Câu chuyện người lính thành phố Cảng từng vào sinh ra tử

Năm nào cũng vậy, cứ vào độ tháng 4, tâm trạng mỗi người lính Sư đoàn 3 của thành phố Cảng, từng vào sinh ra tử trong những ngày đạn lửa mưa bom nơi chiến trận, lại trào dâng cảm xúc về những bước chân thần tốc, thần tốc hơn nữa để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Chú thích ảnh
Ông Hoàng Thiềng, nguyên Chính trị viên phó Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 - Đoàn Sao Vàng (bên trái) cùng các nhà báo tại triển lãm "90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam - Sáng mãi một niềm tin". Ảnh: An Đăng/TTXVN

Trong căn nhà nhỏ ấm áp tại số 12 phố Trần Nhật Duật, phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, ông Hoàng Thiềng, 68 tuổi, nguyên là Chính trị viên phó Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 - Đoàn Sao Vàng, xúc động kể cho chúng tôi nghe về một thời băng rừng, lội suối: "Chúng tôi - những người lính Sư đoàn 3 (Sư đoàn mang biệt danh Đoàn Sao Vàng), sau khi giải phóng Bình Định vào ngày 31/3/1975 thì được lệnh hành quân thần tốc vào giải phóng Phan Rang. Sáng 14/4/1975, hai mũi tiến công của Sư đoàn nổ súng đánh vào quận lỵ Du Long và ấp Bà Râu, nơi quân địch tập trung quân hòng chặn bước tiến của quân ta. Khi trời còn mờ sáng, cả hai mũi tiến công của ta vừa nổ súng được một hồi thì bọn địch ở quận lỵ Du Long và ấp Bà Râu đều hốt hoảng bỏ chạy. Bộ đội Sư đoàn 3 cấp tốc áp sát sân bay Thành Sơn. Khi nhận thấy một vài chiếc trực thăng ở sân bay đang chực cất cánh, đạn cối 82 và các cỡ súng bộ binh của ta xối xả nã vào sân bay. Sau hai ngày đêm siết chặt vòng vây, không một chiếc máy bay nào ở sân bay cất cánh lên được.

Đêm 16/4, tổ chốt của Đại đội 3, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2, phát hiện có toán địch đang ẩn náu ở con mương cạn. Trung đội trưởng Hoa Kim Chính cùng anh em kêu gọi đầu hàng. Một lúc sau, lũ giặc lóp ngóp giơ tay lên hàng. Trong đám hàng binh đó có Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang và viên Đại tá cố vấn Mỹ. Ngay đêm đó, những hàng binh ngụy được đưa về phía sau... Tin vui bắt sống tướng Ngụy lan nhanh khắp Sư đoàn. Ngày 18/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen: "Nhiệt liệt khen ngợi các đơn vị đã lập chiến công lớn, bắt sống tại trận các tên tướng chỉ huy của địch".

Chú thích ảnh
 Ông Hoàng Thiềng, nguyên Chính trị viên phó Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 - Đoàn Sao Vàng (Đứng giữa, tóc bạc) cùng các đại biểu tại triển lãm "90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam - Sáng mãi một niềm tin". Ảnh: An Đăng/TTXVN

Ông Hoàng Thiềng tiếp mạch kể: Sau ngày giải phóng Phan Rang, Sư đoàn lại được lệnh cấp tốc hành quân vào giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu... Đêm 26/4, các mũi tiến công của Sư đoàn bắt đầu nổ súng. Đến trưa 27/4, thị xã Bà Rịa được giải phóng. Sư đoàn xốc lại đội hình nhanh chóng tổ chức lực lượng tiến đánh thành phố Vũng Tàu. Tình hình trở nên khó khăn khi xe tăng, xe bọc thép của đám tàn quân Ngụy rút qua bên kia cầu Cỏ May. Chúng đánh sập cây cầu lập thành tuyến phòng ngự. Hỏa lực của địch trên xe tăng, xe bọc thép thi nhau xả đạn. Hơn một ngày, lính Sư đoàn không vượt qua được khúc sông chảy xiết…

Trước tình thế cấp bách, Sư đoàn quyết định chuyển hướng tấn công chủ yếu từ Long Hải theo đường biển đánh vào thành phố. Nhân dân Long Hải hăng hái đưa tàu thuyền chở bộ đội Trung đoàn 12 bí mật bất ngờ đánh vào Vũng Tàu. Tuyến phòng thủ của địch ở cầu Cỏ May hốt hoảng. Hòng cứu vãn tình thế, xe tăng, xe bọc thép của địch vội vàng quay đầu chạy về thành phố. Chớp thời cơ, bộ đội Trung đoàn 2 khẩn trương vượt sông, tiến dọc theo đường 15 truy đuổi quân địch. 

Trung đoàn 12 tập trung đánh tàn quân co cụm ở trường Thiếu Sinh Quân và tiến đánh núi Lớn - nơi đặt đài Viba; đồng thời mở đợt tiến công quyết liệt vào Khách sạn Pa-lát, nơi bọn sĩ quan và ác ôn ngụy cố thủ chờ tàu biển vào đón. Trận đánh vào Khách sạn Pa-lát là trận đánh cuối cùng của Sư đoàn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Không chịu nổi đòn tiến công của bộ đội ta, hơn 400 tên địch buộc phải kéo cờ trắng xin hàng. Đúng 11 giờ ngày 30/4/1945, thành phố Vũng Tàu được hoàn toàn giải phóng...

Những chiến dịch thần tốc này đã cùng làm nên thắng lợi trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, những đoàn quân Giải phóng rầm rập tiến về, chiếc xe tăng mang số hiệu 390 thuộc Đại đội tăng 4, Tiểu đoàn tăng 1, Lữ đoàn xe tăng 203 đã hùng dũng tiến vào húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập... Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, non sông liền một dải. Những người lính như ông Hoàng Thiềng không thể nào quên ký ức của những ngày tháng với những trận đánh cuối cùng. 

Thắng lợi trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là thắng lợi của bản lĩnh Việt Nam, văn hóa Việt Nam; là bản anh hùng ca bất hủ của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh. 

Chú thích ảnh
Ông Hoàng Thiềng, nguyên Chính trị viên phó Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 - Đoàn Sao Vàng (bên trái) cùng các nhà báo tại triển lãm "90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam - Sáng mãi một niềm tin". Ảnh: An Đăng/TTXVN

Dẫu không còn mặc áo lính, nhưng những người lính Sư đoàn 3 quê Hải Phòng vẫn nhủ với nhau: Hãy sống xứng đáng với truyền thống Sư đoàn và truyền thống của thành phố Cảng "Trung dũng - Quyết thắng". Hằng năm, ông Hoàng Thiềng và những cựu chiến binh thuộc Sư đoàn 3 vẫn gặp nhau ôn lại những kỷ niệm và những trận đánh năm 1975 giải phóng Bình Định, Phan Rang, Bà Rịa - Vũng Tàu và giải phóng miền Nam.

Câu chuyện của ông Hoàng Thiềng là bài học sống động về truyền thống lịch sử của dân tộc, giúp chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ biết trân quý hơn những gì đang có, được tiếp thêm nhiệt huyết, lòng can đảm  làm hành trang trong cuộc sống hôm nay và hướng tới tương lai.

Đoàn Minh Huệ (TTXVN)
Ý chí, khát vọng và quyết định đúng đắn tạo nên đại thắng mùa Xuân 1975
Ý chí, khát vọng và quyết định đúng đắn tạo nên đại thắng mùa Xuân 1975

Chân thành, xúc động và dạt dào tình cảm dành cho Việt Nam là cảm tưởng của chúng tôi sau các cuộc trò chuyện với 4 cựu chuyên gia quân sự Liên Xô từng công tác tại Việt Nam trong thời gian chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN