Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, tham dự lễ tưởng niệm diễn ra ngày 8/5 có đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, bà con cộng đồng người Việt đang sinh sống ở Saint-Petersburg, cùng với trên 30 sinh viên, sĩ quan, học viên Quân đội Nhân dân Việt Nam đang học tập tại các trường Quân sự ở thành phố này. Đại diện chính quyền thành phố, các tổ chức xã hội, tôn giáo, hàng ngàn người dân Saint-Petersburg và đoàn đại biểu cộng đồng người Việt Nam đã thực hiện nghi lễ tưởng niệm và đặt hoa tại Tượng đài Mẹ Tổ quốc ở nghĩa trang tưởng niệm Piskaryovsk để tưởng nhớ các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã ngã xuống trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Tham dự sự kiện này, sinh viên Đoàn Phan Duy thuộc trường ĐH Tổng hợp Saint-Petersburg đã chia sẻ những cảm nhận hết sức chân thực Duy “rất vui và vinh dự khi được là một trong những người đại diện cho sinh viên Việt Nam đang theo học tại thành phố đến dâng hoa tại buổi lễ”. Đây là lần đầu tiên Duy tham dự lễ kỷ niệm này nên em khá bất ngờ về quy mô và sự trang trọng của buổi lễ. Qua đây, Duy cũng hiểu rõ hơn về lịch sử và truyền thống của nhân dân Nga trong ngày trọng đại này.
Tại Liên Xô trước đây cũng như Liên bang Nga ngày nay, Ngày Chiến thắng là ngày quốc lễ. Trong ngày này, Saint-Petersburg tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm quy mô, bao gồm các cuộc duyệt binh, diễu binh của quân đội và các cuộc diễu hành của quần chúng nhân dân. Theo kế hoạch, vào đúng ngày 9/5, đoàn đại biểu cộng đồng người Việt sẽ tham gia cuộc tuần hành “Trung đoàn bất tử” để tri ân những người lính Xô Viết anh hùng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Việc cộng đồng người Việt tham dự các hoạt động tri ân những liệt sĩ trong Chiến tranh giữ nước vĩ đại đã gây thiện cảm lớn trong người dân sở tại và ngày càng chứng tỏ là một bộ phận có trách nhiệm trong xã hội.
Saint-Petersburg, trước đây là Leningrad, là một trong ba mục tiêu chiến lược của chiến dịch Barbarossa, là cứ điểm đóng quân chính của Hạm đội Baltic, và là trung tâm công nghiệp quan trọng với rất nhiều xưởng sản xuất vũ khí. Vì thế, quân đội phát-xít Đức muốn chiếm Leningrad bằng mọi giá để hòng bẻ gẫy khả năng phòng thủ của Hồng quân Liên Xô, đồng thời mở đường tiến lên tỉnh Arkhangelsk ở phía Tây Bắc. Tuy nhiên, các chiến sĩ Hồng quân Lien Xô đã chiến đấu ngoan cường trước quân đội phát-xít trong suốt 900 ngày đêm bị phong tỏa. Người dân Liên Xô cũng thà chết vì đói và bệnh tật, chứ kiên quyết không trao thành phố cửa ngõ quan trọng này vào tay quân thù. Trận đánh giải phóng Leningrad do đó được xem là biểu tượng lớn nhất của cuộc đọ sức cả về quân sự và sức chịu đựng của con người giữa chế độ Xô Viết và chế độ Quốc xã.