Thế là tôi đã đến và sinh sống ở Panama được ba tuần, một thời gian chưa dài nhưng cũng đủ cho tôi phát hiện ra không ít điều mới lạ về một đất nước của Trung Mỹ ở cách Việt Nam nửa vòng trái đất, nổi tiếng với con kênh đào nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, được coi là cây cầu của thế giới.
Tuy
chỉ rộng trên 75.000 km2 và có dân số chưa tới bốn triệu người, nhưng
Panama là một trong những trung tâm tài chính, ngân hàng và thương mại
lớn nhất thế giới hiện nay.
Phố không có số nhà và taxi đi chung
Bất ngờ đầu tiên đối với tôi là mặc dù Panama là một nước phát triển bậc nhất ở Trung Mỹ và Caribe, đời sống và dân trí người dân khá cao, nhưng có lẽ đây là một trong số rất ít nước trên thế giới mà thành phố chỉ có tên các con phố chứ không có các số nhà. Thay vào các con số, các ngôi nhà được đặt những tên khác nhau, chẳng theo một thứ tự hay quy định cụ thể nào cả. Ví dụ, nhà của con trai tôi thuê nằm ở phường Carmen, phố Ruben Arias, được đặt tên là Ana Capri, chứ không có số nhà. Nếu không biết tiếng địa phương và thuộc đường, chắc sẽ rất khó tìm nhà. Chẳng thế mà ngay các lái xe taxi bản địa cũng chỉ biết được con phố mình cần đến, còn nhà cụ thể thì người đi xe phải tự mình hướng dẫn người lái. Dân địa phương thì chẳng có vấn đề gì, nhưng nếu là khách du lịch hoặc người lần đầu đến thành phố Panama, nhất là những ai không biết tiếng Tây Ban Nha, sẽ khó biết làm thế nào để tìm ra ngôi nhà mình đang trọ. Một hôm, trên đường đi phỏng vấn huyền thoại bóng rổ của Panama, David Peralta Checa, tôi đem chuyện này ra hỏi ông Ricardo Maita, người đưa tôi đi gặp Peralta, thì nhận được câu trả lời: Tôi cũng không hiểu tại sao như thế nữa. Thành phố của chúng tôi đã tồn tại như vậy từ hàng trăm năm rồi mà chẳng có vấn đề gì. Có lẽ chỉ khó khăn cho người du lịch thôi.
Rau quả nhiều, tươi, ngon, rẻ và an toàn thực phẩm. |
Con trai tôi, Tham tán thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Panama, còn cho biết: Con đã đi Brazil, có thành phố cũng không có số nhà gì cả, được cái khu nhà nào cũng có một công viên, muốn tìm nhà cứ nói tên công viên ra là được, giống như nhà mình ở đây, cạnh công viên Benito Juarez. Hay đây là một nét của văn hóa Mỹ Latinh nhỉ?
Một điều khác làm chúng tôi khá ngạc nhiên là dịch vụ taxi ở Panama. Taxi nhiều vô kể, vì hệ thống xe buýt ở đây chưa thật phát triển. Tàu điện ngầm cũng chỉ mới có một tuyến dài khoảng 30 km. Tuy nhiều, nhưng giá đi taxi không hề rẻ, khoảng 1 USD/1 km, tức 20.000 đồng Việt Nam/1 cây số. Nhưng kỳ lạ nhất là trên xe không hề có tên người lái cũng chẳng có các thiết bị như đồng hồ đo số km, giá tiền trên 1 km, máy bộ đàm... Việc trả tiền hoàn toàn tuân theo sự thỏa thuận giữa người lái xe và người đi xe, nhưng thường thì lái xe nói thế nào người tiêu dùng trả thế đó.
Tôi đã nhiều lần đi taxi trên cùng một quãng đường và rất thú vị khi thấy dù là giá do các tài xế khác nhau đặt ra, nó rất giống nhau, không có hiện tượng khai vống lên, chỉ chênh lệch nhau 50 xu là cùng.Có điều khá hài hước là cùng trên một quãng đường, nếu đi một người thì số tiền sẽ phải trả sẽ ít hơn so với đi ba, bốn người. Đi càng đông người thì số tiền phải trả càng nhiều hơn, cho dù số km vẫn là một. Chưa hết, dù trên xe đã có người, nếu có người khác vẫy tay xin đi cùng tuyến, taxi sẽ dừng lại đón khách đi chung, cứ như xe khách đường dài ở Việt Nam. Khách du lịch đi taxi nên chuẩn bị tiền lẻ, các loại 5 hay 1 đôla, thêm một nắm tiền xu loại 25, 50 xu, bởi lẽ không phải lúc nào tài xế cũng có tiền lẻ để trả lại. Nếu đi xe buýt hoặc tàu điện ngầm thì giá cực rẻ, mỗi lượt đi, bất kể dài hay ngắn, cho dù là một km hay có tới vài ba chục km, thì cũng chỉ mất 35 xu, tức khoảng 7.000 đồng Việt Nam.
Giá đất và nhà rất rẻ, nhưng cẩn thận
Ở cạnh khu nhà con trai tôi thuê, có công viên Benito Juarez. Xung quanh khu vực này có rất nhiều biệt thự đẹp, rộng trung bình từ 500 đến 700 m2, có cái rộng vài ngàn m2. Nhân một hôm đi dạo với anh Gabriel, một người chơi tennis mà tôi mới quen, tôi hỏi: giá một căn biệt thự thế này khoảng bao nhiêu tiền. Tôi thật sự bất ngờ khi anh bạn người Panama của tôi trả lời: một căn biệt thự 700 m2 ở đây, giá vào khoảng từ 300 đến 500 ngàn USD thôi. Tôi bất ngờ vì khu Carmen mà chúng tôi đang sống, tuy không thuộc khu cao cấp và đắt đỏ như ở khu Punta Pacifica hay khu Thương mại Tự do Colon, nhưng khá gần trung tâm, thoáng đãng, nhiều cây xanh và an ninh khá tốt. Căn hộ trên 100 m2 cũng chỉ khoảng dưới 100.000 USD.
Giá biệt thự rẻ gấp nhiều lần Việt Nam nhưng cẩn thận với thuế trước bạ hàng năm.
Bán tín, bán nghi tôi đem chuyện này hỏi anh Lê Thế Tâm, một doanh nghiệp Việt Nam thành danh sang Panama làm ăn từ 2009 đến nay, thì anh Tâm cho biết: Giá một biệt thự như vậy là đúng, nhưng phải xem ngôi nhà đó được xây dựng từ bao giờ. Nếu đã xây được 20 năm trở lên thì thuế đất hàng năm rất đắt, mỗi năm tới vài ngàn USD. Vì vậy, nếu có mua biệt thự thì nên mua những ngôi nhà mới xây, tuy hơi xa trung tâm, nhưng giá rẻ hơn nhiều và không phải đóng thuế đất trong 20 năm. Và cùng là biệt thự ở một khu nào đó, nhưng nếu các biệt thự nằm trong một quy hoạch tổng thể, có các dịch vụ đi kèm, được bảo đảm về an ninh thì giá sẽ đắt gần gấp đôi các biệt thự riêng lẻ, không được bảo vệ. Còn đất ở Panama thì rẻ vô cùng, trừ khu trung tâm và khu Colon (Thương mại Tự do), có khi 100.000 USD cũng mua được cả nghìn m2, nhưng giá xây dựng thì đắt hơn tiền mua đất nhiều đấy. Là một người cũng học ở Cuba về, anh Tâm còn khuyên tôi mua nhà và đất ở đây, nhưng tôi chỉ biết cười trừ, trong bụng thì nghĩ “giá tôi cũng là doanh nghiệp giàu có như ông thì không phải bảo”.
Ý thức người dân và tiện ích xã hội cao
Một điều mà ngay từ những ngày đầu tôi đã nhận ra là ý thức tự giác của người dân và những tiện ích xã hội ở Panama khá cao. Trước mỗi căn nhà, dù là chung cư hay nhà riêng, luôn có một chỗ để rác kín đáo và gọn ghẽ. Người dân Panama rất dễ gần, chỉ cần nói chuyện một lúc là đã có thể trở thành bạn bè của nhau, cho địa chỉ nhà, số điện thoại hay hẹn đi chơi. Lần nào cũng thế, khi chúng tôi dắt hai cháu nội ra công viên Benito Juarez, mỗi khi qua đường, luôn được các tài xế nhường đường bằng cách dừng xe lại, dù đằng sau đang có rất nhiều xe chờ đợi. Sáng, chiều nào cũng có vài chục cụ già dắt chó đi dạo ở công viên nhưng rất ít khi chúng tôi thấy phân chó trên mặt đất. Lý do rất đơn giản, cứ khoảng 100 m ở các đường đi trong khu vui chơi, giải trí này lại có một chỗ để ni lông để họ lấy ra thu dọn phân chó và cho vào thùng rác.
Thiết bị tập luyện miễn phí ở công viên Benito Juarez. |
Trong công viên Benito Juarez có hai khu rõ rệt: một khu trang bị tới hàng chục thiết bị rèn luyện thể lực và chữa bệnh không mất tiền dành cho người lớn. Thôi thì đủ các loại máy tập, từ tăng cường cơ bắp tay, chân, đầu gối, làm thon eo, chữa đau lưng, thoát vị đĩa đệm, đến điều hòa tim mạch, nhịp thở... Trước mỗi thiết bị có bảng hướng dẫn cách tập, nêu những điều cần tránh và cuối cùng có cả tên và số điện thoại của bác sỹ hướng dẫn. Khu thứ hai là chỗ vui chơi, giải trí dành cho trẻ em, với các loại thảm trượt, đánh đu, chui nhà ống, leo dây, leo cột, xà đơn, tất cả cũng không mất tiền. Người cao tuổi, bất kể là người Panama hay khách đu lịch như chúng tôi, khi mua thuốc luôn được giảm giá khoảng 20%. Tôi đã rất bất ngờ khi đi mua thuốc huyết áp, giá ba vỉ (30 viên) là 38 USD, nhưng khi trả, biết tôi là người về hưu, cô bán thuốc đã trừ cho 7 USD. Người dân Panama rất thật thà. Khách đi mua, lỡ có bỏ quên hàng ở cửa hàng, hôm sau đến xin lại vẫn được, như trường hợp của con dâu và vợ tôi. Người Việt Nam ở Panama rất dễ sống, bởi khí hậu rất giống ở các thành phố biển ở miền Nam nước ta, quanh năm có nắng vàng và gió biển. Dân Panama cũng ăn gạo rất nhiều, có cả gạo tẻ và gạo nếp. Giá gạo đắt gấp hai lần Việt Nam, nhưng thu nhập trung bình của họ cao hơn. Người lao động giản đơn như quét rác, giúp việc, bán hàng, có trình độ trung cấp, cao đẳng thì lương khoảng 500 đến 1.000 USD/tháng (10 đến 20 triệu đồng VN), còn lương kỹ sư, bác sỹ từ 1.500 đến 2.000 USD/ tháng (30 đến 40 triệu đồng VN/tháng). Giá các loại thịt, cá rẻ hơn cả Việt Nam, thí dụ thịt bò ngon cũng chỉ 5 - 6 USD/kg, cá biển cũng vậy. Rau cỏ ở Việt Nam có thứ gì thì ở Panama có thứ đó, từ cà chua, bắp cải, dưa chuột tới hành tây, tỏi, mùi tàu, nhưng giá đắt hơn từ 1,5 đến 2 lần. Riêng hoa quả lại rẻ hơn. Một bao tải cam 12 kg, giá cũng chỉ là 5 USD (100.000 đồng), dưa hấu ngọt lịm 6000 đồng/kg... Tất cả đều tươi, ngon và không có hóa chất bảo quản.
Bài, ảnh: Lưu Vạn Kha