Cuộc thi được tổ chức với mục đích đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài một cách thiết thực, hiệu quả nhằm giữ gìn, củng cố và phát triển ngôn ngữ, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; khơi dậy và phát huy tinh thần hướng về quê hương, đất nước; góp phần quảng bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Các sản phẩm dự thi là sách, tài liệu, bản thảo hoàn thiện dưới dạng viết hoặc phần mềm điện tử được viết cho từng bậc năng lực tiếng Việt phù hợp với mục tiêu trong Chương trình tiếng Việt 6 bậc do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Cuộc thi được phát động từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2021. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được 28 bộ sản phẩm dự thi hợp lệ của 7 tác giả/đơn vị/nhóm tác giả dự thi với tổng số 62 tài liệu/quyển sách (6 sản phẩm bậc 1, 6 sản phẩm bậc 2, 5 sản phẩm bậc 3, 4 sản phẩm bậc 4, 4 sản phẩm bậc 5 và 3 sản phẩm bậc 6). Ở trong nước có nhóm tác giả của 1 học viện, 3 trung tâm dạy học tiếng Việt và 1 nhóm tác giả độc lập. Ở nước ngoài có 1 tác giả ở Ukraina; 1 nhóm tác giả của 1 trường dạy tiếng Việt ở Ba Lan.
Sản phẩm dự thi được biên soạn và thiết kế đa dạng, bám sát mục tiêu theo Chương trình tiếng Việt 6 bậc. Ngoài các học liệu đi kèm cơ bản, nhiều sản phẩm dự thi có kèm theo các sản phẩm công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động dạy học như video clip, audio, các ứng dụng điện thoại, trang web hỗ trợ trực tuyến… phong phú, thân thiện, dễ sử dụng. Một số sản phẩm được thiết kế song ngữ với nhiều ngôn ngữ khác nhau như Việt - Hàn, Việt - Anh, Việt - Trung, Việt - Nhật.
Ban tổ chức đã thành lập Hội đồng chấm thi gồm các nhà khoa học, nhà sư phạm có kinh nghiệm và uy tín trong ngành; ban hành Bộ tiêu chí và văn bản hướng dẫn tổ chức chấm thi; mã hóa bài thi và tiến hành chấm thi theo 3 vòng: Sơ khảo, Chung khảo và Chung kết.
Hội đồng chấm thi đã lựa chọn những bộ tài liệu dạy và học tiếng Việt có chất lượng để trao giải. Trong đó có 1 giải Nhì, 2 giải Ba. Giải Nhì thuộc về bộ tài liệu "Tiếng Việt của em", nhóm tác giả Phạm Thị Hương Quỳnh, Nguyễn Thế Dương, Trần Hương Thục. Hai giải Ba thuộc về: Bộ tài liệu "Yêu tiếng Việt" của Trung tâm ngôn ngữ Vietlearning và bộ tài liệu "Xin chào Việt Nam" của Công ty cổ phần đào tạo Hanaspeak.
Ngoài các giải chính thức, Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng Bằng khen cho 1 Bộ tài liệu dạy học tiếng Việt đa ngữ và 1 bộ tài liệu dạy học tiếng Việt cho trẻ em người Việt Nam ở nước ngoài.
Các tác phẩm đoạt giải sẽ được số hóa và giới thiệu rộng rãi để phục vụ miễn phí hoạt động dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định, cuộc thi đã cơ bản thành công và góp phần lan tỏa tình yêu tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, tạo tiền đề cho các cuộc thi diễn ra những năm tiếp theo.
Sau cuộc thi này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo kinh phí để triển khai có hiệu quả Đề án “Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài” và Đề án “Nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài”.
Hằng năm, Bộ sẽ tổ chức các hoạt động nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài một cách thiết thực, hiệu quả; đồng thời huy động sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vào việc biên soạn, tài trợ biên soạn tài liệu dạy - học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ cũng sẽ hoàn thành việc xây dựng Cổng thông tin dạy và học tiếng Việt trực tuyến trong năm 2022 theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao; tăng cường số hóa các tài liệu, học liệu dạy học tiếng Việt có chất lượng tốt nhất để đưa lên Cổng thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài được tiếp cận với chương trình dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến.