'Nhân chứng sống' trong những giờ phút đặc biệt của ngày chiến thắng

Như một cơ duyên, phóng viên TTXVN được gặp kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái trong những ngày cuối tháng Ba tại tư gia ở Hà Nội trong không khí cả nước hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ký ức về những phút giây hào hùng của dân tộc trong Ngày thống nhất đất nước 50 năm trước vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của vị nhân chứng lịch sử đặc biệt này.

Chú thích ảnh
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái chia sẻ hồi ức về những phút giây đặc biệt trưa ngày 30/4/1975. 

Cùng quân Giải phóng kéo cờ chiến thắng

Ở tuổi 87 nhưng còn rất nhanh nhẹn, minh mẫn, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái hào hứng kể lại diễn biến sôi động của buổi sáng 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất hiện nay), trung tâm đầu não của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong những phút giây cuối cùng tồn tại.

Thời điểm đó là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn năm 1963-1964, ông Nguyễn Hữu Thái được giao hoạt động trong phong trào của lực lượng thứ ba (sinh viên và Phật giáo) nhằm làm suy yếu sự kháng cự của quân Sài Gòn trong nội thành và công khai chủ trương hòa bình, hòa giải dân tộc.

9 giờ 30 giờ Sài Gòn ngày 30/4/1975, qua đài phát thanh, tướng Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa lúc đó tuyên bố bàn giao chính quyền cho cách mạng. Trước diễn biến của tình hình, từ chùa Vạn Hạnh, ông Nguyễn Hữu Thái phân công nhóm sinh viên có trang bị vũ khí cá nhân tới tiếp thu Đài Phát thanh Sài Gòn, còn ông và Tiến sỹ Huỳnh Văn Tòng lên xe của ông Nguyễn Vạn Hồng (nhà báo của Việt tấn xã là một cơ sở cách mạng) đến Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa tại Dinh Độc Lập với ý định sử dụng mối quan hệ sẵn có với một số thành viên nội các Việt Nam Cộng hòa, bàn giao chính quyền cho phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng một cách nhanh chóng, hòa bình.

Khoảng 10 giờ, ông Thái tới Dinh Độc Lập và đi thẳng vào trong qua cổng phụ (đường Nguyễn Du) một cách dễ dàng vì lúc đó mọi chốt chặn đã dỡ bỏ. Ông Thái gặp Tổng trưởng Thông tin Lý Quý Chung (người đã từng che giấu ông Thái khi trốn quân dịch), đề nghị cùng tới tiếp quản Đài Phát thanh để sẵn sàng cho cách mạng sử dụng khi cần. Ông Lý Quý Chung đồng ý nhưng lại không tìm được lái xe nào chịu chở đi do sợ bị tấn công trong lúc đang loạn lạc. Đúng vào lúc ông Thái và ông Chung đang đứng ở thềm Dinh Độc Lập trao đổi tìm cách lấy xe sang Đài Phát thanh thì đoàn xe tăng của quân Giải phóng tiến vào đại lộ Thống Nhất (đường Lê Duẩn hiện nay).

“Cả một đoàn xe tăng rầm rập tiến thẳng tới. Tiếng ầm ào của động cơ, tiếng xích xe tăng xiết trên mặt đường mỗi lúc một lớn. Cánh cổng Dinh Độc Lập bị chiếc xe tăng húc đổ và những chiếc xe tăng cắm cờ quân Giải phóng tràn vào bãi cỏ trước mặt là những hình ảnh hùng tráng mãi mãi không bao giờ quên trong tâm trí của tôi”, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái nhớ lại.

Ngay sau đó, Trung úy Bùi Quang Thận (Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2 - trưởng xe 843) với chiếc cờ Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam (cắm trên ăngten xe tăng) cùng Trung úy Vũ Đăng Toàn (Chính trị viên - trưởng xe 390) cùng các chiến sỹ tiến vào Dinh Độc Lập (sau này ông Thái mới biết tên những bộ đội này).

Ông Nguyễn Hữu Thái và Tiến sỹ Huỳnh Văn Tòng (cùng đeo băng xanh đỏ - dấu hiệu lực lượng quần chúng nổi dậy) là những người đón và đưa anh em bộ đội lên tầng 2 của Dinh Độc Lập gặp nội các của Dương Văn Minh đang chờ tại đó. Sau đó, Trung úy Vũ Đăng Toàn ở lại canh giữ nội các Việt Nam Cộng hòa để chờ chỉ huy tiếp quản còn Trung úy Bùi Quang Thận muốn lên nóc Dinh Độc Lập để cắm cờ.

Khi ông Thái và ông Tòng đưa Trung úy Bùi Quang Thận lên nóc Dinh để cắm cờ nhưng không tìm ra đường vì cầu thang giữa của tòa nhà không sử dụng được sau khi trúng bom từ chiếc F5-E của phi công Nguyễn Thành Trung (ngày 8/4/1975). Sau đó, ông Nguyễn Quang Chiêm, Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa dẫn qua cầu thang nhỏ ở bên trái để tới thang máy.

Chiếc cần ăng-ten xe tăng khá dài, nên ông Tòng phải giúp Trung úy Thận bẻ cong cần ăng-ten khi vào trong thang máy. Sau khi đưa mọi người lên nóc Dinh, ông Chiêm đi xuống dưới, Trung úy Thận cùng ông Thái, ông Tòng dùng chiếc thang gỗ đặt sẵn trên nóc để xuống chân cột cờ. Sau một lúc loay hoay vì không có dao, Trung úy Thận đã tháo được nút dây để hạ lá cờ 3 sọc Việt Nam Cộng hòa xuống và kéo là cờ xanh - đỏ của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam lên. Lá cờ Việt Nam Cộng hòa được ông Thận cuốn lại và trước đó cẩn thận ký và ghi “11 giờ 30’” lên riềm cờ; đây được coi là căn cứ xác định Trung úy Thận là người đầu tiên cắm cờ lên nóc Dinh Độc lập trong ngày 30/4.

“Có thể nói suốt một thời tuổi trẻ, tôi chưa từng một ngày được thấy hòa bình. Vì vậy, khoảng khắc nhìn lá cờ của Mặt trận Giải phóng tung bay trên bầu trời Sài Gòn buổi trưa hôm ấy khiến tôi rưng rưng xúc động, bởi nó ghi dấu mốc lịch sử Việt Nam ta có hòa bình, chấm dứt 117 năm đất nước chịu sự khống chế của thực dân, đế quốc”, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái nhớ lại giây phút lịch sử.

Như một sự sắp đặt tình cờ của lịch sử, những người có mặt chứng kiến giây phút lá cờ của Mặt trận Giải phóng lần đầu tiên tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, nơi Toàn quyền Pháp rồi các đời Tổng thống Việt Nam Cộng hòa từng chọn làm trụ sở đầu não chính quyền lại là những chàng trai đến từ 3 miền đất nước, đó là Trung úy Bùi Quang Thận quê ở Thái Bình, ông Nguyễn Hữu Thái ở Đà Nẵng và Tiến sỹ Huỳnh Văn Tòng quê ở Tây Ninh.

Sự có mặt của những người con Bắc - Trung - Nam trong phút giây ghi dấu mốc lịch sử về chiến thắng vĩ đại của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước như một minh chứng hùng hồn về sức mạnh vĩ đại của tình đoàn kết của những người con đất Việt từ mọi miền Tổ quốc trong cuộc trường chinh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Dẫn nhập lời tuyên bố đầu hàng

Sau khi cùng Trung úy Bùi Quang Thận cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, ông Nguyễn Hữu Thái quay xuống tầng 2, nơi có mặt nội các Việt Nam Cộng hòa của tướng Dương Văn Minh. Lúc đó, các chiến sĩ yêu cầu Tổng thống Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh Sài Gòn đọc lời kêu gọi đầu hàng vì đường dây kết nối từ Phủ Tổng thống sang Đài Phát thanh không sử dụng được. Về chi tiết lịch sử này, ngày 14/3/2022, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã có Kết luận số 974-KL/QUTW khẳng định như sau: “Vào thời điểm trưa ngày 30/4/1975, sau khi trực tiếp chỉ huy việc áp giải Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn; tại đây, đồng chí Đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tổ chức soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì đồng chí Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 có mặt. Từ đó đồng chí Bùi Văn Tùng cùng bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên Đài phát thanh. Riêng lời Tuyên bổ chẩp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do đông chí Bùi Văn Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên Đài phát thanh”.

Theo trí nhớ của ông Thái, lúc đó Đài Phát thanh Sài Gòn đã được bộ đội Giải phóng và sinh viên chiếm giữ nhưng Đài không phát sóng vì không có bất cứ một nhân viên nào của đài có mặt và anh em cũng không biết phát nội dung gì. Mọi người xuống xe rồi tập trung tại lầu 1 (tầng 2) để chuẩn bị lời phát biểu tuyên bố đầu hàng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong khi sinh viên đi tìm nhân viên kỹ thuật của đài để phát sóng. Sau khi giải quyết một số trục trặc xảy ra như máy ghi âm bị yếu pin, sau 3 lần đọc thì bản ghi âm lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cũng hoàn tất vào khoảng hơn 14 giờ.

Nhà báo Kỳ Nhân của hãng AP cũng là một cơ sở Điệp báo A10 đã kịp ghi lại khoảng khắc đó trong một bức ảnh sau này được rất nhiều báo chí sử dụng. Trong đó, tướng Dương Văn Minh ở trung tâm khuôn hình, xung quanh là nhà báo Borries Gallasch, thông dịch viên Hà Huy Đỉnh, sinh viên Hà Thúc Huy (Điệp báo A10), ông Nguyễn Hữu Thái, Đại úy Phạm Xuân Thệ và một hai bộ đội khác. Trung tá Bùi Văn Tùng và Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Vũ Văn Mẫu có mặt trong phòng nhưng không lọt vào khuôn hình bức ảnh.

Ông Nguyễn Hữu Thái được giao nhiệm vụ MC chương trình. Ông Nguyễn Hữu Thái mở đầu “Chúng tôi là những người đại diện cho Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định... Chúng tôi là giáo sư Huỳnh Văn Tòng và cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái… Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ đã mong đợi, nay đã được giải phóng… Xin giới thiệu lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài Gòn về vấn đề đầu hàng ở thành phố này…”.

Sau đó, nhà báo Borries Gallasch bật băng ghi âm phát lời tuyên bố đầu hàng của ông Dương Văn Minh đã chuẩn bị trước, tiếp đó là lời phát biểu trực tiếp kêu gọi tình hòa hợp dân tộc của Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Vũ Văn Mẫu và lời tiếp nhận đầu hàng của Trung tá Bùi Văn Tùng. Theo kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, toàn bộ nội dung chương trình phát thanh lịch sử này đã được Tiến sỹ sử học Nguyễn Nhã ghi âm lại.

Sau khi kết thúc chương trình, Trung tá Bùi Văn Tùng đưa ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu trở lại Dinh Độc Lập. Ông Nguyễn Hữu Thái cùng nhóm sinh viên tiếp tục điều hành chương trình phát thanh với nội dung thông báo các chính sách của chính quyền cách mạng lâm thời, kêu gọi anh em báo chí, nghệ sỹ, các tầng lớp nhân dân đến lên tiếng trên làn sóng phát thanh và xen kẽ phát lại lời tuyên bố đầu hàng của tướng Dương Văn Minh.

“Chiều tối, khoảng 17 giờ, khi rời Đài Phát thanh đi gặp ông Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt, tôi thấy người dân Sài Gòn đã mở cửa ra đường và tấp nập hướng về phía Dinh Độc Lập. Thành phố ồn ào, sôi động mà thật an bình, vui vẻ như chưa từng có một tiếng súng nào nổ ra nơi đây. Năm mươi năm đã qua nhưng mỗi khi nhắc lại, nó vẫn vẹn nguyên như chuyện mới xảy ra hôm qua”, ông Thái mỉm cười hiền hậu.

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái cho biết, trải qua nhiều sóng gió cuộc đời, từ 3 lần ngồi tù dưới thời Việt Nam Cộng hòa tới chuyện hơn mười năm mới lấy được bằng Đại học hay nhiều năm bôn ba nước ngoài trước khi trở về quê hương và xin lại quốc tịch Việt Nam… ông rất hãnh diện vì mình đã góp một phần vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và đã có những việc làm có ý nghĩa để lại cho thế hệ sau.

“Cuộc đời tôi, từ tắm mình trong phong trào sinh viên tranh đấu cho đến việc đi dạy, viết sách sau này cũng đều hướng vào thế hệ trẻ. Những ký ức về những năm tháng tham gia cách mạng và những kỷ niệm về ngày 30/4/1975 đầy sôi động và hào hùng là hành trang tôi đã mang theo suốt cuộc đời và trở thành một động lực giúp tôi vượt qua khó khăn để đóng góp cho đất nước - dù bằng cách này hay cách khác”, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái chia sẻ.

Bài và ảnh: Xuân Khu (TTXVN)
50 năm Thống nhất đất nước: Nguồn cảm hứng cho phong trào giải phóng toàn cầu
50 năm Thống nhất đất nước: Nguồn cảm hứng cho phong trào giải phóng toàn cầu

Chiến thắng 30/4/1975 là một trong những khoảnh khắc vĩ đại trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đó là lời khẳng định của giáo sư Ezequiel Ramoneda, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ Latinh về nghiên cứu châu Á và châu Phi (ALADAA) tại Argentina.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN