Năm 2005, đang làm công nhân cho Công ty Thủy sản Trà Vinh, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Trang phải xin nghỉ việc. Trở về quê, ngày ngày lam lũ với công việc đồng áng, chị chợt nhận ra ở địa phương mình có nguồn nguyên liệu cói rất dồi dào. Chị Phương Trang cho biết, nhìn hàng trăm hécta ruộng cói được trồng ở địa phương chỉ có bán nguyên liệu thô mà thấy xót lòng, nên đã quyết định đi học nghề đan lát, rồi mở tổ sản xuất để “thử vận” và vận may đã thật sự đến.
Qua tìm hiểu, được biết tại tỉnh Vĩnh Long có một số công ty, hợp tác xã chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cây cói... thế là chị khăn gói đến xin vừa học, vừa làm. Tại đây, chị được dạy nghề đan lát, hướng dẫn các kỹ thuật cần thiết để tạo ra những sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu. Chẳng bao lâu, chị đã thạo nghề. Về quê, có tay nghề, có nguồn nguyên liệu, nhưng tiền vốn thì chẳng có bao nhiêu, nên chị chỉ tổ chức sản xuất ở gia đình và hướng dẫn cho một số người họ hàng, thân quen cùng làm. Thấy công việc chị làm có hiệu quả, nhiều chị em tìm đến xin học nghề, rồi nhận nguyên liệu về nhà gia công.
Để giúp tất cả chị em học nghề có việc làm, năm 2009, chị mạnh dạn huy động tiền vốn mở cơ sở sản xuất với quy mô 60 lao động. Được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Trung tâm Khuyến công, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh, chị đã mở 5 lớp dạy nghề cho hơn 120 phụ nữ nghèo trong xã và thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Minh Trang. Chị cho biết, từ năm 2012 đến nay, Công ty Xuất nhập khẩu Vĩnh Long đã ký kết hợp đồng với công ty của chị, đặt hàng sản xuất 3 sản phẩm là tấm bình phong, giỏ chậu và gương mây. Nhờ đó, công nhân có việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo cho cuộc sống gia đình. Bình quân, một người chuyên cần đan đát có thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng.
Không chỉ làm một giám đốc năng động, chị Phương Trang còn là Chi hội trưởng Hội Phụ nữ ấp Đức Mỹ A, luôn sát cánh cùng chị em phụ nữ nghèo để vượt qua khó khăn. Chị cho biết, Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh có chương trình hỗ trợ cho công ty mở thêm 10 lớp dạy nghề cho 250 lao động. Vì vậy, chị phải cố gắng theo học lớp sư phạm nghề của Trường Trung cấp nghề Trà Vinh để trang bị thêm kỹ năng truyền đạt.