Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Thị trưởng thành phố Montreuil Patrice Bessac, Chủ tịch danh dự AAFV - bà Thượng nghị sĩ danh dự Hélène Luc cùng đại diện Hội người Việt Nam tại Pháp, đã tham dự lễ khai mạc.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đánh giá cao những đóng góp trong suốt 60 năm qua của AAFV, một trong những hội hữu nghị gắn bó lâu đời nhất với Việt Nam. “Với mong muốn và tình cảm luôn dành cho Việt Nam, chưa bao giờ AAFV ngừng hoạt động, ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh”, đại sứ nhấn mạnh và nhắc lại nỗ lực của hội trong đợt vận động gây quỹ cho vaccine chống Covid vừa qua nhằm giúp nước này thoát khỏi đại dịch và phục hồi kinh tế.
Đại sứ không quên nhắc lại khẳng định của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với đại diện AAFV nhân chuyến thăm chính thức Pháp vừa qua : “Việt Nam luôn ghi nhớ những tình cảm và những đóng góp quý báu của nhiều thế hệ lãnh đạo và thành viên AAFV đối với Việt Nam và bày tỏ tin tưởng rằng AAFV, với sự cống hiến và nhiệt huyết của các thành viên, cùng với sự năng động của các cấp ủy địa phương, sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong các hoạt động đoàn kết và sẽ có những đóng góp cụ thể cho Việt Nam”.
Về phần mình, Thị trưởng Patrice Bessac cũng bày tỏ niềm tự hào của thành phố Montreuil, nơi lưu giữ và viết nên nhiều trang sử huy hoàng của tình hữu nghị và đoàn kết giữa hai dân tộc, đồng thời cũng là địa phương đi đầu trong hợp tác phi tập trung giữa Pháp và Việt Nam. Công viên Montreau của thành phố này là nơi đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng Lịch sử sống là nơi lưu giữ những kỷ vật quý giá về Người. Montreuil, cũng là thành phố kết nghĩa với tỉnh Hải Dương của Việt Nam.
Triển khai 27 dự án trong 16 tỉnh thành phố của Việt Nam
Điểm lại hoạt động của AAFV trong những năm qua, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ được bắt đầu bằng giai đoạn đặc biệt mà loài người đã và đang phải trải qua. Trong hai năm 2020-2021, dịch bệnh covid-19 đã cướp đi sinh mạng của nhiều người trong đó có một số lãnh đạo và thành viên chủ chốt của hội, làm ngưng trệ các hoạt động của hội. Các ủy ban địa phương đã phải hủy bỏ các lễ hội Tết cổ truyền. Một số chiến dịch đoàn kết với nhân dân Việt Nam đã phải gác lại. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bớt căng thẳng, các qui định chống dịch được nới lỏng, AAFV đã cố gắng phối hợp với các hội đoàn người Việt tại Pháp, với Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt để tổ chức một số hoạt động nhằm quảng bá Việt Nam nói chung và mối quan hệ hữu nghị nói riêng. Hội cũng đã tham gia tích cực vào chiến dịch ủng hộ bà Trần Tố Nga trong phiên tòa kiện các công ty hóa chất đã cung cấp chất diệt cỏ cho quân đội Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam cũng như các hoạt động kêu gọi đoàn kết với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Đặc biệt, mặc dù dịch bệnh hoành hành, trong hai năm 2019-2020, hội đã triển khai được 27 dự án trợ giúp tại 16 tỉnh thành phố ở Việt Nam với tổng số tiền lên đến hơn 100.000 euros. Các dự án tập trung vào hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình các hộ nghèo, xây dựng bể trữ nước sạch ở vùng miền núi, cấp học bổng cho các học sinh, sinh viên nghèo học giỏi, trợ giúp nạn nhân chất độc da cam/dioxine.
Trong giai đoạn đầu chống dịch ở nước Pháp, ngay khi tiếp nhận 82.000 chiếc khẩu trang y tế do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Hội hữu nghị Việt - Pháp và các đối tác như tỉnh Yên Bái, quận Đống Đa (Hà Nội) tặng, AAFV đã chuyển số khẩu trang này tới các bệnh viện Gustave Roussy ở Villejuif và Henri Mondor ở Créteil, thành phố kết nghĩa Choisy-le-Roi và Hội đồng tỉnh Val de Marne.
Về quan hệ song phương, báo cáo đánh giá cao những bước phát triển tốt đẹp giữa hai bên đặc biệt chuyến thăm mới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính góp phần nâng quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Sau buổi làm việc với Thủ tướng Việt Nam, hôm 5/11, AAFV đã gửi thư đến các cơ quan có thẩm quyền của Pháp bày tỏ mong muốn và đề nghị hai bên tăng cường các hoạt động trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược ; phát triển các cơ hội hợp tác thông qua hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu ; phê chuẩn hiệp định bảo hộ đầu tư; đề nghị EU dỡ bỏ thẻ vàng IUU liên quan đến việc đánh bắt cá đối với Việt Nam; tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 110 năm ngày Hồ Chí Minh lên đường sang châu Âu và ra thế giới, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước, nâng cao năng lực của Việt Nam về y tế và chống biến đổi khí hậu…
Báo cáo cũng đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong những năm gần đây trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, đặc biệt vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. “Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 73, Việt Nam đã được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu kỷ lục (192 trên 193). Cuộc bỏ phiếu gần như tuyệt đối này thể hiện vị thế quốc tế mới của Việt Nam và niềm tin của cộng đồng quốc tế vào chính sách đối ngoại của nước này”, báo cáo nhấn mạnh.
Trong chương trình hành động nhiệm kỳ 2021-2024, các đại biểu đã khẳng định tiếp tục ủng hộ và đoàn kết với nhân dân Việt Nam theo hướng phù hợp với diễn biến của tình hình ở hai nước nói riêng và trên thế giới nói chung, trong đó cần tính đến những tác động của cuộc khủng hoảng Covid 19, hậu quả của sự nóng lên toàn cầu, sự gia tăng căng thẳng ở Đông Á... Trên tinh thần đó, hội nghị đã thống nhất tiếp tục tiến hành và phát triển các hoạt động của hội theo bốn trục chính: giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam, ủng hộ các hoạt động hợp tác giữa Pháp và Việt Nam, đoàn kết với nhân dân Việt Nam và huy động tài chính và nguồn nhân lực để đảm bảo duy trì hoạt động của Hội. Hội nghị đã bầu ra một Ủy ban quốc gia chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động của hội trong nhiệm kỳ 2021-2024.
Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Hội (1961-2021), các đại biểu đã đến dâng hoa tại tượng Bác Hồ, được đặt trang trọng trong công viên Montreau, và thăm Không gian Hồ Chí Minh trong Bảo tàng Lịch sử sống, nơi lưu giữ những kỷ vật quan trọng về những năm tháng hoạt động cách mạng của Bác tại Pháp.
Trong khuôn khổ Đại hội, một cuộc tọa đàm với chủ đề “Biến đổi khí hậu trong thế kỷ 21 và những ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam” đã được tổ chức với sự tham gia của nhiều diễn giả trong đó có Đại sứ Đinh Toàn Thắng và ông Gilles Ramstein, Giám đốc nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm khoa học khí hậu và môi trường (LSCE).
Cũng nhân dịp này, nhiều cuộc triển lãm ảnh về các nạn nhân chất độc da cam, tranh sơn mài truyền thống và trưng bày sách báo, tạp chí về Việt Nam đã được tổ chức.