Kỷ niệm 63 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ:

'Túi bom' Ngã ba Cò Nòi - Tầm vóc và giá trị lịch sử

Nhân kỷ niệm 63 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2017) và 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2017), sáng 5/5, tại thành phố Sơn La, Tỉnh ủy Sơn La phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học "Ngã ba Cò Nòi anh hùng - Tầm vóc và giá trị lịch sử".

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La, Nguyễn Đắc Quỳnh nêu rõ: Đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là chiến dịch lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên cả quy mô và lực lượng; là trận quyết chiến chiến lược của dân tộc ta. Tiếp giáp chiến trường, là nơi có con đường huyết mạch từ hậu phương tiến lên mặt trận Điện Biên Phủ, nên tỉnh Sơn La có vị trí hết sức quan trọng đối với chiến dịch; là địa bàn hành quân của các đơn vị chủ lực; nơi vận chuyển hậu cần, đạn dược cung cấp cho chiến trường. Thực dân Pháp cho rằng việc ngăn chặn và cắt đứt con đường vận chuyển sẽ tác động quyết định đến thắng bại ở Điện Biên Phủ.

Quang cảnh hội thảo.

Với âm mưu đó, thực dân Pháp đã tập trung bom đạn để đánh phá, hòng ngăn chặn chi viện của hậu phương cho chiến trường. Trong đó, chúng xác định Ngã ba Cò Nòi là trọng điểm để đánh phá. Bởi đây là nơi giao điểm đường 13 từ căn cứ địa Việt Bắc sang và đường 41 (nay là Quốc lộ 6) từ các tỉnh đồng bằng lên, mọi hoạt động chi viện lực lượng, vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm cho mặt trận đều phải qua đây. Do đó, địch đã huy động tối đa lực lượng không quân, bom đạn hòng chặt đứt "yết hầu" tuyến cung cấp hậu cần cho chiến dịch, với tần suất và quy mô ngày càng tăng. Có ngày chúng ném xuống Ngã ba Cò Nòi 300 quả bom các loại, với trọng lượng 69 tấn thuốc nổ.

Với tinh thần "tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng", lực lượng thanh niên xung phong từ mọi miền đất nước; trong đó có nhiều thanh niên các dân tộc Sơn La cùng với dân công, bộ đội chủ lực đã mưu trí, sáng tạo, gan góc, dạn dày, anh dũng kiên cường, bảo đảm giao thông nơi "tọa độ lửa" Ngã ba Cò Nòi. Với quyết tâm "Thanh niên xung phong có thể hy sinh, nhưng quyết không để huyết mạch giao thông bị tắc", "không để tắc đường quá 4 tiếng/ngày", lực lượng Ngã ba Cò Nòi đã vượt lên bom đạn quân thù, đảm bảo giao thông chi viện cho chiến trường, góp phần quan trọng vào thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ về cuộc chiến đấu bảo đảm giao thông tại Ngã ba Cò Nòi; khẳng định chủ trương đúng đắn của Trung ương Đảng và quá trình triển khai thực hiện công tác giao thông vận tải, góp phần vào thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng thời, hội thảo đã đánh giá về tầm vóc, giá trị lịch sử, những chiến công oanh liệt của quân và dân ta tại Ngã ba Cò Nòi. Bên cạnh đó, các tham luận tại hội thảo đã đề xuất các giải pháp về quy hoạch tổng thể di tích, sưu tầm, bổ sung hiện vật, các hạng mục quan trọng của di tích; công tác quản lý và thực hiện quy hoạch gắn kết với các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Sơn La nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của di tích Ngã ba Cò Nòi trong thời kỳ mới.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Sơn La với các cựu Thanh niên xung phong tại hội thảo.

Nguyên Đội phó Đội Thanh niên xung phong 34 Nguyễn Tiến Năng chia sẻ: Tháng 5/1953, Bộ Chính trị quyết định hướng chiến dịch là Tây Bắc. Để phục vụ kháng chiến, Bác Hồ quyết định thành lập Đoàn Thanh niên xung phong với mật danh là “XP” bao gồm: Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương và Đội Thanh niên xung phong kiểu mẫu. Các đại đội lần lượt hành quân lên Tây Bắc. Đến khoảng tháng 12/1953, hai Đội 34 và 40 đã tập kết đầy đủ ở Sơn La, giao hàng cho tổng kho và nhận nhiệm vụ của Ban cung cấp mặt trận Điện Biên Phủ. Có đến hàng trăm loại công việc lớn nhỏ, khó dễ như làm kho, lán trại, đào hầm hố, vận chuyển bốc vác hàng hóa, bảo vệ kho, làm giao thông liên lạc, hướng dẫn dân công. Nhưng nhiệm vụ chủ yếu nhất là đảm bảo giao thông thông suốt trong bất kể tình huống nào. Khi quân ta bắt đầu mở chiến dịch, thanh niên xung phong kiên cường chống sự đánh phá của máy bay địch chặng đường dài hàng trăm km. Đến khi quân ta đánh mạnh thì chúng đánh phá các trọng điểm như Ngã ba Tuần Giáo, đèo Pha Đin, đặc biệt Ngã ba Cò Nòi - nơi được mệnh danh là “túi bom”, “chảo lửa”. Có ngày địch đánh phá liên tục, dùng đến 69 lượt máy bay các loại, ném tới 300 quả bom. Với tinh thần, thanh niên xung phong có thể hy sinh, quyết không để giao thông bị tắc. Cứ sau mỗi lần địch đánh phá, tổ trinh sát cắm tiêu những chỗ bom chưa nổ để anh em tổ phá bom hoặc vô hiệu chúng...

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam Cù Văn Phiên khẳng định: Trong các mốc son lịch sử của kháng chiến chống Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ, Ngã ba Cò Nòi nổi lên như một sự kiện bi hùng nhất của lực lượng thanh niên xung phong, dân công, bộ đội và đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La. Sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, sự hy sinh anh dũng của hàng trăm thanh niên xung phong, bộ đội, dân công hỏa tuyến tại Ngã ba Cò Nòi đã nói lên tất cả tầm vóc lịch sử và oai hùng của một địa danh đã đi vào lịch sử.

Hội thảo là dịp để khẳng định, tri ân và tôn vinh những công lao to lớn, sự hy sinh cao cả của các lực lượng làm nhiệm vụ chiến đấu, bảo đảm giao thông vận tải tại Ngã ba Cò Nòi anh hùng. Hơn 60 năm đã trôi qua, Ngã ba Cò Nòi đã trở thành địa chỉ đỏ trong những trang vàng của lịch sử dân tộc.

Tin, ảnh: Nguyễn Cường (TTXVN)
Trưng bày tư liệu quý về trận Điện Biên Phủ tại phiên chợ sách xưa
Trưng bày tư liệu quý về trận Điện Biên Phủ tại phiên chợ sách xưa

Phiên chợ sách xưa lần thứ 3 sẽ trưng bày và đấu giá nhiều tư liệu sách, báo quý hiếm về trận Điện Biên Phủ dưới góc nhìn Việt Pháp nhân dịp Kỷ niệm 63 năm Chiến Thắng Điện Biên Phủ 1954 – 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN