Giáo sư Ezequiel Ramoneda trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Argentina. Ảnh tư liệu: Ngọc Tùng/PV TTXVN tại Argentina
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Buenos Aires nhân dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), giáo sư Ramoneda đánh giá cao ý nghĩa thời đại của chiến thắng 30/4, không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn với cả thế giới, khi nhận định đây là một trong những khoảnh khắc vĩ đại trong lịch sử thế kỷ XX ở cấp độ toàn cầu.
Theo ông Ramoneda, người cũng là điều phối viên Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CESEA) thuộc Viện quan hệ quốc tế Đại học quốc gia La Plata, Argentina, chiến thắng năm 1975 không chỉ có ý nghĩa với Việt Nam mà còn đối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Đây là dấu mốc quan trọng trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam đã ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều quốc gia.
Với chiến thắng 30/4/1975, Việt Nam đã trở thành hình mẫu cho các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập và tự do trên thế giới. Chiến thắng của dân tộc Việt Nam cổ vũ các nước thuộc địa và phụ thuộc đấu tranh giành độc lập, giảm sự lệ thuộc vào chủ nghĩa đế quốc và chiến thắng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tại châu Á và châu Phi.
Ông Ramoneda cũng nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Sau nửa thế kỷ xây dựng và phát triển đất nước, những thành tựu chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng thực sự đáng khâm phục và có thể nói là điều phi thường, ông Ramoneda chia sẻ. Việt Nam giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, và quyền làm chủ của nhân dân được phát huy.
Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với khu vực và thế giới. Năng suất lao động liên tục tăng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng. Nỗ lực xóa đói, giảm nghèo tại Việt Nam cũng đạt được những thành tựu đáng khâm phục, với tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 1,93% năm 2024. Ngoài ra, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới
Về hội nhập quốc tế, giáo sư Ramoneda cho rằng Việt Nam luôn thể hiện vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước. Trong những năm qua, Việt Nam đã nâng tầm quan hệ với các đối tác chủ chốt, các nước lớn, đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách quốc tế, đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp tại các cơ chế hợp tác đa phương quan trọng.
Ông Ramoneda, người đồng thời là Phó Chủ tịch Viện Văn hóa hữu nghị Argentina - Việt Nam, cũng nhắc tới phong trào phản chiến tại nhiều quốc gia trên thế giới trong những năm 60 và 70 của thế kỷ trước để ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Ông cho biết tại Nam Mỹ, từ Argentina, Chile, Brazil, tới Bolivia, Colombia và Venezuela, sinh viên các trường đại học, thành viên hiệp hội dân sự, chính đảng, những người yêu chuộng hòa bình luôn hướng về Việt Nam. Tại Argentina, rất nhiều người đã quyên góp thuốc men, hàng chục nghìn USD gửi qua Hội chữ thập đỏ quốc tế để mua thuốc và thiết bị y tế gửi cho người dân Việt Nam. Tại Argentina, Hiệp hội đoàn kết Argentina - Việt Nam được thành lập từ năm 1968 và tới năm 1976, tổ chức này mới giải thể.
Tình đoàn kết và hữu nghị giữa người dân Argentina với người dân Việt Nam đã, đang và sẽ mãi mãi được gìn giữ và phát triển, giáo sư Ramoneda khẳng định.