Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Israel, bà Arnon khẳng định: “Tất cả các sinh viên đều an toàn. Trung tâm AICAT quan tâm tới mọi sinh viên đang theo học, trong đó có sinh viên Việt Nam. Vùng Arava hiện rất an toàn, nằm cách xa khu vực xung đột. Các sinh viên vẫn vui vẻ và đã trở lại lớp học 1 tuần/buổi và thực tập tại các trang trại vào mỗi buổi sáng”.
Trung tâm Đào tạo Nông nghiệp Quốc tế vùng Arava (AICAT) hiện có 80 tu nghiệp sinh Việt Nam đang theo học, bên cạnh các tu nghiệp sinh đến từ nhiều nước châu Á, châu Phi. Có mặt tại lớp học, Đào Khánh Linh, trưởng nhóm tu nghiệp sinh Việt Nam đang học tập và làm việc tại đây, cho biết các tu nghiệp sinh Việt Nam được chia làm 2 lớp, hôm nay là buổi học lý thuyết tập trung tại trung tâm. Còn tại nơi cư trú, các tu nghiệp sinh chia ra thành nhiều nhóm, mỗi nhóm khoảng 10 - 20 người ở các moshav (các khu dân cư theo mô hình hợp tác xã).
Khánh Linh nói: “Ở moshav chỗ em, những ngày đầu xảy ra chiến sự, chính quyền bố trí nhân viên an ninh chốt chặn ngoài cổng, kiểm tra những người ra vào hàng ngày, nên chúng em rất yên tâm. Chúng em cũng theo dõi thường xuyên thông tin từ chính quyền sở tại, Đại sứ quán đồng thời chia sẻ thông tin và giúp đỡ lẫn nhau để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh”.
Ngoài cộng đồng người Việt khoảng 500 người, hiện tại đang có khoảng 180 sinh viên Việt Nam sang học tập theo chương trình tu nghiệp sinh nông nghiệp, ít hơn rất nhiều so với các năm trước. Có 4 trung tâm đào tạo quốc tế về nông nghiệp lớn thường xuyên hợp tác tiếp nhận sinh viên Việt Nam là Agrostudies ở miền Bắc, Sderod Negev ở miền Trung Nam, Ramat Negev và AICAT ở miền Nam. Tuy nhiên, năm nay trung tâm Sderot Negev (nằm ngay sát Dải Gaza) không có sinh viên Việt Nam theo học.
Cuộc xung đột giữa phong trào Hamas và Israel tại Dải Gaza đang làm đảo lộn cuộc sống và sinh hoạt của người dân ở khu vực lân cận. Tuy nhiên, tại khu vực Arava, các tu nghiệp sinh Việt Nam đang sinh sống, tình hình an ninh an toàn tốt hơn các vùng khác. Các tu nghiệp sinh cho biết chưa từng nghe thấy còi báo động ở hiện trường cũng như chưa từng chứng kiến rocket rơi xuống tại khu vực này. Thời gian qua, sinh hoạt có bị ảnh hưởng đôi chút, nhưng nhìn chung không gặp khó khăn gì.
Cùng với 10 tu nghiệp sinh Việt Nam đang sống ở moshav Hazeva, cách Dải Gaza khoảng 100 km, Nguyễn Tâm cho biết các bạn luôn giúp đỡ nhau trong sinh hoạt và học tập. Thời gian này, mỗi lần đi siêu thị các em mua nhiều đồ ăn hơn để hạn chế thời gian ra đường. Sự hỗ trợ của các giáo viên trung tâm cũng giúp các em bình tĩnh và yên tâm hơn khi phải xa gia đình và sống trong hoàn cảnh xung đột.
Cũng như các địa phương khác, tại các thành phố và thị trấn gần ở miền Nam Israel, các tòa nhà và nơi công cộng như trạm chờ xe buýt đều có các công trình và địa điểm trú rocket. Trong khu dân cư và trang trại, các gia đình cũng có những căn phòng được xây dựng kiên cố để tránh các mảnh văng của đạn pháo. Các tu nghiệp sinh Việt Nam tại vùng Arava đều được phổ biến những kiến thức cơ bản để nắm bắt thông tin và các kỹ năng an ninh an toàn trong trường hợp xảy ra có báo động.
Nguyễn Thị Thức, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Ben Gurion Sa mạc Negev, cũng cho biết khu vực này hiện cũng rất an toàn. Chị Nguyễn Thị Thức nói thêm: “Chúng tôi đang theo dõi sát sao các nguồn tin từ báo chí, mạng xã hội và các thông tin hướng dẫn, cập nhật từ Đại sứ quán Việt Nam để đảm bảo an toàn cho bản thân”.
Trong cơn “bão lửa’ của cuộc xung đột vũ trang Israel - Hamas, cộng đồng tu nghiệp sinh Việt Nam càng đề cao tinh thần đoàn kết vượt khó, hỗ trợ nhau để tiếp tục duy trì công việc và học tập. Bên cạnh đó, sự trao đổi hướng dẫn liên tục từ các giáo viên của nhà trường, cũng như từ Đại sứ quán Việt Nam về các thông tin và biện pháp đảm bảo an ninh an toàn, đã giúp các tu nghiệp sinh vững tâm hơn để tiếp tục hoàn thành khóa học tập và hướng nghiệp tại Israel.