Trong số các nước tham dự, đoàn Việt Nam đã giành được thiện cảm đặc biệt của Ban tổ chức và người dân địa phương khi Đại sứ quán Việt Nam là 1 trong 2 cơ quan đại diện ngoại giao tại thủ đô Seoul cử cấp Phó Đại sứ là ông Trần Anh Vũ xuống Busan tham gia chung vui cùng cộng đồng. Ngoài ra, Việt Nam cũng gây ấn tượng mạnh cho khách tham quan với 8 gian hàng trưng bày các sản phẩm văn hóa, ẩm thực đặc sắc, đặc biệt là có đại diện tham dự buổi đối thoại trực tiếp với Thị trưởng thành phố Busan về chính sách đối với người nước ngoài nói chung và phụ nữ di trú nói riêng.
Theo Ban tổ chức, với khẩu hiệu “Busan năng động” (Dynamic Busan), đây là một trong những sự kiện quốc tế lớn được tổ chức hàng năm nhằm tăng cường sự giao lưu hiểu biết giữa các nền văn hóa, đặc biệt là giữa các nước có kiều dân sinh sống tại thành phố Busan, qua đó tạo dựng sự đa dạng về văn hóa, sự chung sống hài hòa giữa các nhóm cộng đồng và cùng góp sức cho sự phát triển của thành phố.
Lễ cắt băng khai mạc lễ hội. |
Với vị trí tổ chức nằm ở trung tâm thành phố, hơn 150 gian hàng trưng bày của các nước và tổ chức quốc tế đã tạo nên một bức tranh vô cùng đang dạng và đặc sắc, thu hút khoảng 30.000 khách tham quan. Trong một ngày diễn ra, du khách có dịp được xem biểu diễn các tiết mục văn hóa, tìm hiểu và trải nghiệm ẩm thực, trang phục, trò chơi dân gian của hầu hết các nền văn hóa lớn trên thế giới.
Tại khu trưng bày văn hóa Việt Nam, khách tham quan đã dừng lại rất lâu để thưởng thức các món ăn vốn đã làm nên thương hiệu Việt Nam trên toàn thế giới như phở, bánh mỳ, nem rán, café… hay cùng chụp ảnh với các thiếu nữ Việt Nam trong những tà áo dài truyền thống đầy màu sắc. Ngoài ra, nhiều người dân sở tại cũng rất ấn tượng khi được trực tiếp trò chuyện, tìm hiểu văn hóa Việt Nam thông qua các tình nguyện viên thuộc Hội Những người con đất Việt, Trung tâm Giáo dục Hanyoung và đặc biệt là từ chính các học giả, doanh nhân, nghệ sỹ người Hàn Quốc thuộc Hội Những người Hàn Quốc yêu Việt Nam (VESAMO).
Gian hàng Việt Nam tại lễ hội. |
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, anh Đinh Minh Châu, Nghiên cứu sinh tại Đại học quốc gia Changwon, Hàn Quốc tỏ ra vô cùng ấn tượng về quy mô và cách thức tổ chức lễ hội của Ban tổ chức. Đặc biệt, với vai trò là Trưởng nhóm sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ các gian hàng Việt Nam, anh cảm thấy vô cùng tự hào và hứng khởi khi có rất nhiều du khách Hàn Quốc và quốc tế bày tỏ sự quan tâm và yêu mến đặc biệt đến các sản phẩm văn hóa, đặc biệt là các món ăn và trang phục truyền thống của Việt Nam.
Hai tiếng “Việt Nam” càng được khách quốc tế và người dân Busan chú ý nhiều hơn với hình ảnh chị Nguyễn Tường Vy, Chủ tịch Hội Những người con đất Việt, trong trang phục áo dài truyền thống Việt Nam, đã đại diện cho hơn 36 nghìn phụ nữ di trú đang sinh sống tại Busan, trực tiếp tham gia đối thoại chính sách với Thị trưởng thành phố Busan Suh Byung-soo.
Chị Nguyễn Tường Vy, Chủ tịch Hội Những người con đất Việt trực tiếp tham gia đối thoại chính sách với Thị trưởng thành phố Busan Suh Byung-soo. |
Trong buổi đối thoại được truyền hình trực tiếp này, chị Nguyễn Tường Vy, với khả năng diễn thuyết lưu loát bằng tiếng Hàn, đã trực tiếp chia sẻ những tâm tư, tình cảm trong quá trình sinh sống và làm việc tại thành phố Busan. Chị Vy cũng đã đề đạt các ý kiến và nguyện vọng nhằm giúp chính quyền thành phố Busan hỗ trợ tốt hơn cho phụ nữ di trú nói chung và cộng đồng người Việt tại Busan nói riêng trong quá trình hòa nhập với cuộc sống sở tại, vươn lên khẳng định bản thân cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.
Trả lời phóng viên TTXVN sau buổi đối thoại, chi Vy cho biết chị cảm thấy vô cùng vinh dự khi là người phụ nữ Việt Nam được chọn tham dự buổi đối thoại này. Chị cũng đánh giá cao việc chính quyền thành phố Busan và cá nhân Ngài Thị trưởng đã dành thời gian lắng nghe và thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc của phụ nữ di trú nói chung và cộng đồng người Việt tại Busan nói riêng, từ đó đưa ra những cam kết chính sách nhằm hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng trong thời gian tới.
Trong khi đó, ông Jang Cheol-soon, Chủ tịch Công ty Shindong Digitech – một công ty chuyên về lĩnh vực hải quan điện tử có chi nhánh tại thành phố Hải Phòng, cho biết qua lễ hội lần này, chị Vy cũng như những phụ nữ Việt Nam khác đã mang đến một hình ảnh đẹp, dịu dàng và cho thấy chí kiên cường trong quá trình hòa nhập và vươn lên khẳng định bản thân trong xã hội Hàn Quốc.
Chị Nguyễn Tường Vy là một trong số ít người nước ngoài đã nhận được bằng khen của Chính quyền thành phố Busan về những đóng góp tích cực trong công tác hỗ trợ cộng đồng người Việt đang sinh sống tại thành phố cũng như hỗ trợ các nạn nhân người Hàn Quốc trong vụ chìm phà Sewol năm 2014. Chị Vy cũng là một trong những người Việt tiêu biểu đã tổ chức nhiều chương trình xã hội, từ thiện cho cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc hướng về quê hương đất nước, trong đó phải kể đến cuộc tuần hành phản đối việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam và vận động quyên góp ủng hộ cán bộ, chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa thông qua Quỹ từ thiện do Thông tấn xã Việt Nam phát động năm 2014.