Một năm sau thảm họa động đất - sóng thần ở Nhật Bản: Tấm lòng của tình nguyện viên Việt Nam

Chiếc xe buýt đưa 9 tình nguyện viên Việt Nam và 26 người bạn Nhật Bản đến Iwate khởi hành từ ga Tôkyô vào lúc 8 giờ sáng một ngày cuối tháng 2. Tuyết rơi phủ kín hai bên đường. Mặc dù vậy, tuyết không thể che phủ hết những tàn tích của trận động đất kinh hoàng đó. Những ngôi nhà hoang, những đống đổ nát và những xe ô tô hỏng hóc chất đống khắp nơi, từ tỉnh Fukushima tới tỉnh Miyagi cho đến điểm dừng chân cuối cùng là tỉnh Iwate. Dù vậy, khung cảnh hoang tàn đó không khiến các bạn trẻ hai nước chùn bước.

Bạn Lê Yến Lan tham gia chương trình tình nguyện ở tỉnh Iwate.


Trò chuyện với chúng tôi trên đường đi, bạn Trần Anh Tuấn, du học sinh Việt Nam đang học tại trường Đại học Akita thuộc tỉnh Akita, cách thủ đô Tôkyô khoảng 600 km về phía bắc, nói: “Sau trận động đất năm 2011, người Việt Nam tại Nhật Bản, nhất là các du học sinh, gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè Nhật Bản, đặc biệt là người dân sống ở khu vực xung quanh, cuộc sống của chúng em đã trở lại bình thường. Vì vậy, chúng em muốn góp sức nhỏ bé của mình vào việc khôi phục đất nước Nhật Bản”.

Không riêng Tuấn, các bạn trẻ khác đều có chung mong muốn như vậy. Bạn Lê Yến Lan, quê ở Thanh Hóa và hiện là sinh viên năm thứ 3 của Học viện Công nghệ Tôkyô, nói: “Khi xảy ra động đất, em đang bận học và làm việc nên không thể đến đây được. Mùa hè năm 2011, em đã lên vùng Tohoku (đông bắc Nhật Bản) để làm từ thiện trong 20 ngày. Bây giờ trong giai đoạn nghỉ xuân, em muốn đến đây để tiếp tục giúp người dân địa phương tái thiết khu vực này”.
Iwate là một trong ba tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất bởi thảm họa kép năm 2011 với số người thiệt mạng và mất tích cao thứ 2 trong cả nước. Theo thống kê của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, thảm họa 11/3/2011 đã cướp đi sinh mạng của 4.671 người dân tỉnh này, khiến 1.302 người mất tích, 198 người bị thương và hàng chục ngàn người khác mất nhà cửa.

Sau hành trình dài hơn 500 km, các tình nguyện viên đã tới Rikuzen-Takata, một thành phố thuộc tỉnh Iwate nằm ven bờ Thái Bình Dương đã bị san phẳng sau thảm họa.

Dù vẫn còn mệt mỏi sau một chuyến đi dài, vào lúc 7 giờ sáng hôm sau, các tình nguyện viên đã tập trung đầy đủ để lên đường tới các địa điểm được phân công. Bất chấp cái giá lạnh âm 1 độ C, họ vẫn đến từng hộ gia đình để giúp người dân làm các công việc thường nhật như sửa nhà, chặt củi, gieo hạt, trồng cây và lấy nước tưới cây. Các hoạt động của họ đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân nơi đây. Ông Teiichi Sato, chủ tiệm hạt giống ở Rikuzen-Takata, nói: “Đây là lần đầu tiên tôi gặp các bạn trẻ Việt Nam. Qua các cuộc kháng chiến trong lịch sử của Việt Nam, tôi hình dung ra các bạn là những người rất cứng rắn nhưng các bạn trẻ tham gia hoạt động tình nguyện hôm nay lại rất đáng yêu”.

“Chúng tôi được biết đến những phong trào quyên góp ủng hộ người dân Nhật Bản tại Việt Nam và nhiều người Việt Nam, từ người giàu đến người nghèo, đã nhiệt tình tham gia phong trào này”, ông Sato nói. “Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến nhân dân Việt Nam. Chúng tôi không bao giờ quên được tấm lòng nhân ái của các bạn. Nhật Bản nổi tiếng với tinh thần võ sĩ đạo nhưng Việt Nam của các bạn cũng rất dũng cảm”.

Chương trình tình nguyện hỗ trợ tái thiết vùng Tohoku lần này là một hoạt động do 4 tổ chức tình nguyện của Nhật Bản, gồm SET, ToVR, Friendship Takata và Aid Takata, phối hợp tổ chức. Chị Asako Nakanishi, trưởng nhóm tình nguyện viên, cho biết: “Chúng tôi đã liên tục tổ chức các chương trình tình nguyện từ tháng 4/2011 với suy nghĩ rằng chúng ta phải giúp đỡ đồng loại trong những lúc khó khăn. Trong thời gian qua, thông qua các hoạt động tình nguyện, chúng tôi đã có cơ hội giúp đỡ và giao lưu với người dân tại những vùng chịu thiệt hại”.

Theo chị Nakanishi, các bạn trẻ Việt Nam đã tham gia rất nhiệt tình các hoạt động tình nguyện hỗ trợ tái thiết vùng Tohoku. Tháng 9/2011, chị đã dẫn một đoàn tình nguyện có sinh viên Việt Nam đến khu vực này. “Nhiều bạn không thể tham gia chương trình đó đã hỏi chúng tôi rằng liệu họ có thể tham gia các hoạt động tình nguyện tiếp theo để giúp đỡ và đem niềm vui đến cho người dân vùng thảm họa hay không. Do vậy, nhân dịp kỳ nghỉ xuân năm nay, chúng tôi lại tổ chức chuyến đi có sự tham gia của các bạn Việt Nam”.

Chị Nakanishi nói: “Thông qua hoạt động này, ngoài việc giúp đỡ người dân vùng thiên tai, các bạn sinh viên Việt Nam và Nhật Bản cũng có cơ hội giao lưu tìm hiểu lẫn nhau, cùng bàn cách giúp đỡ và động viên người dân vùng thiệt hại. Bên cạnh đó, hoạt động tình nguyện cũng là cách để mỗi người tham gia chuẩn bị cho bản thân cách vượt qua khó khăn vì Nhật Bản là nước nhiều động đất và chúng ta không thể biết rằng khi nào một trận động đất mạnh sẽ xảy ra tại nơi chúng ta đang sinh sống”.

Bài và ảnh: Thanh Tùng - Hồng Hà (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Một năm sau thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản: Người gieo mầm hy vọng giữa “rốn” thảm họa
Một năm sau thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản: Người gieo mầm hy vọng giữa “rốn” thảm họa

Trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt và thiếu thốn đủ bề, người nông dân này vẫn quyết tâm bám trụ trên mảnh đất quê hương để gieo những “hạt mầm hy vọng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN