Những cặp mắt trong veo và nụ cười hạnh phúc của hàng trăm cháu bé gốc Việt khi được tham gia các trò chơi cùng bạn bè và cha mẹ: Đó là hình ảnh chúng tôi cảm nhận được tại Lễ đón Tết Nhâm Thìn của các gia đình ở Cộng hòa Ailen có con nuôi là người Việt Nam. Cho dù thiếu vắng “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, nhưng hương vị Tết đậm chất cổ truyền dân tộc vẫn ngập tràn ở một nơi cách xa quê hương hàng chục ngàn cây số.
Quang cảnh bữa tiệc đón Tết ở khách sạn Charleville Park. |
Cả hội trường chính của khách sạn Charleville Park, nơi diễn ra Lễ đón Tết dành cho các gia đình có con nuôi người Việt, đầy ắp tiếng nói cười của gần 180 cháu bé gốc Việt cùng hơn 220 ông bố bà mẹ người Ailen. Phần đông họ đến từ hạt Cork và các vùng lân cận ở miền nam, nhưng cũng có người đến từ thủ đô Đablin cách xa hơn 300 km. Hàng chữ “Chúc mừng năm mới” ở ngay cửa khách sạn khiến chúng tôi liên tưởng được tham dự một sự kiện diễn ra ngay trên quê hương mình. Trong hội trường treo cơ man là bóng bay, đèn lồng và các hình trang trí cắt từ giấy điều. Các bé gái đều được mặc áo dài dân tộc và cầm quạt giấy nô nức vui đùa. Ở góc này là một nhóm chơi trò múa nghê, múa lân; góc kia các em xúm xít quanh một nghệ nhân đang tạo ra những con thú bằng bóng bay.
Bữa tiệc hôm nay do VietIrish Support (VIS), một tổ chức xã hội đóng vai trò là đầu mối liên kết các gia đình ở Ailen có con nuôi gốc Việt, đứng ra tổ chức. Ra đời cách đây hơn 10 năm, mục đích của VIS còn là duy trì các giá trị văn hóa Việt Nam cho các cháu bé trong suốt hành trình dưỡng dục ở quê hương thứ hai. Bà Liz Stafford, Thư ký của VIS, người cũng nhận một cháu trai người Việt làm con nuôi, nói: “Chúng tôi biết tầm quan trọng làm sao để các con hiểu rõ và khoác lên mình hai nền văn hóa: Một là nơi chúng sinh ra và một là nơi chúng lớn lên”. Để thực hiện mục tiêu này, hằng năm VIS đều đặn tổ chức các cuộc vui chung nhân dịp Tết cổ truyền và rằm Trung Thu, đồng thời mở các lớp dạy tiếng Việt và nấu ăn; không chỉ cho bọn trẻ, mà còn cho các ông bố bà mẹ nhằm giúp họ tạo sự hòa đồng tốt hơn cho mọi thành viên trong gia đình.
Đại sứ Vũ Quang Minh mừng tuổi các em bé. |
“Cô giáo Hiền” đảm nhận cả hai vai trò dạy tiếng Việt và nấu ăn cho VIS. Về làm dâu xứ người cách đây 8 năm, chị kéo cả ông chồng người Ailen vào công cuộc vun trồng các giá trị văn hóa Việt. Các cháu bé được khuyến khích mang những đồng xu “mừng tuổi” bằng sôcôla đến tặng các bạn trong lớp nhân ngày Tết, kể cho các bạn nghe về cuộc sống và con người Việt Nam qua các cuốn sách mang từ trong nước. Bố mẹ các cháu được dạy nấu món ăn Việt và trang trí nhà cửa theo phong cách truyền thống trong dịp Tết.
Một trong những điều khiến nhiều người lo lắng nhất, đó là các cháu bé Việt Nam được đối xử ra sao khi về sống ở một gia đình có nền văn hóa hoàn toàn xa lạ. Đem chuyện hỏi cô giáo Hiền, chị cho biết chưa từng nghe trường hợp nào bị cha mẹ ngược đãi hoặc phân biệt đối xử ở trường học. Các bố mẹ nuôi đa phần là trí thức và có điều kiện tài chính, bởi chi phí để nhận một con nuôi nước ngoài không dưới chục ngàn USD.
Ngoài lý do hiếm muộn, niềm mong mỏi được bao bọc và che chở cho các cháu bé thiệt thòi về điều kiện nuôi dưỡng là động cơ chính khi họ nhận con nuôi. Trên thực tế, có cặp vợ chồng đã có tới 5 con, cả con đẻ và con nuôi, vẫn sang Việt Nam để nhận thêm một cháu. Họ đánh giá cao về tư chất và tính nết của các cháu đến từ Việt Nam. Tôi lân la hỏi một vài cháu (tất nhiên bằng tiếng Anh) là có hài lòng về cuộc sống hiện nay hay không? Câu trả lời đều là “cháu rất hạnh phúc”.
Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh và Bắc Ailen Vũ Quang Minh cho biết, quan hệ giữa Việt Nam và Ailen kể từ khi thiết lập năm 1996 đến nay phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực cho và nhận con nuôi. Cả hai nước đều đã tham gia ký kết Công ước La Hay 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế, và đang tiến rất gần tới một thỏa thuận song phương về lĩnh vực này. Trên toàn Ailen hiện có khoảng 800 cháu bé người Việt được nhận làm con nuôi. Đa phần các cháu đến từ các tỉnh miền Bắc Việt Nam như Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Ninh…
Chúng tôi không khỏi xúc động khi nhìn thấy những gương mặt trẻ thơ háo hức xếp thành hàng dài để nhận phong bao “mừng tuổi” do Đại sứ Vũ Quang Minh tận tay trao tặng. Có thể có những em không nói được tiếng Việt vì sang đây từ khi còn rất nhỏ, nhưng tôi tin các em đều hiểu ý nghĩa của phong tục “lì xì” là để “hay ăn chóng lớn và học giỏi” như câu chúc của ngài Đại sứ. Hình ảnh các ông bố, bà mẹ “Tây” cao lênh khênh cùng nhảy nhót vui đùa với con cái cho thấy điều đó. Họ cố gắng dành thời gian nhiều hơn cho những đứa con nuôi để chúng không cảm thấy có bất cứ một rào cản nào trong gia đình, bởi theo họ “chúng tôi nợ các cháu một nền văn hóa”.
Bài và ảnh: Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)