Tản mạn về một thợ đồng hồ người Việt tại Thụy Sĩ

Một ngày cuối năm Ất Mùi, khi vừa mới đặt chân đến Geneva tôi tình cờ gặp được một người Việt xa xứ qua giới thiệu của một người bạn. Ngay lập tức, câu chuyện về cuộc đời ông đã thu hút sự chú ý của tôi. Tôi xin được đến nhà gặp ông để được ghi lại câu chuyện của một người Việt - như mọi người con của đất nước, dù đã xa Tổ quốc gần 50 năm nhưng tấm lòng vẫn đau đáu về nơi chôn rau cắt rốn.

Trong cái rét của Geneva, chúng tôi ngồi bên ấm trà mạn chuyển từ Việt Nam sang và được hâm nóng bằng một ngọn nến, đặt bên trong một khối thủy tinh màu trắng đục hình trái tim. Giọng ông chậm rãi, nhẹ nhàng về dòng chảy cuộc đời, về những điều đã xô đẩy ông tới nơi đất khách này và về ngành công nghiệp đồng hồ - thứ mà ông hiểu rõ nhất bởi đã có hơn 40 năm làm việc trong lĩnh vực này. Và đặc biệt là những kỷ niệm trong cuộc đời làm nghề, trong đó từng may mắn được sửa chiếc đồng hồ do Bác Hồ đặt làm tại Thụy Sĩ.

Ông Phúc và người bạn Thụy Sĩ tại một buổi triển lãm đồng hồ.

Tiết trời đầu năm khá rét, không khí Giáng sinh và năm mới vẫn còn vương vấn trên đường phố. Đôi lúc có những cơn gió bất chợt ập tới làm những bông tuyết rơi lả tả từ những cành cây tiêu huyền khẳng khiu. Ông sống trong một căn hộ khiêm tốn cuối một con dốc nhỏ yên ả ở khu Phố Cổ, trung tâm Geneva. Tôi bước vào tòa nhà và lưu ý tới những cánh cửa sắt nặng trịch và những bức tường bê tông dầy tới hai gang tay. Đó là các hầm trú ẩn tránh bom hạt nhân, được xây dựng nằm bên dưới các nhà chung cư. Đây là thiết kế bắt buộc của hầu như tất cả các tòa nhà chung cư của Geneva nói riêng và cả Thụy Sĩ nói chung. Mặc dù là một quốc gia rất yên bình, nhưng hàng năm Thụy Sĩ đều tổ chức diễn tập giả định chống bom hạt nhân. Được biết, Thụy Sĩ là quốc gia duy nhất trên thế giới được trang bị năng lực chống chiến tranh hạt nhân toàn dân.

Trở lại với câu chuyện của ông Perrin Văn Phúc - chuyên gia về đồng hồ, một thợ lành nghề người Việt hiếm hoi được đào tạo và trải nghiệm hơn 40 năm trong ngành công nghiệp mũi nhọn này của Thụy Sĩ. Ông sang quốc gia Trung Âu này từ năm 16 tuổi, theo một chương trình nhân đạo của tổ chức “Terre des hommes” - một tổ chức phi chính phủ lớn nhất của Thụy Sĩ hoạt động trong lĩnh vực trợ giúp cho trẻ em trên khắp thế giới. Ông bị mắc bệnh tim bẩm sinh và may mắn được là một trong số những trẻ em ở Sài Gòn được chọn và đưa sang Thụy Sĩ chữa bệnh khi năm 1967. Sau khi chữa bệnh xong ông xin ở lại để học cấp ba. Lý do rất đơn giản chỉ là để không muốn bị đứt quãng chương trình học cấp ba và hơn hết là trải nghiệm một cuộc sống mới. Ông là đứa trẻ duy nhất trong đoàn và là trường hợp người Việt đầu tiên đề nghị được ở lại Thụy Sĩ học tập sau một chương trình nhân đạo. Ông được một gia đình người Thụy Sĩ nhận nuôi và đó là lý do ông mang họ Perrin. Ông kể rằng chương trình học tại Thụy Sĩ khiến ông có cảm hứng học hỏi, khơi dậy trong ông sự tò mò về tìm hiểu cái mới. Và theo ông đây cũng chính là đức tính mà một người thợ đồng hồ lành nghề cần phải có để có thể tồn tại và phát triển ở Thụy Sĩ.

Ghi chép của luật sư Phan Anh gửi ông Phúc và thông số kỹ thuật của đồng hồ mà Bác Hồ tặng ông.

Lúc đầu, những người thầy Thụy Sĩ tưởng ông là người Nhật sang để ăn cắp công nghệ sản xuất đồng hồ. Cần hiểu rằng vào những năm 1970, ngành công nghiệp đồng hồ của Thụy Sĩ bị lâm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do sự cạnh tranh của đồng hồ điện tử của Nhật. Các hãng đồng hồ của Nhật Bản đã làm cuộc cách mạng trên thị trường vốn vẫn do người Thụy Sĩ thống trị bằng những chiếc đồng hồ thạch anh giá rẻ, chạy pin, với mẫu mã đa dạng và vô cùng chính xác. Để tồn tại và thích ứng với môi trường cạnh tranh mới, các hãng đồng hồ Thụy Sĩ đã buộc phải thay đổi và bắt đầu sản xuất đồng hồ điện tử. Do vậy, tới nay, tất cả các hãng đồng hồ của nước này đều đã có song song mặt hàng đồng hồ cơ truyền thống và đồng hồ điện tử, trừ Blancpain - thương hiệu đồng hồ lâu đời nhất thế giới, ra đời từ năm 1735, tại làng Villeret trên vùng núi Jura.

Tuy nhiên, bằng sự cần mẫn, lòng quyết tâm và sự chân thành, ông Phúc đã vượt qua những khó khăn ban đầu để có được lòng tin của những người bạn Thụy Sĩ. Ông cho biết bản thân rất ấn tượng với sự cởi mở của người Thụy Sĩ, họ không giấu nghề và chỉ bảo tận tình với sự khắt khe và đòi hòi sự hoàn hảo trong từng chi tiết. Trong suốt câu chuyện, ông nhắc đi nhắc lại về sự tín nhiệm của người Thụy Sĩ nói chung và người làm đồng hồ nói riêng. Ông khẳng định danh tiếng của đồng hồ Thụy Sĩ có được chính là nhờ yếu tố này. Sự tín nhiệm và tin tưởng của khách hàng ở các hãng đồng hồ và người chế tạo, sửa chữa cũng chính là điều mà ông muốn mang về Việt Nam khi mở lớp truyền nghề đồng hồ cho những thợ trẻ người Việt trong tương lai.

Sau khi học xong phổ thông, ông xin được học nghề chế tạo và sửa chữa đồng hồ tại Jura - cái nôi của ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ. Nói là học nghề nhưng chương trình đào tạo tại đây cũng rất nặng với thời gian học là 4 năm và yêu cầu sau khi tốt nghiệp, học viên phải tự lắp ráp được một chiếc đồng hồ hoàn chỉnh, hoàn toàn thủ công. Tới năm 1984, ông xuống Geneva, lúc này đã trở thành một trung tâm sản xuất vào giao dịch đồng hồ. Với ưu thế là một thành phố quốc tế, Geneva quy tụ tất cả các hãng đồng hồ danh tiếng nhất của Thụy Sĩ như: Patek Philippe, Rolex, Omega, Longines...

Tại đây, ông đã có một kỷ niệm rất đặc biệt với luật sư Phan Anh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quý mến. Ông là một trong những người được Bác Hồ tặng chiếc đồng hồ đeo tay đặc biệt mà Người đặt làm bên Thụy Sĩ. Trước đó, để chuẩn bị một món quà kỷ niệm cho những người có cùng chí hướng từ những ngày đầu của kháng chiến, Bác đã đặt hãng Modavo chế tạo một số ít đồng hồ theo thiết kế riêng, các con số và kim được làm bằng vàng. Đặc biệt, có khắc chân dung Bác trên mặt đồng hồ, ở vị trí 12 giờ (được biết chiếc đồng hồ này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh).

Luật sư Phan Anh vốn là một tri thức Hà Nội. Năm 1947, ông và gia đình theo Bác lên chiến khu tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông từng tâm sự: “Theo Bác Hồ, tôi cùng gia đình rời Hà Nội lên chiến khu. Hai chữ chiến khu đối với người trí thức lúc đó chứa biết bao bí ẩn, lo âu. Việc lên chiến khu là cả một sự thử thách lớn, không kém gì cuộc trường chinh”. Ngoài chức Bộ trưởng Quốc phòng, trong chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, ông Phan Anh còn đảm nhiệm các chức vụ Bộ trưởng các Bộ Kinh tế, Thương nghiệp, Ngoại thương và Phó Chủ tịch Quốc hội.

Ông và gia đình luôn nhận được tình cảm yêu quý, sự quan tâm của Bác Hồ, nhất là trong những năm ở chiến khu. Do vậy, ông luôn giữ và trân trọng quà tặng đặc biệt trên của Bác như một kỷ vật thiêng liêng. Trong một lần đi công tác qua Thụy Sĩ năm 1984, ông Phan Anh đã dừng chân tại Geneva và nhờ tìm một người thợ lành nghề để thay thế một số thiết bị chính hãng Movado của chiếc đồng hồ trên. Lúc này, ông Phúc - người Việt hiếm hoi được đào tạo bài bản về lắp ráp và sửa chữa đồng hồ được gọi đến. Đến tháng 4/1984, chỉ sau hai tuần ông đã tìm kiếm và thay thế các thiết bị của đồng hồ mà những người thợ ở Hà Nội trước đó một tháng đã không thể sửa được.

Luật sư Phan Anh không phải là nhà lãnh đạo duy nhất của Việt Nam nhờ ông Phúc sửa chữa đồng hồ. Tới năm 2002, ông Phúc cũng sửa chữa một chiếc đồng hộ hiệu Longines cho một lãnh đạo cao cấp của Việt Nam. Ngoài ra, hàng năm ông vẫn nhận được những đơn hàng nhờ sửa những chiếc đồng hồ trị giá hàng chục nghìn đôla từ Việt Nam gửi sang do biết tiếng tăm của ông.

Ông cho biết sẽ trở về Việt Nam để truyền nghề cho những người thợ trẻ, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho bà con ở quê hương và ước mong mang chữ tín của đồng hồ Thụy Sĩ tới Việt Nam.

Vẫn trong nhịp kể chậm rãi và thi thoảng bị ngắt quãng bởi những tiếng ho của ông, câu chuyện về đồng hồ và người Việt tại Thụy Sĩ với những hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán còn tiếp tục kéo dài tới chiều tối. Đã xa Việt Nam từ khi còn nhỏ, không được học đủ “sự phong ba” của ngữ pháp tiếng Việt nên đôi khi ông phải chêm vào vài câu tiếng Pháp. Nhưng ông chốt lại câu chuyện bằng một câu khiến tôi không khỏi suy nghĩ, rằng trên một bàn cờ, nếu không chấp nhận có những lúc mình thua, sẽ không thể tiến lên được. Và rằng người Việt ở xa xứ, nếu không đoàn kết sẽ không thể đóng góp gì cho đất nước...

Duy Thái (Phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ)
Người Việt đón Giao thừa tại Chùa Phổ Đà, Berlin
Người Việt đón Giao thừa tại Chùa Phổ Đà, Berlin

Hoà chung thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ và đón chào năm mới, chiều tối 7/2, hàng trăm bà con Phật tử, trong đó có nhiều bạn bè quốc tế, đã tới ngôi Chùa Phổ Đà ở Berlin để đón chào Xuân Di Lặc - Bính Thân 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN