Chị Liên (người đứng) mừng tuổi mẹ, dì và con cháu. |
Do nhu cầu của cộng đồng người Việt ở CH Séc mà ở Trung tâm Thương mại Sapa tại thủ đô Praha có đầy đủ mọi thứ hàng hóa như ở trong nước. Tại đây chúng ta có thể sắm đầy đủ một cái Tết tưởng như đang ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh vậy, từ cành đào, cành mai, cây quất đến mứt, bánh kẹo, bánh chưng... Đi chợ Tết ở Praha cũng đem lại nhiều điều thú vị cho những người nội trợ như ở bất kỳ vùng quê nào ở Việt Nam.
Người phụ nữ Việt ở Séc ngoài công việc kinh doanh và gìn giữ tổ ấm thì còn có trách nhiệm rất quan trọng là lưu truyền tiếng nói, văn hóa và bản sắc dân tộc cho thế hệ sau. Đây là ưu thế tự nhiên về giới tính của chị em mà các câu lạc bộ phụ nữ Việt tại CH Séc luôn luôn đề cao.
Chị Nguyễn Thị Bích Liên, Chủ tịch CLB Phụ nữ Hải Dương, là một tấm gương điển hình về việc "giỏi việc xã hội, đảm việc gia đình". Tuy sống hơn 20 năm ở trung tâm châu Âu, nơi tự do cá nhân được đề cao, nhưng gia đình chị Liên vẫn yên ấm, hạnh phúc theo quan niệm truyền thống của người Việt. Chị là người vợ đảm, người mẹ nghiêm khắc, người bà hiền từ nhưng đồng thời vẫn là người con gái hiếu thảo với mẹ già.
Gói bánh chưng là niềm vui dịp Tết của gia đình chị Liên. |
Tâm sự với phóng viên TTXVN, chị Nguyễn Thị Bích Liên cho biết: "Ngày Tết ở Séc, tôi cũng giữ thói quen như ở Việt Nam là đưa các con đi đến chúc Tết ông bà, các bác, cô, dì. Sau đó, gia đình cũng tổ chức các cuộc tụ tập anh em, họ hàng. Nói chung các phong tục chúng tôi vẫn giữ nguyên và thường xuyên nhắc nhở các cháu để các cháu nhớ về cội nguồn".
Bà Hà Thị Tằm, mẹ của chị Liên, đã ngoài 70 nhưng vẫn còn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Bà sang Séc làm ăn từ năm 1994 và sau mấy chục năm lăn lộn trên thương trường giờ là lúc bà được nghỉ ngơi bên con, cháu, chắt. Tuy nhiên, bà tự đặt ra cho mình nhiệm vụ truyền lại cho các thế hệ sau phong tục tập quán của cha ông, trong đó có tục thờ cúng tổ tiên, biểu hiện của lòng hiếu thảo, nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của tiền nhân, nhớ đến cội nguồn của mình – một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Bà vui và tự hào về cuộc sống "tứ đại đồng đường" trong ngôi nhà lớn tại Praha.
Con cháu quây quần ngày Tết là niềm vui tuổi già của bà Tằm (mặc áo dài tím ngồi giữa). |
Các phóng viên TTXVN đã chứng kiến một ngày gặp mặt đông đủ của đại gia đình chị Nguyễn Thị Bích Liên. Con cháu xúm xít chúc thọ cụ, bà, mẹ của mình. Còn người lớn tuổi thì phát lì xì mừng tuổi để con cháu chóng lớn, chăm ngoan, học giỏi. Các con chị, hai con gái lớn đã lập gia đình và con trai út còn ít tuổi, vì thế đều rất thích Tết Việt dù sinh ra và lớn lên ở CH Séc.
Tuy ngày nay việc mua dăm chiếc bánh chưng là một việc quá dễ dàng và không mấy tốn kém ở Praha, nhưng gia đình chị Liên vẫn giữ truyền thống tự gói và luộc bánh. Với chị, niềm vui không chỉ nằm ở thành quả mà còn kéo dài trong cả quá trình chuẩn bị và thực hiện. Năm nào việc gói bánh chưng cũng trở thành một ngày bận rộn trong niềm vui của gia đình. Vào ngày đó chị Liên mời anh em, bạn bè đến, bày biện mâm cỗ như một cuộc gặp Tất niên. Chị gói thật nhiều bánh, không chỉ đáp ứng nhu cầu của đại gia đình mà còn để biếu người thân, bạn bè theo tinh thần: "Lạt tre buộc bánh chưng xanh/ Gói tình gói nghĩa để dành tặng nhau/ Gia đình tôi chẳng sang giàu/ Nhưng tình với nghĩa trước sau vẫn đầy/ Bao năm sống ở trời Tây/ Không quên gốc gác Mẹ Thầy Tổ Tông".
Đội Chèo của CLB Phụ nữ Hải Dương tập vở mới tại nhà chị Liên nhân dịp Tết Mậu Tuất. |
Mâm cỗ là để "nuôi phần xác" còn "ca hát để nuôi phần hồn". Ngày Tết đối với chị Nguyễn Thị Bích Liên còn là dịp để đội văn nghệ CLB Phụ nữ Hải Dương tập và biểu diễn những bài ca, điệu múa mới, chuẩn bị cho một sự kiện nào đó của cộng đồng. Năm nay đội Chèo ra mắt trích đoạn Xã trưởng – Mẹ Đốp trong vở Quan Âm Thị Kính. Chị Liên rất tự hào về "cậu Hoàng" trong vai Xã trưởng. Chính chị đã phát hiện ra khả năng diễn hài và hát chèo ở người em trai út vốn dĩ nhút nhát, hiền lành.
Có điều gì đó thật ấm áp, cảm động khi nhìn ra ngoài cửa sổ ngắm tuyết rơi mà bên tai lại vang vang làn điệu Chèo thân thương: "Đường về Hải Dương non xanh nước biếc/ Lúa bên đường Năm bát ngát lên xanh/ Trên sông Kinh Thầy ngư ông thả lưới buông sào/ Con thuyền chàng ở nơi nào đợi em...".