Nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Pari (27/1/1973 - 27/1/2013), phóng viên TTXVN tại Pháp đã gặp gỡ một số Việt kiều từng chứng kiến và tham gia tích cực các hoạt động ủng hộ đoàn đại biểu Việt Nam tham dự cuộc đàm phán, góp phần không nhỏ vào thành công của hội nghị.
40 năm trước, đa số Việt kiều sang Pháp để du học, đoàn tụ gia đình..., là những thanh niên tuổi đôi mươi, cùng tập hợp dưới mái nhà chung là “Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp” với mục tiêu ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hội lúc đó gồm nhiều tổ chức như: Hội sinh viên Việt Nam, Liên hiệp trí thức Việt Nam, Hội công nhân, Hội thương gia, Hội phụ lão, Hội y học... Đến cuối năm 1975, sau khi nước nhà đã hoàn toàn thống nhất, Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp tự giải tán; Việt kiều tại Pháp tập hợp trong “Hội người Việt Nam tại Pháp” (UGVF), ra đời năm 1976 và tiếp tục hoạt động cho đến ngày nay. Nhớ lại chặng đường lịch sử cách đây 40 năm khi diễn ra các cuộc đàm phán công khai cũng như bí mật để đi đến ký kết Hiệp định Pari, ký ức của những Việt kiều năm xưa như vẫn còn vẹn nguyên, khiến các bác không khỏi xúc động.
Bác Nguyên Văn Bổn, từng là Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam và nay là Phó Chủ tịch UGFV, cho biết, thời kỳ đó, các tổ chức hội đều tham gia hỗ trợ các phái đoàn đàm phán bằng cả tấm lòng của một con dân đất Việt. Hàng ngày, ba bộ phận cùng phối hợp làm việc là nhóm làm báo, dịch tài liệu, nhóm chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong đoàn và nhóm theo dõi hoạt động của đối phương. Còn có một bộ phận khác theo dõi thông tin liên quan đến dư luận của nhân dân Pháp, Việt kiều, sinh viên... đối với cuộc kháng chiến của dân ta. Cứ vào thứ ba hàng tuần, các nhóm lại họp với ông Nguyễn Minh Vy và bà Nguyễn Thị Trơn, thư ký của bà Nguyễn Thị Bình - Trưởng đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, ông Phan Văn Soàn (Phan Nam)...
Những người trực tiếp làm công tác tuyên truyền đã thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các buổi mít tinh để giải thích về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta và thông báo về diễn biến của cuộc đàm phán. Thông qua các cuộc làm việc, khi gián tiếp, khi trực tiếp với các đồng chí Lê Đức Thọ, Xuân Thủy và một số người có trách nhiệm trong phái đoàn đàm phán của ta, Việt kiều đã nắm được diễn biến trên bàn đàm phán.
Bác Bổn nhớ rất rõ một điều là để đảm bảo bí mật, ai làm việc gì thì chỉ biết việc đó, tránh để bị theo dõi. Trong nhiều cuộc họp, đồng chí Lê Đức Thọ viết ra giấy những việc quan trọng, đưa cho mọi người xem xong rồi xé đi luôn.
Đối với bác Bổn, kỷ niệm sâu sắc nhất gắn liền với cuộc đàm phán Hiệp định Pari là hình ảnh lá Cờ đỏ Sao vàng trên chiếc xe ô tô chở đồng chí Xuân Thủy bay phấp phới trên đường phố Pari khi bác cùng đoàn bà con Việt kiều đón đoàn từ sân bay Bourget về nơi ở. “Bà con Việt kiều rất hãnh diện và cảm động. Hình ảnh đó đã cho thấy sự công nhận của quốc tế, ít nhất là của Pháp, đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Vì thời gian đó, lá Cờ đỏ Sao vàng của Việt Nam bị cấm nghiêm ngặt và chỉ được xuất hiện tại các cuộc họp nội bộ bí mật.
Cùng chung những tâm sự của bác Bổn, bác Bùi Thanh Tùng, hiện nay là Tổng thư ký UGVF, cho biết bác sang Pháp năm 1967, với nhận thức chính trị còn chưa đầy đủ do bị chính quyền Sài Gòn bưng bít thông tin. Nhưng khi được tiếp xúc với bạn bè, các nhà trí thức, bác đã được giác ngộ. Chính vì thế, giai đoạn 1968 -1972, bác thường xuyên hoạt động trong phong trào Liên hiệp sinh viên Việt Nam tại Pháp. Như nhiều sinh viên khác, bác có nhiệm vụ tổ chức, hỗ trợ các cuộc biểu tình, hội thảo, sinh hoạt của giới trí thức, các cuộc gặp gỡ với bạn bè ở Pháp để giúp họ hiểu về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, về Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, về nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... Tại các ký túc xá sinh viên, nhiều buổi hội thảo kéo dài cho đến khuya; nhiều cuộc tranh cãi, thảo luận diễn ra căng thẳng vì không phải lúc nào bạn bè, sinh viên quốc tế cũng có cùng suy nghĩ với ta. Nhưng nhìn chung, các bạn sinh viên quốc tế đều ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Bác Tùng tâm sự: “Cuộc đời tôi có nhiều dấu mốc mà dấu mốc lớn nhất là tôi đã biết tin vào cách mạng và biết đâu là chính nghĩa”. Bác không thể quên được hình ảnh, sáng sớm ngày 27/1/1973 lịch sử, dòng người đứng thành hàng dài hai bên cửa Trung tâm hội nghị quốc tế Kléber, nơi diễn ra lễ ký kết Hiệp định Pari, với Cờ đỏ Sao vàng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cờ xanh, đỏ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam để bày tỏ sự ủng hộ cho hòa bình của Việt Nam cũng như chiến thắng của nhân dân Việt Nam.
Cách đây 40 năm, cô Thérèse Nguyễn Văn Ký - nay đã hơn 80 tuổi, là Chủ tịch UGVF - là bác sỹ được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho đoàn đàm phán và bà con Việt kiều. Vóc người nhỏ nhắn, “cô” dường như được ông trời phú cho một sức khỏe thật dẻo dai, làm việc không biết mệt mỏi. Vì điều kiện công tác bí mật, ngay cả những người thân trong gia đình cũng không được biết những việc làm của cô.
Sau 40 năm, đến nay “cô” vẫn thường đau đáu nhớ về hình ảnh Lá Cờ đỏ Sao vàng tung bay trên đường phố Champs Elysées ở trung tâm thủ đô Pari như lời khẳng định thắng lợi của các cuộc đàm phán về hòa bình ở Việt Nam.
Cộng đồng người Việt ở Pháp chào mừng chiến thắng lịch sử ngày 27/1/1973. |
Còn bác Đoàn Hữu Trung 40 năm trước được giao nhiệm vụ tiếp xúc với bà con Việt kiều, tổ chức các cuộc mít tinh ở những nơi có bà con Việt kiều và giúp đỡ đoàn đàm phán. Ngoài kỷ niệm riêng là con gái đầu lòng của bác được sinh ra đúng những năm tháng diễn ra đàm phán, bác luôn nhớ đến thời gian sống và làm việc cùng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình dẫn đầu. Bác cảm thấy mình thật may mắn khi được gần với cách mạng.
Nói sao cho hết những cống hiến và đóng góp của bà con Việt kiều Pháp đối với thắng lợi của cuộc đàm phán tại Pari đi đến ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, cũng như thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến, giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.
Lê Hà - Nguyễn Tuyên - Trung Dũng (P/v TTXVN tại Pháp)