Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 13/9, tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở thủ đô Paris đã diễn ra sự kiện “Ngày văn hoá doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài lần thứ I - Paris 2024”, với sự tham dự của gần 150 đại diện các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam đến từ Pháp và các nước châu Âu, cũng như doanh nghiệp Pháp hợp tác với Việt Nam.
Điểm nhấn của sự kiện là Diễn đàn với chủ đề “Văn hóa kinh doanh Việt Nam và châu Âu: góc nhìn đan xen”, được tổ chức bởi Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, với mục tiêu nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa kinh doanh trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam với Pháp và châu Âu. Sự kiện không chỉ góp phần hiện thực hóa và lan tỏa tinh thần các nghị quyết của Đảng và Chính phủ về xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, mà còn là một trong những hoạt động chào mừng 79 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam tại địa bàn Pháp.
Trước khi bắt đầu các nội dung chính của chương trình, toàn thể ban tổ chức và khách mời đã dành một phút tưởng niệm các nạn nhân của cơn bão Yagi cũng như chia sẻ sự mất mát đau thương, cả về vật chất và tinh thần, mà người dân Việt Nam đã và đang phải chịu đựng tại nhiều tỉnh, thành Việt Nam.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng khẳng định Diễn đàn Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam lần này mang nhiều ý nghĩa quan trọng, không chỉ là lần đầu tiên tổ chức ở nước ngoài, mà còn được lựa chọn tổ chức tại Pháp, như một minh chứng đồng thời cho sự tiếp cận phong phú trong môi trường kinh doanh trong nước đang chuyển đổi mạnh mẽ, cũng như ước vọng về các mối quan hệ và sự kết nối sâu đậm hơn giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Pháp.
Đại sứ nhấn mạnh : "Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa giá trị cốt lõi và sự đổi mới sáng tạo, là sự tôn vinh những giá trị như tinh thần vươn lên, tinh thần hợp tác cũng như tinh thần cộng đồng và trách nhiệm xã hội. Các doanh nhân quốc tế đến và làm ăn với các đối tác Việt không chỉ ngày càng hiểu văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, môi trường kinh doanh ở Việt Nam, mà còn tiếp tục giúp doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hoàn thiện chính mình, để có thể thành công cả ở trong nước và tạo nên dấu ấn trên trường quốc tế".
Đại sứ hy vọng các đại biểu với bề dầy cuộc sống và kinh nghiệm, sẽ mang đến diễn đàn những góc nhìn đa dạng, liên quan đến văn hóa doanh nghiệp, qua đó giúp các doanh nhân, đối tác Việt Nam, Pháp và quốc tế phát huy tốt hơn vai trò của mình trong hợp tác và kinh doanh.
Tuy không đến dự, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng bày tỏ sự quan tâm của mình tới sự kiện lớn của các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài. Trong thư gửi tới Diễn đàn, Bộ trưởng tin rằng sự kiện sẽ đạt được những kết quả thiết thực, góp phần làm cầu nối gắn kết các doanh nghiệp Việt Nam, Pháp và châu Âu. Bộ trưởng hy vọng trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và nước ngoài sẽ ngày càng được củng cố, phát huy và phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho quốc gia, dân tộc.
Với hai phiên chuyên đề: “Văn hóa kinh doanh và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp” và “Giao thoa văn hóa kinh doanh: Biến thách thức thành cơ hội”, Diễn đàn là dịp để các chuyên gia, doanh nghiệp đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, với những kinh nghiệm phong phú và sâu rộng, chia sẻ cách tiếp cận, góc nhìn sâu sắc về môi trường văn hóa kinh doanh tại Pháp và châu Âu; quy chuẩn pháp lý, an toàn và trách nhiệm xã hội; thành công cũng như thất bại trong quản lý, xây dựng doanh nghiệp qua góc nhìn văn hóa kinh doanh; sự thích ứng của các doanh nghiệp Việt Nam với môi trường văn hóa kinh doanh tại Pháp, châu Âu, và ngược lại.
Với doanh nghiệp Việt Nam, diễn dàn là dịp để tiếp thụ những thông tin quý báu giúp thích ứng, đổi mới, kết nối đối tác và phát triển trong môi trường kinh doanh đa văn hóa, nhiều thách thức, nhưng cũng đầy cơ hội. Chương trình cũng góp phần thúc đẩy việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, xã hội gắn với phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế, góp phần tăng cường sức mạnh mềm văn hóa qua văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tại Pháp và Châu Âu.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, Tiến sĩ Phan Bích Thiện, Chủ tịch diễn đàn phụ nữ Việt Nam tại châu Âu, đại diện giới chủ doanh nghiệp Việt tại Hungari, cho rằng trong thế giới đa văn hóa hiện nay, để lập nghiệp ở nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu văn hóa, quy định và luật pháp nước bạn, nhưng cũng nên đưa văn hóa Việt Nam vào doanh nghiệp của mình để tạo dựng nét riêng theo tinh thần hội nhập nhưng không hòa tan. Bên cạnh đó các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài cần có sự kết nối với nhau để tạo nên sức mạnh, chia sẻ hỗ trợ để cùng nhau phát triển và hài hòa kết nối hai nền văn hóa để tạo nên bản sắc và thương hiệu Việt Nam trong giới doanh nghiệp nước ngoài để có thể phát triển bền vững và thành công.
Về phần mình, ông Nguyễn Việt Đức - Giám đốc vận hành FPT tại Pháp, cho biết để tạo nên sự hòa nhập văn hóa doanh nghiệp, văn phòng FPT Paris luôn chú trọng việc truyền tải tinh thần đoàn kết, tính đồng đội, sự nhiệt huyết và trẻ trung, vốn là nét văn hóa truyền thống của FPT. "Trong sự giao thoa văn hóa giữa Pháp và Việt Nam, chúng tôi thường tìm điểm chung để phát huy và tôn trọng sự khác biệt. Ví dụ như người Pháp luôn làm việc có tính hệ thống, có kế hoạch, còn người Việt Nam lại rất linh hoạt, uyển chuyển trong mọi tình huống. Chúng tôi luôn phát huy thế mạnh của mỗi bên để đạt được hiệu quả tốt nhất trong công việc", ông Đức chia sẻ.
Ông Jean-Noël Poirier - nguyên Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn đầu tư và phát triển tại Việt Nam và Singapore, nhận thấy khoảng cách giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Pháp đã thu lại rất nhiều. Đặc biệt trong khối tư nhân, so với 10-20 năm trước, họ đã hiểu nhau hơn. Tuy nhiên hai bên vẫn cần tìm hiểu kỹ hơn về môi trường kinh doanh, pháp lý, chính trị, văn hóa, xã hội và cả thủ tục hành chính mỗi nước, vốn có nhiều điểm khác nhau dẫn đến những khó khăn trong quá trình hợp tác kinh doanh. "Một khi các doanh nghiệp hiểu được môi trường hợp tác của họ hơn, thì mọi việc sẽ tiến triển tốt hơn", ông khẳng định.
Ông Stéphane Torrez - Nguyên chủ tịch tập đoàn Sopemea, chủ tịch APAVE Inspection International, cũng cho rằng để doanh nghiệp có thể thành công bên cạnh việc duy trì nét văn hóa kinh doanh của mình, cũng cần lắng nghe và thấu hiểu văn hóa của đối tác, cố gắp xây dựng cầu nối giữa các bên. Ông chỉ rõ: "Để thành công, bên cạnh việc tìm hiểu năng lực tài chính, kỹ thuật và tri thức của đối tác, cần tìm hiểu và tôn trọng đạo đức và văn hóa doanh nghiệp của các bên".
Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đặc biệt đề cao vai trò của đạo đức vì theo ông văn hóa là tinh hoa của đạo đức. Do đó, lo cho văn hóa doanh nghiệp chính là lo đạo đức doanh nghiệp và khi điều này được giải quyết thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững. "Giá trị của văn hóa trong đời sống hàng ngày dựa trên 3 nền tảng: văn hóa gia đình là nền tảng của xã hội, văn hóa công sở và đạo đức công vụ là nền tảng chính trị quốc gia và văn hóa doanh nghiệp là nền tảng kinh tế. Nếu chúng ta lo được cả ba trụ cột này thì đất nước chúng ta sẽ phát triển nhanh và bền vững", ông khẳng định.
Trong khuôn khổ “Ngày văn hoá doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài lần thứ I - Paris 2024”, công ty Cổ phần NPD Việt Nam và Công ty ACEM (Pháp) đã ký kết biên bản ghi nhớ để cùng phát triển xuất khẩu mặt hàng gia vị, trà thực dưỡng phù hợp với trào lưu thực phẩm xanh giảm khí thải carbon vừa được Pháp khởi xướng.
NPD Việt Nam đã có mặt 15 năm trên thị trường thực phẩm Xanh và gia vị Xanh, với mục tiêu phát triển và sản xuất sản phẩm thực phẩm chất lượng cao, được chế biến từ nguyên liệu tự nhiên và hữu cơ. Các sản phẩm thực dưỡng lần đầu tiên được trưng bày tại Diễn đàn của NPD Việt Nam đáp ứng các tiêu chí mặt hàng xuất khẩu mới, phù hợp với thị hiếu thị trường, có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng tới xuất khẩu bền vững. Thông qua sự kết nối của Thương vụ Việt Nam tại Pháp, công tyNPD Việt Nam đã có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ đến Pháp, làm bàn đạp để phát triển ra các quốc gia trong khu vực châu Âu
Đánh giá cao thành công của sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Pháp, ông Hồ Anh Tuấn - Trưởng Ban tổ chức triển khai Cuộc vận động "Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam", Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết "Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài" sẽ được tổ chức thường niên và luân phiên tại các địa bàn khác nhau để đưa văn hóa kinh doanh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, đồng thời tiếp thu tinh hoa của các đối tác nước ngoài để hai bên cùng nhau phát triển.