Theo Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS), hai binh sĩ bên thứ ba mà họ cho là người Triều Tiên bị các lực lượng của Ukraine bắt sống khi đang chiến đấu ở tỉnh Kursk của Liên bang Nga không bày tỏ mong muốn xin tị nạn tại Hàn Quốc.
Trong số hai binh sĩ này, một người trước đó đã bày tỏ mong muốn trở về quê hương, trong khi người còn lại muốn ở lại Ukraine, theo các cuộc phỏng vấn bằng tiếng Hàn được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công bố trước đó.
Hai nghị sĩ tham dự cuộc họp kín của NIS với các nhà lập pháp Hàn Quốc hôm 14/1 tiết lộ với hãng tin AP rằng tại cuộc họp, NIS cho biết họ đã tham gia vào việc thẩm vấn hai binh sĩ bên thứ ba và cả hai không bày tỏ mong muốn đào tẩu.
Koo Byoung-sam, phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nói với AP rằng ngay cả khi hai người này muốn đào tẩu, hiện tại không có cơ sở pháp lý nào để thực hiện quy trình này.
“Chúng tôi không thể nói gì thêm ở giai đoạn hiện tại,” ông Koo nói, đồng thời cho biết cần có “các đánh giá pháp lý, bao gồm luật pháp quốc tế, và tham vấn với các bên liên quan” nếu binh sĩ bên thứ ba bị Ukraine bắt giữ muốn được dẫn độ sang Hàn Quốc.
Lee Seong-kweun, một trong các nhà lập pháp tham dự cuộc họp, nói với AP News rằng binh sĩ bên thứ ba gặp khó khăn khi đối phó với thiết bị bay không người lái (UAV) và các yếu tố chiến tranh hiện đại khác.
Xem video ghi lại hai binh sĩ bên thứ ba bị các lực lượng của Ukraine bắt giữ ở tỉnh Kursk của Liên bang Nga đang được giam giữ ở Kiev. Nguồn: Website của Cơ quan An ninh Ukraine
Hãng thông tấn nhà nước Ukraine (Ukrinform) ngày 11/1 dẫn tuyên bố của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) cơ quan chịu trách nhiệm thẩm vấn cho biết người lính đầu tiên bị bắt ở khu vực Kursk vào ngày 9/1 bởi Nhóm Tác chiến Chiến thuật 84 thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Ukraine (SSO), và người thứ hai bị lính dù Ukraine bắt giữ.
Trước đó, Kiev được cho là đã bắt giữ binh sĩ bên thứ ba đầu tiên vào cuối tháng 12/2024, nhưng người này không qua khỏi do bị thương nặng.
Đối với hai binh sĩ bên thứ ba mới bị bắt, Cơ quan An ninh Ukraine cho biết họ đã được chuyển đến thủ đô Kiev để “thực hiện các biện pháp điều tra khẩn cấp” và ngay sau khi bị bắt, các tù binh nước ngoài đã được cung cấp đầy đủ hỗ trợ y tế cần thiết theo quy định của Công ước Geneva.
Tuyên bố của Cơ quan An ninh Ukraine nhấn mạnh các tù binh chiến tranh không nói được tiếng Ukraine, tiếng Anh hay tiếng Nga, nên việc giao tiếp với họ được thực hiện thông qua các phiên dịch viên tiếng Hàn trên cơ sở phối hợp với Cơ quan Tình báo Hàn Quốc (NIS).
Theo tuyên bố, tại thời điểm bị bắt, một trong hai tù binh mang theo giấy tờ quân sự kiểu Liên bang Nga được cấp dưới tên người khác, với địa chỉ đăng ký tại Cộng hòa Tuva (Liên bang Nga). Tù binh còn lại không mang theo bất kỳ giấy tờ nào.
Trong quá trình thẩm vấn, binh sĩ bên thứ ba mang theo giấy tờ cho biết anh ta đã được cấp tài liệu này tại Liên bang Nga vào mùa thu năm 2024.
Binh sĩ này cũng khai rằng mình sinh năm 2005, làm lính bộ binh và đã phục vụ trong quân đội bên thứ ba từ năm 2021.
Cơ quan An ninh Ukraine cho biết điều đáng chú ý là tù binh này, giống như các binh sĩ Liên bang Nga vào đầu cuộc chiến, nhấn mạnh rằng anh ta chỉ tham gia huấn luyện, chứ không phải tham gia chiến tranh chống lại Ukraine.
Tù binh còn lại xác nhận lời khai của “đồng đội” mình. Do bị chấn thương hàm, anh ta trả lời một số câu hỏi bằng văn bản.
Liên quan tới việc Ukraine bắt sống binh sĩ bên thứ ba ở Kursk, vào ngày 13/1, Điện Kremlin từ chối bình luận về việc này, sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất sẵn sàng trao đổi họ lấy các tù binh chiến tranh Ukraine.
“Chúng tôi không thể đưa ra bất kỳ bình luận nào, chúng tôi không biết điều gì là sự thật ở đó”, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói, sau khi Kiev công bố video hai người được cho là binh sĩ bên thứ ba đang bị thẩm vấn bằng tiếng Hàn vào cuối tuần.
“Chúng tôi tiếp tục thảo luận về khả năng trao đổi tù binh, điều này không hề dễ dàng… nhưng với chúng tôi, mạng sống của mỗi binh sĩ Nga đều rất quan trọng”, ông Peskov nói thêm.