Bộ môn tiếng Việt, thuộc khoa châu Á và Bắc Phi học của trường ĐH Ca’ Foscari, được thành lập năm 2019, tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng lại có chương trình học tiếng Việt hoàn thiện nhất tại Italy. Các trường Đại học khác tại nước này có thể có lớp tiếng Việt, nhưng trường Ca’ Foscari là nơi duy nhất cung cấp cho các em sinh viên những kiến thức cả về lịch sử, văn học, kinh tế, địa chính trị, nghệ thuật và mọi khía cạnh của văn hóa Việt Nam.
Ý tưởng về một chương trình giảng dạy tiếng Việt nói riêng và Việt Nam học nói chung bắt nguồn từ tầm nhìn xa và ý tưởng lớn của Giáo sư Marco Ceresa, Trưởng khoa châu Á và Bắc phi học, trường Ca’Foscari.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Giáo sư Ceresa, người rất yêu thích Đông Nam Á, thường xuyên lui tới và luôn cảm giác như được về nhà, cho biết “lý do trường quyết định mở lớp dạy và học tiếng Việt là về hàn lâm và khoa học thì Việt Nam cũng như Đông Nam Á đóng vai trò rất quan trọng về văn hóa và kinh tế. Trước khi mở bộ môn tiếng Việt, trường đại học Ca’Foscari đã giảng dạy 14 ngôn ngữ nước ngoài, nhưng chưa có các ngôn ngữ Đông Nam Á”.
Còn Phó giáo sư Richard Quang Anh Tran, người được giao phụ trách việc phát triển bộ môn tiếng Việt, thì tin rằng thành phố Venice là cửa ngõ giao lưu của các nền văn minh và có nhiều tiềm năng để phát triển chương trình nghiên cứu Việt Nam học.
Về tương lai của bộ môn tiếng Việt, Giáo sư Ceresa đánh giá “cho đến nay phản hồi của sinh viên là rất tốt, số sinh viên quan tâm và đăng ký học tiếng Việt khá ổn định. Ngoài chương trình cử nhân học trong 3 năm, trong tương lai rất gần (1-2 năm tới), khoa sẽ mở thêm chương trình thạc sĩ tiếng Việt. Và để đáp ứng nhu cầu của sinh viên, trường Ca’Foscari cũng dự định mở chương trình văn bằng cử nhân kép với các trường Đại học tại Việt Nam để cho phép việc trao đổi sinh viên giữa Italy và Việt Nam cho những em sinh viên muốn có hai bằng đại học”.
Trong khi đó, thầy Richard bày tỏ tin tưởng rằng “sẽ ngày càng có nhiều em sinh viên Italy theo học tiếng Việt và có tầm nhìn mở mang về nền văn hoá rất phong phú của Việt Nam, thông qua việc mở rộng hơn nữa sự hợp tác với các trường đại học tại Việt Nam. Bộ môn cũng tổ chức các hoạt động gặp gỡ giao lưu văn hoá để kết nối sinh viên Italy với các sinh viên Việt Nam đang du học tại ĐH Ca’Foscari. Hơn nữa, nhờ sự hỗ trợ của quỹ Erasmus của Liên minh châu Âu (EU), bộ môn tiếng Việt đã mời được 2 giảng viên từ Hà Nội sang để giảng dạy cho các em sinh viên Italy, đồng thời cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tại trường Đại học Ca’ Foscari”.
Ra đời ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tạo ra vô vàn những khó khăn và gián đoạn, nhưng với những nỗ lực, lòng yêu nghề của các giảng viên và sự say mê học tập của các em sinh viên, bộ môn tiếng Việt sắp thu hoạch được lứa “trái ngọt” đầu tiên.
Theo cô Lê Thị Bích Hường, giảng viên môn thực hành tiếng Việt của trường ĐH Ca’Foscari, Việt Nam và tiếng Việt chưa được biết nhiều tại Italy. Việc học tiếng Việt có thể giúp các em sinh viên Italy hiểu biết hơn về Việt Nam. Điều khó khăn nhất đối với các em sinh viên là tiếng Việt có nhiều thanh điệu. Để giúp các em vượt qua thử thách này, cô Hường đã tìm ra phương pháp sử dụng âm nhạc và các nhạc cụ dân tộc Việt Nam để giúp các em có thể hiểu các thanh điệu một cách dễ dàng hơn. Theo cô Hường, các em sinh viên Italy rất ham học tập và nghiên cứu, đọc rất nhiều sách. Có thể việc phát âm của các em chưa được chuẩn do thời gian học vẫn còn ít, nhưng các em đã hiểu biết về tiếng Việt và văn hóa Việt thông qua những nghiên cứu khá sâu rộng về Quan họ Bắc Ninh, Chèo, Cải lương, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Nguyễn Bính.
Và tình yêu tiếng Việt, cũng như tình yêu văn hóa Việt Nam của các em sinh viên được bồi đắp qua những giờ học tại lớp, cũng như trong những hoạt động ngoại khóa như tập hát, múa các làn điệu dân ca, trích đoạn Cải lương, Chèo cổ.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, em Anna Scuccimarra, sinh viên năm thứ nhất, nói: “Tôi quyết định học tiếng Việt vì đã có dịp sống ở Đông Nam Á một thời gian và yêu thích nền văn hóa của khu vực này. Tôi học tiếng Việt vì đó là một ngôn ngữ mà tôi chưa biết. Và khi tôi bắt đầu học ngôn ngữ này, thực tế mới được 6 tháng, tôi thấy rất thích. Tôi rất hài lòng với sự chọn lựa học ở trường này vì các thầy cô giáo và nhà trường nói chung đều rất tận tình, cởi mở và chu đáo. Bạn bè ở đây cũng thân thiện. Tôi mong sẽ có nhiều người học tiếng Việt hơn nữa bởi vì tiếng Việt là một ngôn ngữ rất thú vị, hấp dẫn mặc dù khá khó so với tiếng Italy”.
Còn em Vicenzo Angelicchio thì cho biết: “Tôi chọn học tiếng Việt vì đó là một ngôn ngữ chưa được nhiều người biết đến, có nhiều tiềm năng và triển vọng nghề nghiệp trong tương lai. Hơn nữa đây là một ngôn ngữ thuộc một nền văn hóa khá khác biệt với văn hóa của chúng tôi mà tôi muốn học được bằng mọi cách vì nó rất hấp dẫn. Tất cả điều đó cho phép tôi tiếp cận với nền văn hóa mới, ngôn ngữ mới, học cách giao tiếp với rất nhiều người”.
Và như những lời tâm huyết của cô Hường, nền tảng cơ bản mà các em sinh viên có được trong suốt 3 năm học tập tại trường sẽ giúp các em có thể tiếp tục nghiên cứu và học hỏi tiếng Việt ngay cả sau khi các em ra trường. Những buổi học ngoại khóa, cũng như những cuộc gặp gỡ trao đổi với các nghệ sĩ Việt Nam và cơ hội các em được lên sân khấu giới thiệu về văn hóa Việt Nam sẽ là những dấu ấn tốt đẹp của các em về đất nước và con người Việt Nam. Kiến thức tiếng Việt sẽ giúp các em trở thành những sứ giả đưa Việt Nam và Italy xích lại gần nhau và làm cho mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển.