Cuộc trưng cầu ý dân sắp tới: Người Kurd cần tỉnh táo nhận ra những nguy cơ tiềm ẩn

Lãnh đạo khu tự trị người Kurd tại Iraq đã đưa ra tuyên bố tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về độc lập theo đúng kế hoạch vào ngày 25/9/2017, bất chấp sự phản đối của Chính quyền Iraq, cũng như một loạt các quốc gia có cộng đồng người Kurd sinh sống như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng động thái này có thể mang đến những hệ quả vô cùng nghiêm trọng.

Người đứng đầu khu tự trị người Kurd tại Iraq Masoud Barzani. Ảnh: Getty

Tuyên bố trưng cầu dân ý vào ngày 25/9

Ngày 13/9, người đứng đầu khu tự trị người Kurd tại Iraq Masoud Barzani tuyên bố sẽ đối thoại với Chính quyền Baghdad sau khi cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của người Kurd, diễn ra vào cuối tháng này.

Phát biểu tại một lễ kỷ niệm ở thành phố Aqra thuộc khu vực người Kurd, ông Barzani nhấn mạnh: "Chúng ta sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán sau khi cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành và nguyện vọng của người dân được công khai tới tất cả mọi người".

Ông Barzani lưu ý rằng, người dân đã chờ đợi cuộc trưng cầu dân ý về độc lập trong hơn hàng chục thập kỷ qua, song nếu có một lựa chọn thay thế cuộc trưng cầu này nhằm giúp đạt được tất cả các mục tiêu, người dân sẽ chấp nhận.

Lãnh đạo khu tự trị người Kurd cũng tái khẳng định cam kết với người dân rằng cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức đúng kế hoạch, bất chấp sự phản đối của Chính quyền Iraq, các nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, Iran cũng như Mỹ.

Trước đó, ngày 7-6, người đứng đầu khu tự trị người Kurd Barzani đã thông báo kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của khu vực người Kurd ở Iraq vào ngày 25-9.

Cuộc trưng cầu không được ủng hộ

Sau khi lãnh đạo khu tự trị người Kurd tại Iraq Barzani tuyên bố tổ chức trưng cầu dân ý theo đúng kế hoạch, Chính quyền Iraq cũng như một loạt các quốc gia có cộng đồng người Kurd sinh sống như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran cũng như Mỹ đã kịch liệt phản đối.

Chính quyền Iraq lo ngại cuộc trưng cầu dân ý sẽ đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của nước này, trong bối cảnh các lực lượng Iraq đang đẩy nhanh cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, trong đó có nhóm khủng bố Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Quốc hội Iraq cũng đã bỏ phiếu phản đối cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của khu vực người Kurd ở Iraq. Chủ tịch Quốc hội Iraq Salim al-Juburi, một người Arab dòng Hồi giáo Sunni, cho biết cuộc bỏ phiếu của quốc hội đòi hỏi chính phủ “thực hiện tất cả các bước để bảo vệ sự thống nhất của Iraq và mở một cuộc đối thoại nghiêm túc” với các nhà lãnh đạo người Kurd tại Iraq. Trong khi đó, các nghị sỹ người Kurd đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu này.

Ngày 14/9, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran Mohammad Baqeri và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, tướng Hulusi Akar đã cảnh báo về "những hậu quả" của cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của khu tự trị người Kurd ở Iraq.

Theo hãng thông tấn Tasnim của Iran, trong cuộc điện đàm, hai quan chức quân sự cấp cao của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ quan ngại rằng cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của người Kurd tại Iraq có thể sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với các lợi ích của người dân trong khu vực.

Ông Baqeri và ông Akar nhấn mạnh rằng động thái như vậy sẽ gây nguy hiểm đối với an ninh, hòa bình và ổn định khu vực. Hai bên cũng hối thúc người dân Iraq cùng đồng lòng phản đối cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của khu vực người Kurd cũng như ngăn chặn các âm mưu gây chia rẽ đất nư

Hai quan chức quốc phòng Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác giữa các lực lượng vũ trang hai nước. Ông Baqeri nhấn mạnh bất cứ sự thay đổi nào về địa chính trị ở Iraq, cụ thể là cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của khu tự trị của người Kurd ở miền Bắc Iraq, có thể bắt đầu dẫn đến những căng thẳng và xung đột bên trong và bên ngoài lãnh thổ Iraq.

Các quan chức chính trị và quân sự của Iran đã lên tiếng phản đối kế hoạch trưng cầu dân ý của giới lãnh đạo khu vực người Kurd, cho rằng một đất nước Iraq ổn định, an toàn và thống nhất sẽ giúp thúc đẩy tiến trình hòa bình và phát triển của nước này.

Liên đoàn Arab (AL) cũng đã phản đối cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của chính quyền khu tự trị người Kurd ở Iraq và nhất trí thông qua một nghị quyết bác bỏ cuộc trưng cầu ý dân này.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết Washington quan ngại cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của chính quyền khu tự trị người Kurd ở Iraq là "một sai lầm nghiêm trọng" gây bất lợi cho Iraq và kéo theo các bất ổn trong khu vực, có thể làm sao lãng cuộc chiến chống khủng bố khi làm gia tăng căng thẳng giữa các cộng đồng sắc tộc.

Liệu có phải là bước đi mạo hiểm?

Người Kurd hiện chiếm khoảng 20% dân số Iraq. Kể từ khi trở thành khu vực tự trị năm 1991, vùng Kurdistan của người Kurd tại Iraq đã nhận được không ít đặc quyền như có quân đội và Quốc hội riêng.


Sau khi Baghdad rút khỏi khu vực này dưới sự đe dọa của IS năm 2014, người dân Kurdistan và lực lượng dân quân Peshmerga đã chiến đấu và đẩy lùi những kẻ khủng bố ra khỏi lãnh thổ của mình. Hiện tại, các vấn đề chính trị và kinh tế của người Kurd được hai cựu lãnh đạo lực lượng dân quân Peshmerga điều hành và chia ranh giới ngay tại khu tự trị người Kurd.

Được coi là nhóm sắc tộc lớn thứ tư ở khu vực Trung Đông với dân số khoảng 30 triệu người, nhưng người Kurd chưa bao giờ có một nhà nước độc lập. Vì vậy, không khó hiểu khi nhiều người trong số họ kỳ vọng cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của Chính phủ Khu vực Người Kurd (KRG) ngày 25-9 tới sẽ biến giấc mơ này trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, theo chính trị gia người Kurd có nhiều năm kinh nghiệm Mahmoud Othman, cuộc trưng cầu dân ý về độc lập sắp tới mà lãnh đạo khu tự trị người Kurd tại Iraq tuyên bố sẽ tổ chức sẽ đứng trước nhiều thách thức khi lực lượng Peshmerga chưa bao giờ là khối thống nhất, khi một phần ủng hộ đảng Người Kurd Dân chủ (KDP) cầm quyền, trong khi phần còn lại ủng hộ đảng Liên minh Ái quốc Người Kurd đối lập.

Thêm vào đó, kể từ năm 2015, Quốc hội người Kurd đã không hoạt động sau những bê bối chính trị và các cuộc biểu tình phản đối người đứng đầu khu tự trị người Kurd tại Iraq Masoud Barzani kéo dài thời gian cầm quyền. Thậm chí, không ít ý kiến cho rằng trưng cầu ý dân chỉ là cái cớ để Đảng KDP thu hút sự ủng hộ của người dân trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Bên cạnh đó, kinh tế của Kurdistan cũng đang gặp khó khăn bởi nguồn thu từ dầu mỏ đã sụt giảm đáng kể do chi phí cho cuộc chiến chống IS trong khi giá dầu vẫn ở mức thấp và nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đã rút khỏi khu vực này.

Một vấn đề nan giải khác của KRG nằm ở chủ quyền tỉnh Kirkuk. Không chỉ là khu vực đa sắc tộc và tôn giáo, nơi người Kurd, người Arab và người Thổ Nhĩ Kỳ cùng sinh sống, Kirkuk còn là điểm nóng trong khu vực khi có trữ lượng dầu mỏ lớn.

Việc đưa Kirkuk trở thành một phần của Kurdistan trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới cho thấy KRG mong muốn hợp pháp hóa quyền kiểm soát khu vực này. Do vậy, động thái này đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ một loạt các quốc gia có cộng đồng người Kurd sinh sống.

Nếu vùng Kurdistan trở thành một quốc gia độc lập, nhiều khả năng KRG và Baghdad sẽ bàn thảo về các điều khoản của cuộc “ly hôn” trắc trở.

Các nhà phân tích cho rằng người Kurd cần tỉnh táo để nhận ra những nguy cơ tiềm ẩn sau cuộc trưng cầu ý dân sắp tới. Việc không có bàn đạp vững chắc và phải đối mặt với nhiều khó khăn sẽ đe dọa tới hòa bình khu vực cũng như sự tồn vong của dân tộc Kurd.

Thanh Lâm (TTXVN)
Mỹ muốn người Kurd ở Iraq hoãn trưng cầu ý dân về độc lập
Mỹ muốn người Kurd ở Iraq hoãn trưng cầu ý dân về độc lập

Chính quyền người Kurd ở Iraq cho biết Mỹ đã yêu cầu họ hoãn cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của khu vực tự trị người Kurd, vốn dự kiến diễn ra vào ngày 25/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN