Những tấm lòng Việt kiều với Hiệp định Paris

Họ là những nhân tố không thể thiếu góp phần tạo nên thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập Dân tộc và là sự cổ vũ lớn cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới vì tự do và hòa bình.


Triển lãm ảnh về hoạt động của các đoàn đàm phán.


Tại cuộc míttinh kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973-27/1/2013) về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam diễn ra ngày 24/1 tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, nhiều cô bác Việt kiều và bạn bè Pháp yêu mến Việt Nam tham dự mít tinh đã chia sẻ với phóng viên TTXVN những tình cảm đoàn kết, hữu nghị và kỷ niệm gắn bó với nhân dân Việt Nam.


Nhân dịp này, ông Pierre Laurent, bí thư toàn quốc Đảng cộng sản Pháp (PCF), đã bảy tỏ sự biết ơn và sự cám ơn đối với những đảng viên có nhiều đóng góp trong cuộc đấu tranh chống thực dân, những người bạn Pháp luôn bên cạnh nhân dân Việt Nam như Henri Martin, Raymond Dien, Madeleine Rifaud, Charles Fourniau, Raymon Aubarac…


Ông nói không chỉ rất tự hào về điều đó, mà càng tự hào hơn khi các cuộc đàm phán diễn ra tại Paris và các văn kiện lịch sử đã được ký tại tại đây, tạo tiền đề cho Việt Nam kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thống nhất đất nước.


Đánh giá về sự giúp đỡ và ủng hộ của thành viên PCF, nhân dân tiến bộ vì hòa bình trên toàn thế giới cũng như của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, Đại sứ Dương Chí Dũng khẳng định hỗ trợ của họ cho các đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn đại biểu Chính phủ cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam là “những tình cảm tốt đẹp, sự giúp đỡ quý báu”- là “chất kết dính” để bà con tiếp tục tăng cường đoàn kết, gắn bó hơn nữa, giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng cộng đồng ngày càng phát triển thịnh vượng.


Nhìn lại 40 năm qua, ông Jean Joel Lemarchand, phó Thị trưởng thứ nhất Choisy-Le-Roi, cho biết ông không thể quên những tình cảm gắn bó ông với Việt Nam khi đó ông là thư ký đặc biệt của nghị sỹ, Thị trưởng thành phố Choisy-Le-Roi, ông Fernand Dupuy, lúc bấy giờ. Những cuộc tiếp đón và làm việc của khi Thị trưởng thành phố Fernand Dupuy với đoàn đại biểu Miền Bắc - Việt Nam đến lưu trú Trường của PCF, nơi ông cũng từng học trong vòng 4 tháng, luôn “trở về đầy ắp trong ông”.


Khi đó, ông là một sinh viên triết học, ông nhớ như in những cuộc biểu tình lớn ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa vì hòa bình của nhân dân Việt Nam diễn ra tại Choisy-Le-Roi và Paris, khi ông tham gia và hô lớn tên của bà Bình, hô vang khẩu hiệu “Việt Nam sẽ chiến thắng”. Theo ông, đây là “ngôi trường của hòa bình, tình hữu nghị và sự thân quen”, nó thể hiện tình cảm của thành phố Choisy-Le-Roi đối với bạn bè Việt Nam.


Cũng như ông Jean Joel Lemarchand, bà Raymond Dien, tuy đang phải ngồi xe đẩy nhưng rất sôi nổi và hào hứng khi được hỏi về những tình cảm của mình dành cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Ngoài việc tham gia các cuộc biểu phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam, bà là người nằm ngang đường ray ngăn cản các đoàn tàu chở vũ khí đạn dược sang Việt Nam và đã bị cảnh sát bắt giam. Ngày nay, bà vẫn tiếp tục chia xẻ, ủng hộ nạn nhân và giúp đỡ những đứa trẻ tàn tật bẩm sinh do tác hại của chất độc da cam, những khó khăn của gia đình họ.


Bà Raymond Dien.


Bà Nicole Trampoglieri, chủ tịch Hội hữu nghị Pháp-Việt tại Choisy-le-Roi cho biết, cách đây 40 năm, khi mới 18 tuổi bà đã tham gia biểu tình ủng hộ Việt Nam. Sau đó, khi là sinh viên bà vẫn biểu tình để ủng hộ, bảo vệ Việt Nam, bảo vệ hòa bình và quan hệ hữu nghị giữa hai nước.


Thật cảm động khi bà kể lại, bà không thể nào quên đó khi cô con gái đầu lòng ra đời đúng vào tháng 1/1972 và bà lấy tên “Lan” (tên Việt Nam) đặt cho con, dạy những từ “Hô Chí Minh …chiến thắng”….! (Ho Chi Minh Vaincra) khi con bắt đầu bi bô tập nói.


Bà chia sẻ : “tôi thực sự cảm động vì cuộc kháng chiến vì hòa bình của các bạn”. Theo bà, Việt nam đối với bà đó là “Việt Nam của thế hệ trẻ” - “Việt Nam của sự giác ngộ về chính trị”. Với bà đây thật sự là một tình cảm mãnh liệt và bà luôn “giơ cao ngọn cờ tình hữu nghị Pháp-Việt”.


Bác Lâm Bá Châu - người tham gia lãnh đạo phong trào Việt kiều tại Pháp thời đó.


Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, bác Lâm Bá Châu, người tham gia lãnh đạo phong trào Việt Kiều thực hiện các nhiệm vụ của đoàn giao cách đây 40 năm cho biết thế hệ của bác ai cũng nhớ kỷ niệm sâu sắc nhất là khi các bạn sinh viên quốc tế hết lòng ủng hộ Việt Nam, đặc biệt là sinh viên Mỹ.


Ngoài việc tham gia các cuộc biểu tình của sinh viên ủng hộ chính phủ cách mạng lâm thời Miền Nam, các bạn sinh viên Mỹ không bao giờ ủng hộ cho phái đoàn Mỹ hay chính quyền Sài Gòn. Những sinh viên Mỹ, Pháp hay sinh viên quốc tế khác họ đều phản đối chiến tranh, ủng hộ Việt Nam.


Bác Đào Thị Hoàng Anh, 76 tuổi, cho biết, hồi đó bà được giao việc lo hậu cần, trang trí nhà, tham gia may hơn trăm chiếc màn gió (rideau) cho đoàn đại biểu Việt Nam và lo chỉnh trang trang phục cho bà Nguyễn Thị Bình, bà Dung... ở Verrière-le-Buisson khi đến tham gia đàm phán.


Trước khi đi dự hội nghị, ông Xuân Thủy nói rằng: “Cô Hoàng Anh cố gắng lo trang phục thật đẹp cho các chị, vì sẽ có hàng triệu cặp mắt chăm chú dõi cho nên phải mặc cho phù hợp”.


Bà Hoàng Anh cho biết từ những việc nhỏ nhất, nếu có thể, bà đều sẵn sàng và cố gắng giúp cho đoàn đàm phán.


Làm sao có thể kể hết sự ủng hộ và giúp đỡ của bà con cộng đồng người Việt tại Pháp khi đó. Có những sự ủng hộ công khai, có những sự giúp đỡ thầm lặng, có những điều chỉ có thể cảm nhận, nhưng tất cả đều là những đóng góp vô giá tạo thành quả hôm nay.



Nhóm Phóng viên TTXVN tại Pháp

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN