"Hiệp định Pari đánh dấu một thắng lợi quan trọng của nhân dân chúng tôi trong cuộc kháng chiến chống lại cuộc xâm lăng của Mỹ. Đối với chúng tôi, những điều khoản của Hiệp định thật là thuận lợi... Hiệp định Pari mở đường cho đại thắng mùa xuân năm 1975, chấm dứt hơn một thế kỷ đô hộ của thực dân cũ và mới và tái lập nền độc lập, tự do và thống nhất của quê hương chúng tôi" - Thủ tướng Phạm Văn Đồng trả lời phóng viên truyền hình Mỹ Walter Cronkite (năm 1975).
Vẫn còn nhiều tiếng nói khác nhau
Sau bốn thập kỷ, sự phân tích đánh giá về Hiệp định Pari đã tiến gần với sự thật lịch sử hơn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tiếng nói khác nhau.
Có phải Mỹ không thua trận?
Có phải Sài Gòn sụp đổ vì bị Mỹ "bỏ rơi"?
Những người có vai trò chính trong việc ký Hiệp định Pari từ phía Mỹ là các ông R. Nixon và H. Kissinger đều cho rằng họ đã thắng trong chiến tranh, biện hộ cho những thất bại của Mỹ và sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn là do Quốc hội (Mỹ) đã làm “mất hòa bình”.
Mỹ đã gấp rút thực hiện kế hoạch Enhance (Tăng cường) và Enhance Plus (Tăng cường thêm nữa) nhằm củng cố cho quân đội Sài Gòn đủ sức đứng vững một mình sau khi quân Mỹ rút đi. |
Ông R. Nixon cho rằng Sài Gòn sụp đổ là do Quốc hội đã không cho Tổng thống (khi đó là G. Ford) quyền sử dụng quân lực để bảo vệ Nam Việt Nam như ông ta đã hứa với Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu trước đó. Không những thế, Quốc hội (Mỹ) còn bác đề nghị chi 722 triệu USD để cứu cho Nam Việt Nam tồn tại. Ông Kissinger thì cho rằng thảm kịch của Mỹ do chính tình hình nội bộ của Mỹ (ý nói vụ Watergate) và nếu không có chuyện đó, Nixon sẽ có điều kiện hạ lệnh ném bom trở lại Bắc Việt Nam ngay từ tháng 4/1973. Ông Kissinger cũng thừa nhận sai lầm của mình khi đánh giá sự sẵn sàng của dân Mỹ ủng hộ những can thiệp của Mỹ - mà ông ta gọi là để bảo vệ Hiệp định. Ngay từ ngày Hiệp định được ký (27/1/1973), kết quả thu được của cơ quan điều tra dư luận Gallup cho thấy đa số dân Mỹ đã chán ghét chiến tranh và phản đối Mỹ quay lại Việt Nam.
Một đánh giá khác của tác giả Phrank Snep trong cuốn Decent Interval (Một khoảng thời gian thích đáng) cho rằng Hiệp định Pari chỉ là “một hình thức bỏ chạy” của Mỹ để rút các lực lượng Mỹ ra khỏi Nam Việt Nam, những vấn đề còn lại của chiến tranh không được giải quyết.
Cuốn Không hòa bình, chẳng danh dự - Nixon, Kissinger, và sự phản bội ở Việt Nam của GS Larry Berman1 dẫn lời của Nixon và Kissinger nói rằng họ có thể nhìn thấy Nam Việt Nam thất bại nhưng muốn sự thất bại đó không diễn ra trong nhiệm kỳ của mình. Tổng thống Nixon muốn một tình trạng bế tắc vô hạn định bằng cách sử dụng máy bay B52 bảo vệ Nam Việt Nam cho đến hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên vụ Watergate đã làm hỏng những toan tính đó.
Một số tiếng nói giận dữ và oán hận từ những đồng minh bị thất bại của Mỹ (Nguyễn Văn Thiệu và những phụ tá thân cận của ông ta) cho rằng Thiệu thua vì Mỹ đã phản bội và “bỏ rơi” Nam Việt Nam, thậm chí cho rằng Nam Việt Nam đã thua vì vừa phải đối phó với “kẻ thù Bắc Việt” vừa phải đối phó với đồng minh Mỹ của mình. Những tiếng nói này cũng đồng quan điểm với Siric Matac ở Campuchia cho rằng "Chúng tôi đã lầm lẫn mà tin tưởng vào các ngài, những người bạn Mỹ" khi chế độ thân Mỹ được dựng lên ở đây (sau cuộc đảo chính của Lonnon năm 1970) đang hấp hối.
“Leo thang” trong thế “xuống thang”
Chính thức từ ngày 13/5/1968, Mỹ (buộc phải) đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pari. Từ thời điểm đó, người ta bắt đầu nói đến những biện pháp nhằm giải quyết những vấn đề của cuộc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Sáu tháng sau khi bước vào Nhà trắng trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Nixon bắt đầu thực thi một chiến lược chiến tranh mới: Rút dần quân Mỹ về nước; từng bước thực hiện "phi Mỹ hóa chiến tranh" rồi "Việt Nam hóa chiến tranh"; dùng người Việt đánh người Việt bằng viện trợ và vũ khí của Mỹ; kết hợp chiến tranh hủy diệt, chiến tranh giành dân và chiến tranh bóp nghẹt để khống chế phần lớn miền Nam, tiến tới bao vây cô lập, làm cho cuộc chiến tranh cách mạng bị "tàn lụi", tạo thế mạnh để Mỹ giành thắng lợi về quân sự và chính trị. Tuy "Học thuyết Nixon" có làm “thay đổi màu da xác chết” trên chiến trường nhưng những mục tiêu chiến lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam không thay đổi.
Trong tình thế phải "xuống thang" để rút lực lượng Mỹ nhưng muốn gây sức ép để đạt được kết quả có lợi trên bàn hội nghị, Mỹ vẫn tiếp tục cố gắng kéo dài cuộc chiến ở Việt Nam, thậm chí mở rộng chiến tranh ra ngoài biên giới miền Nam Việt Nam. Trên chiến trường, Mỹ chọn biện pháp tấn công những căn cứ hậu cần chiến lược để tiêu diệt và đẩy lùi lực lượng kháng chiến ra xa thay vì tấn công lại miền Bắc bằng không quân. Nhưng những mục tiêu cơ bản là tiêu diệt các đơn vị chủ lực, tiêu diệt căn cứ kháng chiến đầu não ở miền Nam, cắt đường vận chuyển chiến lược xuyên Đông Dương... đều không đạt được. Một phần lực lượng quân chủ lực thiện chiến và cùng theo đó là số vũ khí, trang thiết bị quân sự bị tổn thất. Không những thế, khi bộ phận quân chủ lực được đưa ra tác chiến ở vùng rừng núi biên giới, thì vùng nông thôn và đô thị đã bị “để lỏng” cho đối phương giành lại thế chủ động.
Những vi phạm được chuẩn bị trước
Mỹ đã dự kiến và gấp rút thực hiện những biện pháp đối phó với những bất lợi của họ bị bản Hiệp định Pari quy định. Nhiều điều khoản của Hiệp định đã bị vi phạm trước khi ký và chuẩn bị cho sự vi phạm sau khi ký.
Ngay sau khi thống nhất cụm từ "ba vùng kiểm soát" dưới sự quy định của một cuộc ngừng bắn tại chỗ trong khi dự thảo Hiệp định với trưởng đoàn Việt Nam là ông Xuân Thủy trong cuộc họp (dài nhất trong các buổi họp kín) ngày 11/10/1972, Kissinger đã điện cho E. Bunker, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, "yêu cầu Thiệu cố gắng hết sức để lấn chiếm được càng nhiều càng tốt vùng do Chính phủ cách mạng lâm thời kiểm soát"(2). Thiệu đã thực hiện điều này một cách rất tích cực, xúc tiến gấp kế hoạch "Tràn ngập lãnh thổ", lấn chiếm, bình định trong thời gian trì hoãn việc ký Hiệp định Pari. Sau khi bản Hiệp định này có hiệu lực, những vi phạm này vẫn tiếp tục với quy mô lớn bằng nhiều cuộc hành quân của Thiệu đánh chiếm Cửa Việt, đánh chiếm Sa Huỳnh và nhiều nơi khác ở miền Trung, lấn chiếm vùng đồng bằng sông Cửu Long...
Mỹ đã gấp rút thực hiện kế hoạch Enhance (Tăng cường) và Enhance Plus (Tăng cường thêm nữa) nhằm củng cố cho quân đội Sài Gòn đủ sức đứng vững một mình sau khi quân Mỹ rút đi. Chỉ trong thời gian ngắn từ cuối năm 1972 đến đầu năm 1973, cầu hàng không đã đổ cho chính quyền Thiệu 700 máy bay, 500 pháo các loại, 400 xe tăng và xe bọc thép, bổ sung 2 triệu tấn dự trữ vật tư chiến tranh (3).
Sự suy yếu trên chiến trường và trên chính trường
Về quân sự, sau khi lính Mỹ rút đi, nguồn viện trợ quân sự Mỹ sụt giảm, quân đội Sài Gòn, dù được tiếp sức cấp tốc, không thể làm nổi những gì mà hơn nửa triệu quân Mỹ và gần 10 triệu tấn bom đạn đã không làm được trong những năm trước đó.
Về chính trị, Mỹ chọn giữ lại Thiệu như một bảo đảm về cơ hội để can thiệp vào Việt Nam và Đông Dương, bảo đảm cho vai trò của Mỹ ở khu vực và giữ cho Nam Việt Nam không bị trung lập hóa rồi cuối cùng rơi vào tay lực lượng cách mạng. Thiệu là người chống cộng quyết liệt. Nếu một nhân vật ôn hòa hơn được cả hai phía chấp nhận sẽ dẫn đến một chính phủ liên hiệp trong tương lai và phía cộng sản - với sự ủng hộ của dân chúng - sẽ dần dần chiếm đa số trong chính quyền đó. Nhưng Mỹ đã "đặt cược" sai. Chính quyền Thiệu, tiếp nối những chính quyền Sài Gòn trước đó (do Mỹ dựng lên và nuôi dưỡng) là một chính quyền không có dân chúng. Lý do tồn tại của nó là chiến tranh và nguồn sống của nó chỉ là viện trợ Mỹ. Bộ máy của chính quyền này bị mục ruỗng vì nạn tham nhũng (đến mức đã báo hiệu sự cáo chung), bị hư hoại vì hàng loạt những vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội nảy sinh và chưa giải quyết được sau khi quân Mỹ rút đi và viện trợ Mỹ bị cắt giảm.
Vụ Watergate đã làm Nixon ra đi và lực lượng quân sự Mỹ không còn khả năng quay lại Nam Việt Nam như trước Hiệp định Pari và như lời hứa của ông ta với đồng minh ở Sài Gòn. Việc không thực hiện được lời hứa này là lý do để Thiệu và nhiều người khác kết tội Mỹ “bỏ rơi” đồng minh ở Sài Gòn. Ông Nguyễn Tiến Hưng (Tổng trưởng Kinh tế cuối cùng của Thiệu) trong cuốn sách của mình đã công bố một số trong số những bức thư của Nixon gửi Thiệu, trong đó nhấn mạnh:
"... Tôi tuyệt đối cam đoan với ngài rằng, nếu Hà Nội không tuân theo những điều kiện của Hiệp định này thì tôi cương quyết sẽ có hành động trả đũa mau lẹ và ác liệt" (14/11/1972).
"... nền tự do và độc lập của Việt Nam cộng hoà vẫn là một mục tiêu tối cao của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ...
- Thứ nhất, chúng tôi chỉ thừa nhận chính phủ của ngài là chính phủ hợp pháp duy nhất tại Việt Nam.
- Thứ hai, chúng tôi không thừa nhận quyền ở lại của quân đội ngoại quốc trên phần đất miền Nam Việt Nam.
- Thứ ba, Hoa Kỳ sẽ phản ứng mãnh liệt đối với những vi phạm hiệp định..." (17/1/1973)(4).
Thiệu đã coi đó như một "lời hứa danh dự". Còn ông Kissinger lại trả lời trước Ủy ban Ngoại giao Thượng viện Mỹ (năm 1975) rằng những lá thư đó "không phải là cam kết pháp lý. Chúng tôi chưa bao giờ nói là có một cam kết pháp lý" (5).
“Khả năng thứ hai”
Con đường đi từ Hiệp định hòa bình đến hòa bình và thống nhất đất nước trên thực tế của nhân dân Việt Nam không bằng phẳng. Để đi từ hòa bình trên đầu ngọn bút đến hòa bình trong thực tế, quân và dân hai miền Nam, Bắc Việt Nam còn phải chịu thêm nhiều tổn thất hy sinh do những âm mưu và hành động ngoan cố của Mỹ và tập đoàn tay sai do họ dựng lên. Những người lãnh đạo và nhân dân Việt Nam không có ảo tưởng về sự "bằng phẳng" trên con đường đi đến hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước. Tháng 10/1973, Hội nghị trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã dự kiến tình hình sẽ phát triển theo hai khả năng:
1. Do đấu tranh tích cực trên ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, ta có thể từng bước buộc địch phải thi hành Hiệp định Pari về Việt Nam, hòa bình được lập lại thật sự, cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam nhằm hoàn thành độc lập, dân chủ tuy còn lâu dài nhưng ngày càng phát triển và ở thế tiến lên mạnh mẽ.
2. Mặt khác, do âm mưu chiến lược của đế quốc Mỹ cố bám giữ khu vực Đông Dương, Đông Nam Á, do bản chất cực kỳ phản động ngoan cố của Mỹ và tập đoàn thống trị tư sản mại bản quan liêu, quân phiệt tay sai Mỹ, Hiệp định Pari về Việt Nam tiếp tục bị địch vi phạm và phá hoại, xung đột quân sự có thể ngày càng tăng, cường độ và quy mô chiến tranh ngày càng lớn, ta lại phải tiến hành chiến tranh cách mạng gay go quyết liệt để đánh bại địch, giành thắng lợi hoàn toàn.
Ta phải hết sức tranh thủ thực hiện khả năng thứ nhất và chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng thứ hai" (6).
Thực tế lịch sử đã diễn ra theo khả năng thứ hai như Đảng ta đã dự kiến.
Ngô Vương Anh
(1) Bản dịch tiếng Việt từ nguyên bản tiếng Anh của Nxb Free Press, thuộc tổ hợp Simon & Schuster, NewYork, 2001 - Dịch giả Nguyễn Mạnh Hùng - Việt Nam Tyde xuất bản (2003).
(2) H. Kissinger - Ở Nhà trắng - Dẫn lại theo Lưu Văn Lợi; Nguyễn Anh Vũ - Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ Kísinger tại Paris (1996) - Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr 417 và Larry Berman - Không hòa bình chẳng danh dự... Sđd, tr 215.
(3) Ban tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị - Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - Thắng lợi và bài học (1996) - Nxb CTQG, Hà Nội, tr 328.
(4) Nguyễn Tiến Hưng và Jerold. L. Schecter - Palace file (Hố sơ mật dinh Độc lập) (1978), NewYork, Harper & Row - Phần tiếng Việt, The printers, Mountain View, tr 2; 3.
(5) Larry Berman - Không hòa bình, chẳng danh dự... Sđd, tr 387.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đảng toàn tập (2004) - Nxb CTQG, Hà Nội, tập 34, tr 231.