Tham dự buổi lễ có bà thượng nghị sĩ Catherine Deroche, Chủ tịch Nhóm Hữu nghị Thượng viện, bà nghị sĩ Quốc hội Stephanie Do, Chủ tịch Nhóm Hữu nghị tại Quốc hội, đại diện Hội hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF), các tổ chức quốc tế và các đại sứ quán các nước. Một số doanh nhân, trí sĩ, bà con, bạn bè và cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Pháp cũng đã đến dự lễ kỷ niệm trong điều kiện tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của Pháp về phòng chống dịch Covid-19.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đã nhấn mạnh "Việt Nam tự hào trong suốt 7 thập kỷ qua đã đạt được nhiều thành tựu chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng, đồng thời củng cố mối quan hệ hữu nghị và hợp tác chặt chẽ với các đối tác trên thế giới".
Theo Đại sứ, đất nước hiện đang trải qua những thay đổi lớn trong một số lĩnh vực và đã trở thành thành viên đầy đủ và tích cực của nhiều hiệp định và cơ quan hợp tác khu vực và quốc tế. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam vừa qua đã khẳng định lại đường lối đối ngoại độc lập, rộng mở, chủ động hội nhập khu vực và quốc tế. Trên tinh thần này, Việt Nam đã đảm nhận thành công chức vụ Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2020 và hiện đang là thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Đánh giá về mối quan hệ Pháp - Việt, Đại sứ bày tỏ sự vui mừng trước những bước phát triển hiệu quả của quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác, hiệp hội và các thể chế Pháp. Năm 2023, Việt Nam sẽ kỷ niệm 10 năm xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Pháp và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Pháp-Việt. Đại sứ tin rằng "các cuộc trao đổi chính trị cấp cao trong những tháng gần đây và trong thời gian tới sẽ giúp tạo động lực mới cho quan hệ song phương". Theo đại sứ có rất nhiều ví dụ khác để minh họa cho sự sống động và mạnh mẽ của mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp. Việc mới đây Pháp đã trao tăng cho Việt Nam vaccin chống dịch là một ví dụ rất cảm động và lô hàng này đã về đến Hà Nội cách đây vài hôm.
Nhân dịp này, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng bày tỏ sự hài lòng nhận thấy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức quốc tế hàng đầu có trụ sở tại Paris không ngừng phát triển và tăng cường. Năm nay, Việt Nam và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) sẽ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó Việt Nam mong muốn đóng vai trò ngày càng tích cực. Việt Nam cũng đang trong quá trình tăng cường hơn nữa mối quan hệ của mình với Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và với tất cả các nước thành viên của gia đình nói tiếng Pháp mà Việt Nam vẫn gắn bó. Sự hợp tác giữa Việt Nam và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng đang mang lại kết quả rõ nét trong thời gian này.
Đại sứ nhấn mạnh: "Chúng ta hiện đang phải đối mặt với những thách thức lớn liên quan đến đại dịch COVID-19. Hậu quả kinh tế và xã hội của cuộc khủng hoảng sức khỏe này rất đáng kể và đáng lo ngại. Điều này khiến tất cả chúng ta phải quan tâm đến sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, đồng thời giúp chúng ta nhận thức tốt hơn về hợp tác quốc tế để cùng thoát khỏi khủng hoảng".
Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định quan điểm của Việt Nam là tiếp tục chính sách hòa bình và hợp tác vì an ninh, ổn định và phát triển. Tuân thủ các cam kết về luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác và cùng có lợi, phát huy tinh thần đoàn kết để chống lại đại dịch, khôi phục sự phát triển kinh tế và xã hội. "Theo quan điểm mới hậu COVID này, Việt Nam muốn đặt con người làm trọng tâm của mọi hành động, vừa là mục đích, vừa là đối tượng của sự phát triển tổng thể và toàn diện", đại sứ khẳng định. "Và vì mục tiêu này, Việt Nam sẵn sàng tăng cường các mối quan hệ hiện có với tất cả các đối tác cũng như tạo ra những mối quan hệ mới cho hợp tác đa phương, phát triển toàn diện, tin cậy lẫn nhau và cùng có trách nhiệm."
Trong bầu không khí lễ hội và thân thiện này, đại sứ đã kêu gọi nâng ly vì sự hợp tác, tình hữu nghị và đoàn kết giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Pháp.