Về vấn đề này, Báo Tin tức xin thông tin: Căn cứ Điểm b Khoản 2 Điều 104 Luật Nhà ở 2014 quy định, Ban quản trị nhà chung cư có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này và quyết định của hội nghị nhà chung cư; báo cáo hội nghị nhà chung cư việc thu, chi khoản kinh phí này.
Tại Điều 34 Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 của Bộ Xây dựng ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư đã quy định:
“Điều 34. Các hạng mục của nhà chung cư được sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung để bảo trì:
1. Bảo trì các hạng mục và phần diện tích thuộc sở hữu chung quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 100 của Luật Nhà ở.
2. Bảo trì hệ thống các thiết bị thuộc sở hữu chung của nhà chung cư, bao gồm thang máy, máy phát điện, máy bơm nước, hệ thống thông gió, hệ thống cấp điện chiếu sáng, điện sinh hoạt, các thiết bị điện dùng chung, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống cấp ga, lò sưởi trung tâm, phát thanh truyền hình, thông tin liên lạc, phòng cháy, chữa cháy, cột thu lôi và các thiết bị khác dùng chung cho nhà chung cư.
3. Bảo trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài kết nối với nhà chung cư; các công trình công cộng quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 100 của Luật Nhà ở.
4. Xử lý nước thải ứ nghẹt, hút bể phốt định kỳ; cấy vi sinh cho hệ thống nước thải của nhà chung cư.
5. Các hạng mục khác của nhà chung cư thuộc quyền sở hữu chung của các chủ sở hữu nhà chung cư theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc theo quy định của pháp luật về nhà ở”.
Trong trường hợp bạn đọc hỏi, Ban quản trị và cư dân đối chiếu trường hợp cụ thể với quy định của pháp luật để thực hiện hoặc liên hệ Sở Xây dựng Hà Nội là cơ quan quản lý Nhà nước về nhà ở trên địa bàn để được hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền.