Về cái nôi cách mạng này, mới thấy quân, dân Vĩnh Thuận trung dũng, kiên cường, anh hùng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và lao động bền bỉ, sáng tạo trong xây dựng phát triển quê hương, phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới trong năm 2020.
Trung dũng, kiên cường trong chống giặc ngoại xâm
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930, cuối năm 1932, tại Ranh Hạt, tiếp giáp giữa hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau (nay là ấp Ranh Hạt, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận), chi bộ Ranh Hạt ra đời. Đây là chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh, tiền thân của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang ngày nay.
Theo đó, lần lượt những năm tiếp sau, nhiều chi bộ khác trong tỉnh thành lập, phát triển lớn mạnh, tích cực tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng đấu tranh lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành nhiều thắng lợi. Năm 1941, Tỉnh ủy Lâm thời tỉnh Rạch Giá được thành lập là mốc son lịch sử trong hành trình đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Kiên Giang. Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh cùng với cả nước đứng lên tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.
45 năm trôi qua kể từ ngày 30/4/1975 lịch sử, non sông thu về một mối, nhưng ký ức ngày đại thắng trong tâm trí những cựu chiến binh “Bộ đội Cụ Hồ” ở Vĩnh Thuận vẫn còn nguyên vẹn. Ký ức hào hùng đó tái hiện về trong những ngày tháng Tư lịch sử qua lời kể của nhiều cựu chiến binh trực tiếp cầm súng tiến công, giải phóng vùng căn cứ cách mạng này.
Được mệnh lệnh tấn công và nổi dậy giải phóng Vĩnh Thuận, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong huyện vô cùng phấn khởi, tin tưởng và quyết tâm cao, đem hết sức lực của mình cống hiến để giành thắng lợi hoàn toàn. Huyện Vĩnh Thuận thành lập Ban Chỉ huy tấn công và nổi dậy đóng tại Vườn Bộ Gia (Kinh Một) do đồng chí Mai Thanh Tòng (Tám Nhãn), Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban.
Ngày 15/4/1975, Huyện ủy Vĩnh Thuận tổ chức cuộc họp mở rộng khẩn cấp dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Thị Lệ, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy. Hội nghị đánh giá tình hình địch, ta trong huyện, phân tích những thuận lợi và khó khăn trong đợt tổng tấn công. Lúc này, quân số địch còn 400 tên bảo an, dân vệ, 6 trung đội phòng vệ dân sự, 3 đoàn bình định, 7 đồn, 3 trụ sở tề xã và có 2 khẩu pháo 105 ly… Lực lượng của ta phát triển với khí thế mạnh hơn bao giờ hết, quân - dân thống nhất, đồng tâm hiệp lực cho trận chiến cuối cùng bằng tinh thần quyết chiến, quyết thắng, đánh bại kẻ thù xâm lược, giải phóng quê hương.
Bà Lê Thị Lệ, nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận nhớ lại: “Tuy vũ khí nhiều hơn trước nhưng vẫn thiếu, tôi và các đồng chí trong Huyện ủy mượn xuồng đến Quân khu xin hỗ trợ 60 súng, 5 quả H.12 và chỉ đạo các đoàn thể ở huyện xuống cùng xã vận động thanh niên tòng quân, từ trong nội bộ Đảng, đoàn thể tới quần chúng. Trong một thời gian ngắn đã có 300 thanh niên lên đường nhập ngũ. Trong số này có 31 đảng viên, 66 đoàn viên bổ sung ngay cho địa phương quân huyện và du kích, số còn lại đưa về trên.”
Đại tá Nguyễn Văn Dũng, nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Vĩnh Thuận lúc đó là Đại đội trưởng Đại đội bộ binh, cho biết thêm: “Khoảng 22 giờ ngày 30/4/1975, ta áp sát chi khu địch nổ súng tấn công, bắn 10 quả đạn cối 82 mm, áp sát nơi địch đóng quân, bọn chúng co cụm và chống cự yếu ớt. Sau thời gian chiến đấu ác liệt, tên Đại úy Bé nói với ta qua máy PRC.25 xin đầu hàng, nhưng hẹn 7 giờ sáng hôm sau gặp ta để bàn giao. Ban Chỉ huy chấp thuận và ra lệnh: Từ giờ này, các anh đã đầu hàng chính quyền cách mạng. Các anh không được rời khỏi đồn, không được nổ phát súng nào, ai làm sai sẽ bị trừng trị. Đúng 7 giờ ngày 1/5/1975, tên Đại úy Bé, Quận phó phụ trách an ninh và một sĩ quan gặp Ban Chỉ huy của huyện xin đầu hàng vô điều kiện. Từ giờ phút đó, huyện Vĩnh Thuận hoàn toàn giải phóng, nhân dân phấn khởi, hò reo vui mừng.”
Để viết nên ca khúc khải hoàn trong ngày vui đại thắng 30/4/1975 lịch sử, quân và dân Vĩnh Thuận đã chiến đấu kiên cường ròng rã suốt hàng chục năm chống kẻ thù xâm lược, chịu đựng biết bao đau thương, mất mát không gì có thể bù đắp được. Trong hai cuộc kháng chiến đó, Vĩnh Thuận có 2.073 liệt sĩ, gần 1.000 thương bệnh binh, hơn 4.000 cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, du kích, nhân dân bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man, nhiều người tàn phế suốt đời và đã mất khi chưa kịp nhìn thấy xóm làng, quê hương đất nước giải phóng.
Cùng với đó, Mỹ - Ngụy đã triệt xóa hàng loạt xóm làng, nhân dân gánh chịu mưa bom, bão đạn, hy sinh, mất mát khi địch mở chiến dịch càn quét “Nhổ cỏ U Minh”. Chúng mang đến những phương tiện kỹ thuật hiện đại, vũ khí tối tân của Hoa Kỳ, thực hiện các chiến lược “Chiến tranh đơn phương”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”… để đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Thuận. Thế nhưng, kẻ thù không khuất phục được tinh thần trung dũng, kiên cường của người dân Vĩnh Thuận. Nhiều gia đình không ngại hy sinh, tìm mọi cách che chở, bảo vệ căn cứ cách mạng, cưu mang và bảo vệ an toàn cho nhiều đồng chí cán bộ cao cấp của Trung ương “nằm vùng” kháng chiến U Minh Thượng (Kiên Giang) và U Minh Hạ (Cà Mau) để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào cách mạng miền Nam, góp phần cùng cả dân tộc làm nên đại thắng mùa Xuân 1975.
Huyện Vĩnh Thuận có hơn 12.000 nam, nữ thanh niên lên đường chiến đấu tại địa phương và khắp các chiến trường trên địa bàn tỉnh. 62 gia đình có từ 2 - 5 con là liệt sĩ, có những gia đình đã tiễn đưa đứa con thân yêu duy nhất hoặc người con cuối cùng vào bộ đội chiến đấu theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, có những gia đình 2 thế hệ cùng là bộ đội đánh Pháp, chống Mỹ. Ngày 20/12/1994, huyện Vĩnh Thuận vinh dự, tự hào được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tăng tốc về đích huyện nông thôn mới
Phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, huyện Vĩnh Thuận tập trung nguồn lực, lao động bền bỉ, sáng tạo trong xây dựng phát triển quê hương, phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới trong năm 2020.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận Huỳnh Xuân Luật cho biết: Huyện tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đi đôi với huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng giao thông, thủy lợi, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, huyện định hướng cho nhân dân chọn giống, mô hình sản xuất có chất lượng, chú trọng triển khai mô hình cánh đồng lớn sản xuất theo hướng VietGap, mô hình lúa - tôm thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện nay, ngoài sản xuất lúa truyền thống là cây trồng chủ lực, huyện Vĩnh Thuận phát triển hàng trăm héc-ta rau màu các loại ở nhiều nơi trên địa bàn và hơn 1.320 ha cây ăn trái, khóm (dứa) ở 2 xã Vĩnh Bình Bắc, Vĩnh Bình Nam. Diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 27.000 ha, với các loài như: Tôm sú, tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng… tổng sản lượng trên dưới 15.000 tấn năm 2019.
Là huyện vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang, Vĩnh Thuận đang tăng tốc về đích huyện nông thôn mới trong năm 2020. Đến nay, huyện cơ bản đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới; đang hoàn thành hồ sơ, thủ tục đề nghị tỉnh thẩm định và trình Trung ương công nhận.
Xây dựng nông thôn mới, thu nhập của người dân Vĩnh Thuận tăng cao, diện mạo xóm, ấp nông thôn đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng lên rõ nét. Vĩnh Thuận đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có thu nhập từ 130 - 300 triệu đồng/ha, cao nhất là mô hình nuôi thủy sản kết hợp, mô hình 2 lúa - 1 màu. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 46,8 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn khoảng 3%. Hộ sử dụng điện an toàn đạt 99,85%, hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.
Hoàn thành kế hoạch 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vùng căn cứ cách mạng Vĩnh Thuận thay da đổi thịt, đạt nhiều kết quả đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội. Các xã trên địa bàn khoác trên mình chiếc áo mới đẹp tươi, đời sống nhân dân cải thiện, nâng lên, môi trường xanh - sạch - đẹp, nhiều công trình xây dựng được đưa vào sử dụng đã phát huy tác dụng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng quê cách mạng, nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang.