Milan - Nơi có những trái tim chung nhịp đập Việt Nam

Khó có thể tưởng tượng được rằng ở một nơi rất xa Việt Nam như thành phố Milan (Bắc Italy) lại có những người yêu Việt Nam, yêu những giá trị Việt Nam đến thế.

Thế nhưng, tình yêu ấy là có thật khi chúng tôi được tận mắt chứng kiến vào một buổi tối thứ Năm, hơn 200 người Italy, im lặng kề sát vai nhau cùng xem một bộ phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một hội trường giản dị, mà vật trang trí duy nhất là lá cờ đỏ sao vàng treo trang trọng trên tường. Nếu được chọn một từ để miêu tả về không khí ấy, tôi sẽ chọn từ "Thành kính".

Quang cảnh buổi họp mặt ngày 30/4 tại Milan.


Đó là ấn tượng đầu tiên về buổi họp mặt, sinh hoạt chính trị để kỷ niệm 40 năm chấm dứt chiến tranh, thống nhất Việt Nam, được Chi hội Hữu nghị vùng Lombardy - Việt Nam tổ chức vào đúng ngày 30/4 tại Nhà văn hoá thành phố Milan.

Đa phần những người Italy có mặt đều chưa một lần đặt chân đến đất nước Việt Nam. Tất cả những gì họ biết về Việt Nam đều qua sách vở, tư liệu hình ảnh về giai đoạn lịch sử với những cuộc chiến tranh bảo vệ, thống nhất Tổ quốc.

Nhưng điều quan trọng nhất khiến họ tụ họp về đây đó là một tâm thế tự nguyện, được dẫn dắt, thôi thúc bởi tình yêu, tình hữu ái giai cấp, tình đồng chí với một đất nước châu Á nhỏ bé xa xôi ngàn dặm.

Giữa họ và hai tiếng Việt Nam dường như có một chất dung môi kết nối đặc biệt, đó là những giá trị thiêng liêng của Độc lập, Tự do, Chính nghĩa, Công lý, của một nhân cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những người bạn lâu năm của Việt Nam có mặt trong buổi họp mặt như Thượng nghị sĩ Fausto Co, Chủ tịch Hội hữu nghị Toàn quốc Italia - Việt Nam; ông Roberto Cocevari, Chủ tịch Chi hội Hữu nghị vùng Lombardy - Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng thành phố Milan, Basilio Rizzo, đảng viên đảng Cộng sản Italy (PdCI) đã cùng với những người bạn, người đồng chí có mặt ôn lại những kỷ niệm của phong trào xuống đường đấu tranh ủng hộ cách mạng Việt Nam trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước tại Italy.

"Hôm nay, tôi có mặt ở đây, trong buổi họp mặt này với tư cách một người Cộng sản; những đảng viên Cộng sản thuộc thế hệ như tôi đã xây dựng lý tưởng, được cọ sát và trưởng thành từ phong trào xuống đường đấu tranh ủng hộ cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, ngày 30/4 đối với chúng tôi có ý nghĩa hết sức đặc biệt, bởi đây cũng là biểu tượng cho chiến thắng của những người yêu chuộng hòa bình, lẽ phải và công lý tại Italy nói chung và tại thành phố Milan nói riêng", đồng chí Basilio Rizzo xúc động chia sẻ.

Tất cả những câu chuyện, kỷ niệm về một thời thanh niên sôi nổi, hừng hực khí thế đấu tranh vì Việt Nam một lần nữa lại được minh chứng qua những bộ phim tài liệu như "Việt Nam: Ngày toàn thắng" (Vietnam: I giorni della vittoria/tác giả Antonio Bertini, 1975); "Từ Bắc chí Nam: Tất cả vì Việt Nam" (Dal Nord e dal Sud per il Vietnam/tác giả Franco Taviani, 1968) và "Phỏng vấn về Việt Nam tại Milan" (Interviste a Milano sul Vietnam, 1965).

Ông Alberto, công nhân hưu trí (68 tuổi) kể lại: "Vào cuối những năm 60, phong trào xuống đường ủng hộ cách mạng, nhân dân Việt Nam tại Italy lên rất cao. Tầng lớp công nhân, sinh viên từ Milan và các thành phố miền Bắc Italy như những con suối nhỏ, hợp lại thành dòng sông lớn chảy về thủ đô Rome, biểu tình phản đối trước Đại sứ quán Mỹ bất chấp bị cảnh sát trấn áp dữ dội. Máu của chúng tôi cũng đã đổ trong cuộc đấu tranh vì Việt Nam".

Không khí của buổi họp mặt như chùng lại khi nghệ sĩ, diễn viên Silvano Piccardi ngâm lên những vần thơ trong tập "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được dịch sang tiếng Italy. Đây đó trong hội trường, tôi nghe thấy khe khẽ có những tiếng xuýt xoa "Che bello" (Thật đẹp làm sao) khi nghệ sĩ Silvano Piccardi đọc đến bài "Vãn cảnh" (Cảnh chiều hôm):

"Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng,
Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình;
Hương hoa bay thấu vào trong ngục,
Kể với tù nhân nỗi bất bình"


"Tâm hồn, ý chí, nhân cách của người "tù nhân, thi nhân" Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ mãi chinh phục hoàn toàn được tình cảm của những người bạn Italy", nghệ sĩ Silvano Piccardi nói.

Có lẽ những vần thơ, nốt nhạc đã chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ hơn bất cứ khẩu hiệu chính trị nào, đi thẳng vào tâm can, trái tim những người bạn Italy; biến hai tiếng Việt Nam trở thành một phần trong tâm hồn họ.

Xuyên suốt hơn 3 tiếng đồng hồ, giữa thành phố Milan phồn hoa, vốn được mệnh danh là thủ đô tài chính của Italy, một không gian đầy ắp những tình cảm, tâm huyết dành cho Việt Nam đã ôm trọn những người có mặt. Rất nhiều người còn nấn ná lại hội trường cho đến phút cuối để bắt tay chúng tôi và khẽ đập tay lên ngực trái nói hai tiếng: "Việt Nam".

Họ, những người bạn Italy đến với buổi họp mặt này thuộc nhiều lứa tuổi, có người là chính trị gia, nghệ sĩ, công nhân, sinh viên hay đơn giản chỉ là những người hưu trí, nhưng có lẽ điều quan trọng nhất mà chúng tôi cảm nhận được đó là dù thời gian có trôi qua, dù vật đổi sao dời, trái tim họ luôn chung một nhịp đập: Việt Nam.


Quang Thanh (TTXVN)













 Biểu tượng chiến thắng trong trái tim người Italy
Biểu tượng chiến thắng trong trái tim người Italy

Sự kiện thống nhất đất nước 30/4/1975 đã trở thành biểu tượng chiến thắng trong trái tim những người lao động Italy.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN