Mục tiêu cao nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hành trình ra đi tìm đường cứu nước là có thể giành lại được độc lập dân tộc và giải phóng nhân dân Việt Nam khỏi ách nô lệ. Do đó, sau khi xác định con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, Bác Hồ đã nuôi ý định trở về hoạt động trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là các vùng lãnh thổ gần gũi với Việt Nam.
Năm 1927, tình hình cách mạng ở Trung Quốc diễn biến theo chiều hướng phức tạp, bất lợi cho những nhà hoạt động cách mạng tại đây, Người đã ngay lập tức chuẩn bị kế hoạch trở về từ châu Âu đến hoạt động tại Thái Lan, lúc đó có tên gọi là Xiêm. Mặc dù khẳng định rằng việc điều động này phụ thuộc vào quyết định của Quốc tế Cộng sản, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không quên nhấn mạnh tại thời điểm năm 1928, việc Người được cử đến hoạt động ở Thái Lan sẽ mang lại nhiều lợi ích chiến lược hơn nếu chuyển sang Thượng Hải.
Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Thái Lan làm địa bàn hoạt động mà không phải một nước nào khác ở Đông Dương, xuất phát từ thực tế Lào và Campuchia đều cùng chung số phận nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Do vậy, thực dân Pháp dễ dàng kiểm soát tất cả mọi hoạt động đấu tranh vì độc lập dân tộc của nhân dân các nước Đông Dương. Trong khi đó, Thái Lan là đất nước độc lập duy nhất ở Đông Nam Á, điều này gây khó khăn cho thực dân Pháp trong việc theo dõi hoạt động của các nhà cách hoạt động cách mạng tại đây.
Để phát triển phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam, tháng 7/1928, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc từ châu Âu về Thái Lan hoạt động. Người chọn Udon Thani, vùng có đông Việt kiều sinh sống, để hoạt động. Thời gian ở đây, Bác sống và sinh hoạt như mọi người, cùng đào giếng, làm vườn, chăn nuôi lợn gà… Tác phong giản dị trong cuộc sống của Người đã cổ vũ tinh thần yêu nước trong kiều bào và gây dựng tình cảm thân thiết hơn của nhân dân Thái Lan đối với Bác và cách mạng Việt Nam.
Khoảng gần cuối năm 1929, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời khỏi đất nước Chùa Vàng lên đường sang Hương Cảng, Trung Quốc, để tổ chức cuộc họp thống nhất các tổ chức cộng sản của Việt Nam, thành lập một chính đảng duy nhất có nhiệm vụ lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Tác giả Đặng Văn Cáp kể lại trong bài “Đường Bác Hồ đi cứu nước” rằng cuối năm 1929, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị tư trang, sau đó đi vắng một thời gian dài. "Khoảng tháng 3/1930 thì Bác trở lại. Bữa cơm hôm đó khác với mọi ngày, tươm tất hơn, có thịt gà [...]. Ngày 3/2/1930 là ngày ba nhóm đảng đã thống nhất lại, hợp nhất thành một Đảng lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Cơm nước xong, Bác tuyên bố với anh em như vậy”.
Cũng theo đồng chí Đặng Văn Các, “việc thống nhất ba nhóm đảng đã được Bác chuẩn bị từ lâu và sau này tôi mới biết rõ là thời kỳ Bác đi vắng lâu đúng là Bác đi gặp các đồng chí ta và đi sang Hương Cảng để lãnh đạo việc hợp nhất ba nhóm đảng lại [...] Sau cuộc họp lịch sử nói trên, Bác liền chia tay với các anh em ở Thái Lan và đi Trung Quốc”.
Có thể thấy rằng việc Bác Hồ rời khỏi Thái Lan đầu năm 1930 sau khi đã có cuộc họp thông báo với các cán bộ cách mạng tại đây và địa bàn Lào về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh dấu việc Người chính thức kết thúc hoạt động tại “đất nước nụ cười”.
Mặc dù vạn vật xoay vần theo thời gian, những tình cảm sâu đậm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho kiều bào và người dân Thái Lan cũng như những ấn tượng tốt đẹp mà bà con Việt kiều và người dân bản địa dành cho Người vẫn còn nguyên vẹn. Tình cảm thiêng liêng, cao quý đó vẫn là ngọn đuốc soi đường cho các thế hệ của hai dân tộc tiếp tục duy trì, phát triển mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, tương thân, tương ái vì lợi ích chung của cả hai bên và đời đời bền vững.
Với tình cảm sâu sắc đó, vào năm 2002, sau khi trưng cầu ý dân, chính quyền tỉnh Udon Thani và Hội Việt kiều tại tỉnh Udon Thani đã thống nhất ý tưởng xây dựng nơi đây thành Trung tâm giáo dục, nghiên cứu, học tập và du lịch mang tính lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau của nhân dân hai nước và góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Thái Lan đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng và xây dựng.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trong khuôn viên rộng gần 10 nghìn m2, tại bản Noỏng Ôn, thị xã Mương, tỉnh Udon Thani, nơi Bác Hồ đã sống và hoạt động cách mạng trong những năm 1928-1929. Không chỉ là một điểm du lịch nổi tiếng ở địa phương, khu di tích còn là niềm tự hào của bà con kiều bào khi họ hết sức nâng niu và trân trọng từng ký ức, kỷ vật và hình ảnh về Bác.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Thái Lan, bà Lê Thị Tuyết Thế - Phó trưởng Ban quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Udon Thani, Thái Lan cho biết: “Bác Hồ, tên Bác đã in sâu trong lòng mọi người, và chúng tôi là con cháu của người Việt Nam nên khi được làm việc chỗ này (khu di tích), chúng tôi - không chỉ những người trong ban quản lý mà kiều bào toàn Thái Lan đều làm việc với tinh thần say sưa và cố gắng đóng góp một phần công sức để khu tích ngày càng khang trang và đẹp hơn nữa”.
Được chia làm hai phần, bao gồm Trại cưa và Khu đa năng là nơi trưng bày và giới thiệu về quá trình hoạt động cách mạng và những dấu ấn của Người tại Thái Lan. Những năm qua, Khu du tích đã trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng và thu hút nhiều du khách nhất tỉnh Udon Thani khi mỗi năm đón khoảng từ 22 - 24 nghìn lượt du khách, góp phần đưa tỉnh này trở thành thủ phủ của vùng Đông Bắc Thái Lan về kinh tế, văn hóa và du lịch.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN , một du khách Thái Lan đã bày tỏ những cảm nhận sâu sắc của mình về Bác Hồ và đất nước, con người Việt Nam. Anh cho biết: “Chúng tôi đã từng đến Việt Nam rất nhiều lần trước đây để nghiên cứu, tìm hiều về lịch sử của các bạn, đặc biệt là những thông tin về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể nói, Bác Hồ là một lãnh tụ vĩ đại không chỉ của người Việt Nam mà còn của cả thế giới. Vì vậy khi biết tại Thái Lan có “Nhà của Bác Hồ”, chúng tôi đã rất vui và xúc động khi được tới đây tham quan và tìm hiểu kỹ hơn về Người.”
Ngoài ý nghĩa văn hóa và lịch sử, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani còn là biểu tượng sinh động của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Thái Lan. Đây cũng là một địa chỉ để cho nhiều thế hệ người Việt Nam cũng như người dân Thái Lan đến tưởng nhớ và tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phục vụ cho các hoạt động chung của cộng đồng, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam tại Thái Lan.