Những năm cuối đời, Chaplin phải đối mặt với một loạt rắc rối cá nhân, đáng nói nhất là vụ kiện tư cách làm cha.
Trong một cuộc công kích nhằm hạ uy tín Chaplin, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tham gia vào vụ kiện Chaplin của một nữ diễn viên trẻ tên là Joan Barry vốn có quan hệ với Chaplin. Ông bị phán là cha đứa con của Barry và buộc phải chu cấp cho đứa trẻ cho tới năm nó 21 tuổi.
Năm 1943, Chaplin cưới Oona O’Neill khi ông 54 tuổi. Cha của Oona, Eugene O’Neill (khi đó cũng 54 tuổi), quá thất vọng vì quyết định của cô con gái 18 tuổi nên đã cắt quyền thừa kế. Khi được hỏi về sự khác biệt tuổi tác giữa bà và Chapin, Oona đã trả lời rằng: “Ông ấy là thế giới của tôi. Tôi chưa từng thấy hay trải qua một điều gì như thế”. Phần lớn thời gian cuộc hôn nhân của mình, Chaplin và Oona sống ở Lake Geneva. Pablo Casals, Nikita Khrushchev và Chu Ân Lai đều đã từng đến thăm nhà Chaplin.
Charlie đóng vai người công nhân trong Thời đại tân kì. |
Thế rồi ngày 17/9/1952 đến với Chaplin một cách thật đặc biệt. Chaplin và Oona cùng 4 người con đi thuyền từ Mỹ sang London để dự lễ công chiếu bộ phim “Ánh đèn sân khấu” của ông. Trên đường đi, visa vào Mỹ của Chaplin (ông vốn là công dân Anh làm việc ở Mỹ) bị hủy. Đó là kết quả của cuộc điều tra xung quanh niềm đồng cảm chính trị của ông. Sau ngày này, ông chỉ được đặt chân lên nước Mỹ một lần nữa. Kể từ năm 1923, FBI đã theo dõi ông và mục tiêu của họ là chứng minh Chaplin là một nhà cộng sản.
Trong những năm 1940 và 1950, những người chống cộng ở Mỹ nói rằng họ có bằng chứng cho xu hướng chính trị cánh tả của Chaplin: Những bài phát biểu ủng hộ Nga của ông trong Thế chiến thứ 2.
Ông để vợ quay lại Mỹ giải quyết việc gia đình thay vì tìm cách nhập cảnh. Không lâu sau, Oona cũng từ bỏ quốc tịch Mỹ để lấy quốc tịch Anh. Chaplin cũng dần bán hết tài sản ở Mỹ, gần như cắt đứt mọi quan hệ trực tiếp với đất nước này.
Năm 1957, Chaplin sản xuất bộ phim “Vị vua ở New York”, trong đó ông đóng vai một nhà vua xin tị nạn ở Mỹ. Bộ phim chế nhạo những tổ chức đã tác động đến quyết định đẩy ông ra khỏi nước Mỹ, đồng thời chê bai nhiều mặt của xã hội hiện đại. Là một tác phẩm nặng tính cá nhân, bộ phim bị chỉ trích còn nhân vật của ông lại bị gọi là thân cộng sản. Tiếng tăm của ông ở Mỹ cũng vì thế mà xấu đi trông thấy. Bộ phim này thậm chí không được công chiếu tại đất nước của Hollywood cho tới tận năm 1973.
Vai diễn của ông trong “Kẻ độc tài vĩ đại”. |
Phải một thập kỉ sau, Chaplin mới cho ra lò một tác phẩm mới. Lần này, “Bá tước từ Hong Kong” (1967) được sản xuất với sự chờ đợi không nhỏ, một phần vì bối cảnh và xu hướng chính trị ở Mỹ đã có thay đổi. Bá tước từ Hong Kong có sự góp mặt của ngôi sao Marlon Brando và Sophia Loren, hai cái tên sáng giá nhất mà Chaplin từng làm việc cùng. Đồng thời, đây là lần đầu tiên ông sản xuất phim màu màn ảnh rộng. Thế nhưng, nó lại là một thất bại thảm hại ở các rạp chiếu phim và cũng không được giới chuyên môn đánh giá cao. Cú ngã này khiến Chaplin vô cùng thất vọng, và bộ phim này trở thành tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp của ông.
Sau khi ngừng làm phim, sức khỏe của Chaplin dần đi xuống. Ông thậm chí còn bị đột quỵ hồi cuối những năm 1960. Dù cố gắng viết một kịch bản phim mới để con gái mình đóng vai chính, Chaplin đã không thể tiếp tục vì thể trạng không còn đảm bảo.
Khi về già, ông lại bất ngờ được đón niềm vui. Năm 1972, ông được mời quay lại Mỹ sau 20 năm để nhận giải Oscar danh dự vì những đóng góp của ông cho ngành điện ảnh. Ban đầu Chaplin còn lưỡng lự, nhưng cuối cùng ông vẫn quyết định trở lại Mỹ. Tại lễ trao giải, Chaplin đã vô cùng cảm động khi khán phòng dành những tràng vỗ tay đến 12 phút, dài nhất lịch sử các kì trao giải Oscar.
Ngày 25/12/1977, Charlie Chaplin qua đời tại nhà ở Thụy Sĩ sau thời gian dài ốm yếu. Bất ngờ thay, y như một bộ phim, quan tài của ông ở nghĩa trang Thụy Sĩ đã bị hai kẻ trộm lấy mất để đòi số tiền chuộc 400.000 USD không lâu sau lễ tang. Khoảng 11 tuần sau đó, những kẻ trộm mồ bị bắt và thi thể của ông được trả về. Phần mộ của ông được xây lại kiên cố, an toàn hơn. Sau này, vụ đánh cắp thi thể ông còn được một tác giả người Pháp mang tên Xavier Beauvois dựng lại thành phim với sự tham gia của con trai ông, Eugene Chaplin.
Cuộc sống nửa cuối đời của Chaplin có thể được gói gọn trong những căng thẳng giữa nghệ thuật và thương mại trong ngành công nghiệp điện ảnh, những giá trị văn hóa xung quanh hôn nhân và gia đình, cũng như cách một nhân vật nổi tiếng có thể dễ dàng trở thành con dê tế thần cho những nỗi ám ảnh nào đó.