Người Việt tại Hong Kong ăn Tết ra sao?

Mai em đi công tác Việt Nam, vậy là Tết này nhà em lại có đủ giò chả, bánh chưng rồi”, Thủy hồ hởi khoe. Cắt khúc giò, bóc chiếc bánh chưng, làm cơm mời khách tưởng như là chuyện thường ngày dịp Tết ở Việt Nam, nhưng với nhiều Việt kiều sinh sống tại Hong Kong, đó có thể là một sự “xa xỉ”. Tết này lại được “xa xỉ” một chút, cho nên, Thủy rất vui.

 

Sang Hong Kong (Trung Quốc) khi tóc còn để chỏm, nhưng Thủy vẫn có ấn tượng sâu sắc về ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam. Đó là bởi Thủy được sống cùng ba mẹ, những người rất trọng truyền thống quê hương. Thủy nhớ khi xưa cứ mỗi dịp cuối tháng Chạp, cả nhà lại rộn rịp chuẩn bị Tết, 28 dọn nhà, 30 đi chợ và sau đó là mùng một thăm thân, mùng hai thăm bạn... Dù khó khăn vất vả đến mấy, ba mẹ cũng cố gắng biện đủ đĩa xôi, con gà, mâm ngũ quả để cúng gia tiên và mua cho Thủy có manh áo mới diện Tết.

 

Bà con Việt kiều ăn Tết cộng đồng do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong và Ma Cao tổ chức.


Hiện nay, Thủy đã có gia đình và ra ở riêng tại khu Causeway Bay. Chồng Thủy là người Hong Kong, cho nên, có nhiều nét tương đồng về phong tục ăn Tết Nguyên đán. Người mẹ một con ấy càng có dịp trổ tài nội trợ “làm mòn thêm mắt” của đức ông chồng. Thủy nói với tôi rằng cả năm bươn trải trên đất Hong Kong, nhưng cứ đến cuối năm âm lịch, Thủy lại cố gắng xin đi công tác Việt Nam, để tranh thủ mua một số đặc sản ngày Tết của quê hương mang về Hong Kong cùng gia đình thưởng thức. Trong đó, cân giò lụa và chiếc bánh chưng xanh là những sản vật không thể thiếu. Ở Hong Kong cũng có người Việt mình làm bánh chưng và giò chả bán cho bà con, nhưng Thủy vẫn muốn phải có cái gì đó hoàn toàn Việt Nam. Thủy rất vui khi thấy chồng tò mò, thích thú thưởng thức phong vị của quê hương vợ và “nghiện” lúc nào không hay.


Không có điều kiện về Việt Nam dịp Tết này, nhưng cũng như nhiều người Việt khác ở Hong Kong, chị Linh, nhà ở Diamond Hill, cũng cố gắng nhờ người thân, bạn bè gửi bánh chưng sang. Và để có một nải chuối vừa đẹp đặt lên ban thờ bày mâm ngũ quả, chị Linh cũng phải đặt mua từ rất sớm. Vì ở Hong Kong, chuối chủ yếu được nhập từ Philippines, khi mang ra bán, các siêu thị, cửa hàng hoa quả thường không để nguyên cả nải mà cắt rời và bán theo trọng lượng. Chị Linh kể gia đình chồng chị rất thích mâm ngũ quả của Việt Nam, không chỉ bởi mâm ngũ quả làm ban thờ thêm sinh động, ấm cúng, mà còn vì ý nghĩa của những loại hoa quả được sử dụng. Dần dần, việc trang trí ban thờ ngày Tết được giao cho cô con dâu Việt Nam chịu trách nhiệm chính.


Tuy nhiên, chị Linh cho biết dù cùng ăn Tết Nguyên đán, nhưng người Hong Kong có một số nét khác với người Việt Nam. Ví dụ, ngày Tết trong gia đình người Việt Nam, nhất là người miền Bắc thường có cành đào, nhưng người Hong Kong không dùng đào để trang trí trong nhà vì nó gắn với ý nghĩa của từ “đào hoa”, ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình. Ở Hong Kong, cây đào ngày Tết thường được đặt ở các trụ sở, đặc biệt là trung tâm mua sắm, với mong muốn “mời gọi” thêm nhiều khách hàng trong năm mới.


Ngoài ra, trong ngày Tết, giống như nhiều người Hong Kong, bà con Việt kiều tại đây cũng cúng gia tiên, lên chùa cầu phúc lộc, may mắn và sức khỏe, nhưng gần như không đốt vàng mã, đặc biệt là với người theo đạo Phật. Tập tục đốt vàng mã được cho là xuất phát từ Trung Quốc, tuy nhiên ở Hong Kong, một Khu Hành chính Đặc biệt thuộc Trung Quốc, ngày càng có nhiều người từ bỏ tập tục này. Trước tiên là bởi khói bay ra từ việc đốt vàng mã khiến những “chiếc hộp bê tông” càng thêm ngột ngạt, tăng rủi ro cháy nổ. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người nhận thức được rằng hóa nhiều tiền vàng để thể hiện sự hiếu đức và kỳ vọng may mắn cho bản thân không những không phải là nhận thức đúng đắn, mà còn gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.


Bài và ảnh:Hà Ngọc(P/v TTXVN tại Hong Kong)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN