Quân dân Đà Nẵng trung dũng, kiên cường trong Tổng tiến công Xuân 1968

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân thành phố Đà Nẵng đã trung dũng, kiên cường, góp phần cùng quân dân cả nước giáng đòn quyết liệt vào kẻ thù.

Năm nay đã 91 tuổi nhưng ký ức về cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 vẫn in sâu trong trí nhớ của Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Đặc khu ủy Quảng Đà, nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 4 (Mặt trận 4) Quảng Đà.

Đại tá Lê Công Thạnh kể về những ký ức về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Những tháng cuối năm 1967, đầu năm 1968, ở Quảng Đà, công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công trở nên hết sức khẩn trương. Với quyết tâm “Tất cả cho tổng công kích, tất cả cho tổng khởi nghĩa”, “Tất cả để đuổi Mỹ, lật Ngụy giành chính quyền về tay nhân dân”, nhân dân Quảng Đà đã thi đua góp sức người, sức của, tập trung mọi nguồn lực cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Đại tá Lê Công Thạnh cho biết, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tháng 10/1967, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu V quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà. Đồng chí Hồ Nghinh được Thường vụ Khu ủy chỉ định làm Bí thư, đồng chí Trần Thận làm Phó Bí thư.

Trước đó, tháng 7/1967, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu V thành lập Mặt trận 4 Quảng Đà nhằm thống nhất chỉ huy ba cánh quân chủ lực là lực lượng vũ trang của Tỉnh đội Quảng Đà, Thành đội Đà Nẵng và một số đơn vị chủ lực của Quân khu V.

Cùng với đó, Quân khu đã bổ sung cho Mặt trận 4 Trung đoàn pháo 575, 577 và Trung đoàn bộ binh 31. Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa kết nghĩa đưa Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn (D91) vào trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Quảng Đà.

Với sự bổ sung về lực lượng quân sự, Đặc khu ủy Quảng Đà đã huy động hàng nghìn nam nữ thanh niên, du kích, nhân dân và các lực lượng tham gia vận chuyển vũ khí, khí tài, phương tiện, các cơ sở bí mật như các căn cứ Lõm Bắc Mỹ An (K20) và B1 Hồng Đức, Hòa Khánh… trong nội đô thành phố vận động nhân dân đóng góp tiền vàng, lương thực thực phẩm, thuốc men phục vụ chiến dịch. Quân, dân Quảng Đà đồng khởi tham gia chiến dịch.

Theo kế hoạch của Trung ương cũng như toàn miền Nam, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Quảng Đà nổ ra vào đêm 30 rạng sáng 31/1/1968. Nhưng đến ngày 30/1/1968, Đặc khu Quảng Đà và Mặt trận 4 nhận được lệnh hoãn giờ nổ súng, chuyển sang đêm 31/1/1968.

Do chiến trường chia cắt, thông tin liên lạc không được đảm bảo. Đặc khu ủy chỉ kịp thông báo lệnh hoãn giờ G xuống một số địa phương, đơn vị, do đó, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Quảng Đà vẫn diễn ra vào đêm 30, rạng sáng 31/1/1968.

Sự thay đổi giờ nổ súng đã khiến địch nghi ngờ và đề phòng nên khi quân ta tiến công vào thành phố Đà Nẵng đã gặp phải sự phản công quyết liệt của địch ở khu vực Trung Lương - Cồn Dầu.

Theo Lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, lúc 2 giờ 2 phút ngày 31/1/1968, ta pháo kích vào sân bay Nước Mặn phát lệnh tiến công và nổi dậy. Các sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn, trận địa pháo Thanh Vinh, tổng kho hậu cần Bầu Mạc, kho xăng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng và các vùng phụ cận rung chuyển trong tiếng đạn pháo của quân ta.

Lực lượng bộ binh của Mặt trận 4 triển khai đội hình chiến đấu, nhanh chóng làm chủ cửa ngõ phía Bắc và phía Nam của thành phố. Ta đánh chiếm một trong ba cao điểm của quân Mỹ ở núi Phước Tường, phá khu ra đa, khu thông tin, làm rối loạn hệ thống phòng ngự của Mỹ - Ngụy ở phía Tây thành phố.

Quân ta đánh mạnh các mục tiêu ngoại vi nhưng ở mũi chủ công chính diện đánh vào thành phố, quân ta vấp phải nhiều khó khăn và bị tổn thất nặng. Trong đó phải kể đến Tiểu đoàn R20 Quảng Đà, đơn vị được lệnh tấn công vào Bộ Tư lệnh Quân đoàn I của Mỹ -Ngụy.

Đã 50 năm trôi qua nhưng ký ức về trận đánh của Tiểu đoàn R20 Quảng Đà vẫn không phai mờ trong ký ức của Đại tá Lê Ngọc Bảy, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên chiến sĩ trinh sát của Tiểu đoàn R20 Quảng Đà.

Đại tá Lê Ngọc Bảy cho biết, giữa tháng 12/1967, từ Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, Tiểu đoàn R20 Quảng Đà được lệnh cơ động về đóng quân tại xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, Quảng Nam và nhận nhiệm vụ tấn công Bộ Tư lệnh Quân đoàn I của Mỹ - Ngụy ngay trong đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968. Khi ấy, cả Tiểu đoàn hừng hực khí thế tiến về Đà Nẵng, đặc biệt trong Tiểu đoàn có nữ chiến sỹ nuôi quân Nguyễn Thị Định đã viết đơn bằng máu để được tham gia chiến đấu.

Đại tá Lê Ngọc Bảy, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên chiến sĩ trinh sát của Tiểu đoàn R20 Quảng Đà.

Đại tá Lê Ngọc Bảy nói, đêm 30/1/1968, khi Tiểu đoàn R20 Quảng Đà tìm cách vượt sông Cẩm Lệ để tiến vào thành phố Đà Nẵng thì bị địch phát hiện. Mặc dù bị địch ngăn chặn, song các chiến sĩ của Trung đội 1, thuộc Đại đội, Tiểu đoàn R20 Quảng Đà và một Trung đội của khu III Hòa Vang vẫn anh dũng vượt qua sông Cẩm Lệ.

Khi pháo của quân ta nã vào sân bay Nước Mặn, 57 chiến sĩ đã anh dũng vượt qua các lớp rào, đánh thẳng vào Sở chỉ huy Quân đoàn I của Mỹ - Ngụy. Địch bị bất ngờ, tháo chạy tán loạn. Ta làm chủ được đường Trịnh Minh Thế, Võ Tánh, vừa đánh địch vừa chờ lực lượng vũ trang và đội quân khởi nghĩa tiến vào thành phố. Đồng thời, các cánh quân khởi nghĩa vùng cát Hòa Vang- Điện Bàn, khu II Hòa Vang và vùng A, B Điện Bàn tiến vào Đà Nẵng với quyết tâm "Thiệu - Kỳ không đổ, không giỗ, không Tết".

Trong tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tại Quảng Đà, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 5.000 tên địch, phá hủy và bắn rơi 192 máy bay, đánh cháy 40 xe tăng và xe bọc thép, phá hủy 49 khẩu pháo và nhiều kho tàng của Mỹ - Ngụy.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Quảng Đà nói chung và tại thành phố Đà Nẵng nói riêng đã thể hiện tinh thần yêu nước và ý chí tiến công tiêu diệt giặc của quân dân ta. Dù Đà Nẵng là vùng nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Mỹ - Ngụy, song dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đặc Khu ủy Quảng Đà, quân dân ta đã tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, dũng cảm chiến đấu, góp phần tạo ra bước ngoặt cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bài và ảnh: Đinh Văn Nhiều (TTXVN)
Tổng tiến công Xuân 1968: Dấu son chói lọi của quân và dân Kiên Giang
Tổng tiến công Xuân 1968: Dấu son chói lọi của quân và dân Kiên Giang

Đã 50 năm trôi qua kể từ mùa xuân Mậu Thân 1968, nhưng ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện này vẫn còn nguyên giá trị. Năm 1968, ở chiến trường Rạch Giá, quân và dân tỉnh Rạch Giá lúc đó (Kiên Giang hiện nay) đã đồng loạt nổ súng tiến công vào các căn cứ quân sự và cơ quan đầu não của địch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN