Nhà hàng Hà Nội tại thủ phủ Abakan của CH Khacassia thuộc LB Nga. |
Nổi bật tại khu chợ là quán ăn Hà Nội của anh Chu Sĩ Hùng, người Nghệ An sang Liên Xô hợp tác lao động năm 1988. Quán ăn do chính anh thiết kế theo phong cách "tre" Việt Nam. Nhờ các món ăn mang đậm bản sắc Việt cùng giá bán hợp lý, quán ăn của anh Hùng thu hút khá đông thực khách, đặc biệt là người bản địa vào ngày nghỉ trong bối cảnh thị trường Nga đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo anh Hùng, dù doanh thu giảm mạnh song các quán ăn của anh vẫn duy trì được việc làm và thu nhập cho những người cùng quê anh làm giấy tờ hợp pháp cho sang Nga làm tại quán.
Anh Hùng cho biết: "Quán ăn vẫn hoạt động tốt song vài tháng trở lại đây kinh doanh cũng kém đi. Thu nhập ít hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên sau khi trả lương cho nhân công chúng tôi vẫn có thu nhập. Trước đây những người ở chợ bán được hàng, có thu nhập cũng nhiều. Tuy nhiên thời gian gần đây người đi chợ rất ít vào quán. Khách chính là khách thành phố, nhân viên cơ quan ở nơi khác đến ăn".
Quán nhà anh Hùng còn là địa điểm tụ họp trong những ngày lễ, sự kiện của 10 gia đình người Việt ở Abakan. Những quán ăn như thế này đã góp phần gắn kết, thắt chặt sợi dây tình cảm, đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt sinh sống ở đây.
Ông Bùi Văn Hòa, người Nam Định, chủ nhà hàng Hồn Việt ở Moskva. |
Ở thủ đô Moskva, tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Moskva (Incentra) hơn một năm nay người ta nhắc nhiều tới nhà hàng Viet Soul hay Hồn Việt hoành tráng, qui mô sàn tới 2.000 m2, sức chứa 800 thực khách, là nơi tổ chức rất nhiều sự kiện cộng đồng quan trọng của ông chủ Bùi Văn Hòa, người Nam Định.
Nói về tâm huyết khi mở nhà hàng này, ông Hòa chia sẻ: "Khi biết tại Moskva sẽ xây dựng tổ hợp văn hóa thương mại mang tên Hà Nội - Moskva, ý tưởng đầu tư vào Trung tâm thương mại Hà Nội - Moskva mà nhất là lĩnh vực tôi chưa bao giờ làm là lĩnh vực ẩm thực đầu tiên phải nói là vì màu cờ sắc áo, muốn chung lưng đấu cật, góp một phần nhỏ nào đấy cùng anh Nguyễn Cảnh Sơn và công ty đầu tư Incentra có một chỗ cho bà con cộng đồng xum họp, giao lưu với bạn bè quốc tế, đặc biệt là bạn bè Nga, những người rất yêu Việt Nam, yêu các món ăn Việt Nam".
Ông cho biết thêm: Tên nhà hàng là Hồn Việt hay Việt Soul là vì muốn giữ lại các bản sắc văn hóa truyền thống của nền ẩm thực Việt Nam. Dù qua bao nhiêu đời muối mặn gừng cay song mình vẫn giữ lại bản sắc. Đấy là điều cần thiết. Văn hóa ẩm thực cũng là văn hóa mà chúng ta không cần phải xuất khẩu. Chúng ta đưa đến đâu, đi đến đâu đều có thể giới thiệu với bạn bè quốc tế thưởng thức.
Trong năm 2015, nhà hàng Hồn Việt của ông Hòa đã vinh dự được phục vụ rất nhiều sự kiện quan trọng trong quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Nga. Ông Hòa cho biết: "Trong năm 2015, cả một chuỗi sự kiện mà nhà hàng hân hạnh được tổ chức bắt đầu từ tết Nguyên đán 2015 mà Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn khi bắt đầu nhiệm kỳ mới đã tổ chức ở đây với 400 khách quốc tế, tất cả đại diện các sứ quán ASEAN. Tiếp đó là kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nga. Sau đó là ngày 9/5 chiến thắng Phát xít Đức, được vinh dự tiếp đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với đại tiệc ở đây để tiếp đón bạn bè quốc tế; rồi tiếp đến là Đại hội hiệp hội doanh nhân Việt toàn thế giới; và tháng Hội chợ hàng cao cấp Việt Nam tại LB Nga, để lại ấn tượng rất tốt trong bạn bè quốc tế".