh thần trách nhiệm, vượt khó khăn, thông tin kịp thời và hiệu quả cao. Tôi cảm thấy rất vui vì đã có những đóng góp dù rất nhỏ bé của mình cho cách mạng, đồng thời cũng có thêm bài học bổ ích cho nghiệp vụ, về tính chủ động, về việc chọn chi tiết cho bài viết, về cách đặt tít tin bài sao cho hấp dẫn, lại làm nổi bật chủ đề.

Nhật Nam
Tôi đi phát động quần chúng - Bài cuối: Về Thanh Điền bám đất, bám dân
Tôi đi phát động quần chúng - Bài cuối: Về Thanh Điền bám đất, bám dân

Như đã nói ở bài trên, sau khi kết thúc đợt một phát động quần chúng, theo yêu cầu của cách mạng và diễn biến trên chiến trường, Ban Tuyên Huấn Trung ương cục quyết định triển khai tiếp đợt hai, thành lập một số tổ công tác đi sâu vào các vùng địch tạm chiếm, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực, làm thất bại kế hoạch bình định và chương trình Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN