Gặp gỡ các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp

Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp ngày 17/12 ở thủ đô Paris tổ chức cuộc gặp gỡ giới chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội người Việt Nam tại Pháp.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu tại phiên khai mạc.

Phát huy hiệu quả các tiềm năng tri thức của cộng đồng khoa học và chuyên gia người Việt Nam tại Pháp, tiếp nối truyền thống của các thế hệ trí thức người Việt tại Pháp đã từng tạo nên "Thế hệ vàng" trước đây về đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước là chủ đề nổi bật của sự kiện.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, đây là cuộc gặp gỡ những gương mặt tiêu biểu đại diện cho các hội đoàn và các cá nhân người Việt Nam tại Pháp đã và đang tích cực đóng góp vào các dự án hợp tác khoa học-kỹ thuật và công nghệ với Việt Nam, tham gia tư vấn cho các Bộ, ngành của Việt Nam về các chính sách phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, giáo dục...

Phát biểu khai mạc cuộc gặp, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn cho biết buổi gặp mặt là sự kiện đã được ấp ủ từ lâu nhằm tiếp tục truyền thống kết nối giữa trí thức người Việt Nam tại Pháp. Theo Đại sứ, cộng đồng người Việt tại Pháp có quyền tự hào về đội ngũ trí thức và các nhà khoa học gốc Việt được đào tạo tại Pháp, với những đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước từ gần một thế kỷ qua.

Sẽ mãi mãi lưu danh tên tuổi những người con đất Việt được đào tạo tại Pháp góp phần làm nên lịch sử dân tộc Việt Nam đương đại như Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, Hồ Đắc Di, Trần Hữu Tước, Võ Đình Quỳnh, Võ Quí Huân, Trần Văn Khê, Nguyễn Thiện Đạo…

Ngày nay, nhiều dự án, công trình của các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức trên mọi lĩnh vực đang được triển khai ở Việt Nam. Đặc biệt có thể kể tới các hoạt động khoa học không mệt mỏi của của vợ, chồng Giáo sư Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc, các giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, Lê Văn Cường, Nguyễn Quý Đạo… Mỗi người, trên cương vị của mình, đều có những đóng góp tích cực, bằng hình thức này hay hình thức khác vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Nhấn mạnh chính sách được Đảng và Nhà nước xác định trong những năm tới theo đó khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu nhằm tránh sự tụt hậu, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực và trên trường quốc tế, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng đội ngũ trí thức Việt Nam tại Pháp với tiềm năng to lớn là hàng chục nghìn các chuyên gia và nhà khoa học hiện đang giữ trọng trách trong nhiều lĩnh vực khoa học-kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, kể cả chính trị của Pháp, có nhiều thế mạnh để đóng góp vào sự nghiệp hội nhập và phát triển đất nước, đưa đất nước tham gia thành công vào cuộc "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".

Phát biểu nhân dịp này, Giáo sư Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE) đã giới thiệu mạng lưới liên kết chuyên gia và các nhà khoa học người Việt tại Pháp do AVSE thiết lập trong những năm gần đây.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn chụp ảnh kỷ niệm cùng các đại biểu có mặt tại cuộc gặp.

Theo GS Nguyễn Đức Khương AVSE đã kết nối thành công, phối hợp hành động, góp phần nâng cao vị thế của cộng đồng người Việt tại Pháp và tham gia tích cực trong nhiều dự án khoa học-kỹ thuật, đào tạo nhân lực, tham vấn chính sách phát triển kinh tế-xã hội với các đối tác là thể chế và tập đoàn hàng đầu tại Việt Nam.

Ông cũng cho rằng môi trường làm việc tốt, cơ chế đãi ngộ và đón tiếp phù hợp là một trong những yêu cầu cơ bản trong việc huy động trí thức và chuyên gia người Việt ở nước ngoài, đồng thời qua đó có thể thu hút sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài, tạo ra sự cộng hưởng tích cực, đóng góp xây dựng quê hương.

Theo ông, đến thời điểm hiện nay, nhiều trường đại học và tổ chức trong nước đã có cách làm tốt để thu hút các đối tượng này. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một cơ chế chung, bao trùm, tạo hành lang để các cơ quan, tổ chức thực hiện một cách hệ thống và thống nhất việc thu hút và sử dụng nguồn chất xám này.

Về phần mình, Giáo sư Nguyễn Quý Đạo, Giám đốc cao cấp danh dự của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), người từng được nhận danh hiệu "Vinh danh nước Việt" đã giới chương trình hợp tác song phương Pháp-Việt về đào tạo kỹ sư chất lượng cao mà ông là một trong những người sáng lập.


Đây là một mô hình hợp tác thành công giữa 10 trường đại học của Pháp và 4 trường đại học của Việt Nam (Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng và Đại học Xây dựng Hà Nội).

Ủy ban danh xưng kỹ sư của Pháp đã công nhận bằng kỹ sư của 4 trường đại học nói trên của Việt Nam tương đương với bằng kỹ sư của các trường đại học Pháp và dành cho các kỹ sư trẻ Việt Nam tốt nghiệp các trường nói trên môi trường thuận lợi và các ưu đãi đi kèm để phát triển chuyên môn. Theo ông, đây là một trong những cách làm nhằm giúp xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia và khoa học trong nước, cho phép tiếp thu nhanh khoa học-kỹ thuật thế giới.

Cũng tại buổi gặp gỡ, nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa đại diện cho các thế hệ trí thức đã lên diễn đàn nói về những băn khoăn trăn trở trước trình độ phát triển còn khiêm tốn của đất nước, mạnh dạn đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết các thách thức đang đặt ra trong các lĩnh vực khác nhau như chương trình chăm sóc y tế, nâng cao chất lượng chữa trị cho người bệnh liên quan đến các kỹ thuật mới; bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam; tham gia vào các dự án xây dựng và kiến trúc hướng đến việc phát triển các đô thị hiện đại…

Có mặt tại buổi gặp gỡ nhân dịp có chuyến công tác tại Pháp, nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội khóa XIV, cho rằng Pháp luôn có vị trí rất quan trọng trên bản đồ thế giới trong con mắt của người Việt Nam và trong mối quan hệ lịch sử với Việt Nam. Đây cũng là một trong những cái nôi của nền văn minh thế giới.

Ông tin tưởng rằng cộng đồng trí thức người Việt tại Pháp lên đến 40.000 người là một nguồn lực to lớn. Cần tạo cho họ những cơ hội để phát huy sự năng động, sáng tạo, lòng nhiệt huyết, tham gia đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, "tiếp bước các bậc tiền bối năm xưa, theo tiếng gọi của Bác Hồ, đã mang các kiến thức tích lũy được tại Pháp về đóng góp vào sự nghiệp xây dựng quê hương".

Tin, ảnh: Bích Hà (P/v TTXVN tại Pháp)
Hội thảo khoa học của trí thức trẻ Việt Nam tại Séc và Áo
Hội thảo khoa học của trí thức trẻ Việt Nam tại Séc và Áo

Hội thảo Sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ ba diễn ra tại Praha ngày 17/12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN