Bảo đảm tuyến giao thông "huyết mạch"
Theo dòng ký ức của cựu thanh niên xung phong Nguyễn Tiến Thụ, năm 1948, địch đánh chiếm Bắc Ninh, ông được Huyện bộ Việt Minh Tiên Du, Bắc Ninh nhận vào cơ quan làm liên lạc và tham gia Ban công tác đội của địa phương (làm nhiệm vụ đào hầm bí mật cất giấu cán bộ). Năm 1951, Tỉnh đoàn Bắc Ninh thành lập Liên phân đội Thanh niên xung phong, lấy tên là Liên phân đội Tô Hiệu, ông Thụ được cử làm Phân đội phó. Đơn vị được điều tham gia chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Kết thúc chiến dịch, đơn vị của ông được điều lên phục vụ chiến dịch Tây Bắc, mở con đường 13 từ Yên Bái đi Nghĩa Lộ. Kết thúc chiến dịch Tây Bắc, đơn vị lại được điều sang phục vụ chiến dịch Thượng Lào, lúc nay địch đã sử dụng bom bổ chậm. Lúc này, ông Thụ được cử làm Tổ trưởng Tổ phá bom của đơn vị. Kết thúc chiến dịch Thượng Lào, ông được bầu là Chiến sỹ thi đua; ngày 16/12/1953, ông được kết nạp vào Đảng.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Sơn La với các cựu Thanh niên xung phong tại hội thảo "Ngã ba Cò Nòi anh hùng - Tầm vóc và giá trị lịch sử" ngày 5/5. |
Sau đó, ông Thụ và một số đồng chí được điều về Văn phòng Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương tại Việt Bắc để nhận nhiệm vụ mới. Chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, theo Chỉ thị của Bác Hồ, Đoàn Thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch được thành lập. Ông Thụ được cử làm Đội trưởng Đội phá bom nổ chậm. Sau đó, ông được cử làm Đại đội phó Đại đội 404, chịu trách nhiệm phá bom tại Ngã ba Cò Nòi.
Ông Thụ cho biết: Ngã ba Cò Nòi là điểm giao nhau giữa đường 13 và đường 41 (nay là Quốc lộ 6)- là điểm xung yếu. Mỗi ngày địch thả xuống đây 300 quả bom các loại. Những năm tháng đó, địch đánh phá làm cho mặt đường bị hư hại nặng, lực lượng thanh niên xung phong phải tìm cách khắc phục cho các đoàn xe qua, đoạn đường bị hỏng nặng phải mở ngay đoạn mới. Những chỗ có bom nổ chậm chưa kịp đào, các thanh niên xung phong đứng làm cọc tiêu sống hướng dẫn các lực lượng đi qua.
Có những đêm, khi số người đi qua Cò Nòi đông, các thanh niên xung phong phải mở thêm những con đường nhỏ. Lúc gian nan và căng thẳng nhất, thử thách trước cái sống và cái chết càng thấy rõ tinh thần quả cảm của lớp thanh niên ngày ấy. Những tiếng cười, tiếng hát, sự yêu thương đùm bọc luôn hiện hữu.
Đội quân cảm tử
Ông Nguyễn Tiến Thụ cũng chia sẻ: Trong chiến tranh, Đài quan sát của đội phá bom luôn thay đổi, thường sát trận địa để việc theo dõi những quả bom rơi được chính xác. Đây là điều rất nguy hiểm. Có lần, bom rơi sát Đài quan sát, đất đá văng làm bay hết phần lá ngụy trang. Anh em phải rất chú ý, nhất những quả bom mà địch thả sau cùng trong mỗi lần đánh phá. Nếu bom không nổ thì đó là bom nổ chậm. Đây là mục tiêu xử lý của đội phá bom. Khi máy bay địch đi, toàn đội sẽ lao xuống để đánh dấu chỗ bom nằm, có điều kiện là phá ngay.
Thời điểm chiến dịch Điện Biên Phủ, địch thường sử dụng 4 loại bom là: Bom phá, bom nổ chậm, bom bướm và bom napan. Bom phá đường và bom nổ chậm có trọng lượng từ 250 - 500 kg. Bom bướm có loại 100 quả bom con hoặc 200 quả bom con. Bom napan là loại bom cháy để đốt trụi cây cối.
Hai loại nguy hiểm nhất là bom nổ chậm và bom bướm. Bom nổ chậm vừa phá hại đường lại vừa gây sát thương. Bom nổ nhanh hay chậm là do axít chứa trong vòng nhựa giữ kim hỏa. Quả nào axít đặc thì vòng nhựa giữ kim hỏa cháy nhanh, bom sẽ nổ nhanh, những hôm nắng nóng bom cũng nổ nhanh hơn. Còn những quả axít loãng vòng nhựa giữ kim hỏa cháy chậm thì bom nổ chậm hơn.
Điều nguy hiểm đối với lực lượng phá bom là không biết lúc nào bom sẽ nổ. Vì vậy mọi người thường nói đội phá bom là đội quân cảm tử. Cùng với các đội phá bom của các đơn vị khác, Đội phá bom của Đại đội 404 của ông Thụ được giao phụ trách chính ở đoạn đường Ngã ba Cò Nòi.
Những ngày giữa tháng 3/1954 là thời điểm Ngã ba Cò Nòi bị đánh phá ác liệt. Đặc biệt, ngày 16/3/1954, địch mở nhiều đợt ném bom cho đến tận 4 giờ chiều; trong đó, đợt cuối cùng địch thả xuống 2 quả bom nổ chậm 500 kg giữa Ngã ba Cò Nòi; mỗi quả nằm cách nhau 100m.
Lúc đó, ông Thụ đã giao hai đồng chí của mình phá quả bom nằm ở giữa Ngã ba Cò Nòi. Còn ông Thụ và một đồng chí khác phá quả bom cách đó 100 m. Vũ khí lúc đó của các thanh niên xung phong thuộc đội phá bom là những chiếc xẻng nhỏ, cuốc nhỏ, xà beng và một chiếc thuốn để tìm bom. Khi tìm bom, chiếc thuốn dài sẽ chọc đón đầu, những nơi này do đất đá tơi nên tìm không khó, nghe được tiếng bom là tập trung chỗ đó, đào tìm ngòi nổ chứ không cần đào cả quả bom. Khi đào thấy ngòi nổ, mọi người sẽ đặt bộc phá. Bộc phá nổ là bom nổ. Còn bom nổ chậm nếu tháo ngòi nổ ra thì quả bom cũng bị vô hiệu, không nổ nữa.
Nhưng anh em phá bom không có thời gian để đưa bom lên nên tìm được ngòi nổ là phá bom luôn, đây là phương pháp tối ưu nhất ở chiến trường. Tuy vậy, hôm đó, quả bom nổ chậm do hai đồng chí Tảo và Ngoạn đào không sâu, chỉ hơn 1m. Khi tìm thấy đầu ngòi nổ, đồng chí Tảo nói đồng chí Ngoạn ra lấy bộc phá. Khi đồng chí Tảo vừa quay ra được khoảng 5m quả bom đã phát nổ, đồng chí Ngoạn bị thương rất nặng, sau khi đưa về đến trạm xá được vài tiếng, đồng chí đã hy sinh. Còn đồng chí Tảo hy sinh tại chỗ - Ông Thụ nghẹn ngào hồi tưởng. Sau khi đồng đội hy sinh, ông Thụ cùng các đồng đội đã vượt qua đau thương, tiếp tục phá bom, để những đoàn xe qua Ngã ba Cò Nòi …
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Mảnh đất Cò Nòi năm xưa chi chít những hố bom nay đã trở thành địa chỉ đỏ. Nơi đó, hàng trăm thanh niên xung phong đã từng hy sinh cho mạch máu giao thông thông suốt, cho chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử toàn thắng.