Trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, việc bảo tồn và phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ ở nước ta là vấn đề rất cần được quan tâm.Khó khăn của thủ công mỹ nghệThủ công mỹ nghệ Việt Nam hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Một cách tổng quát thì thủ công mỹ nghệ Việt Nam yếu nhất ở các khâu như kiểu dáng mẫu mã, thông tin thị trường, quy mô sản xuất và chiến lược về giá sản phẩm. Hàng rào thuế quan cũng là vấn đề gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp. Bà Dương Thị Minh Hà, quản lý cửa hàng tranh sơn mài nghệ thuật Kima (Hà Nội) cho biết: “Điểm yếu của hàng thủ công mỹ nghệ nước ta là khâu thiết kế mẫu mã kém, không tạo được sức hút. Đã vậy, chất lượng lại không thực sự ổn định. Nhiều nơi chưa tập trung tìm hiểu về văn hóa bạn hàng ngay từ đầu dẫn tới việc làm sản phẩm không đúng yêu cầu”.
Thủ công mỹ nghệ Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. |
Nếu như trước đây, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam rất được người Nhật ưa chuộng do tính chất mới lạ và rẻ (nhất là đồ gia dụng, trang trí nội thất, quà tặng) thì đến nay, sức hấp dẫn đã bị giảm nhiều mà nguyên nhân chính là trong suốt thời gian qua rất nhiều mẫu mã không có sự thay đổi. Ngược lại một số doanh nghiệp lại chỉ chú tâm vào các thiết kế sản phẩm mang tính "độc nhất" và tính chất "của riêng" luôn được đề cao, trong khi khả năng ứng dụng và tính thương mại chưa được chú ý nhiều.
Các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ không tìm hiểu kỹ về thị trường và thiết kế sản phẩm hướng tới thị trường đó. Hiện tại thủ công mỹ nghệ đang phát triển sản phẩm theo kiểu sao chép của người khác rồi gắn mác để biến thành của mình, hoặc hầu như chỉ sản xuất dựa theo các mẫu thiết kế của khách hàng mang tới. Đến khi có cơ hội thì Việt Nam chưa thực sự nắm bắt, để quảng bá sản phẩm đồng thời khiến du khách nhớ tới hình ảnh đất nước.
Nhà nghiên cứu Nguyên Hưng (Hà Nội) cho biết: “Khi Việt Nam tổ chức Festival Huế, logo của sự kiện được rất ít người biết tới, các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư chỉ chăm chăm vào việc xây dựng những khu nghỉ dưỡng hay địa điểm vui chơi trong khi đó ở Olympic Bắc Kinh thì logo của sự kiện được in vào rất nhiều đồ lưu niệm nhỏ. Điều này không chỉ là thu được nguồn lợi về kinh tế mà còn quảng bá về hình ảnh của sự kiện, của đất nước”.
Làng nghề hoặc các cụm làng nghề ở nước ta được hình thành hầu hết gắn liền với vùng nguyên liệu tại chỗ và thuận lợi với giao thông đường thủy. Việc này là lợi thế trong khâu vận chuyển nguyên liệu, giá thành rẻ, tạo việc làm cũng như tạo ra các mối liên kết chặt chẽ nhưng lại khó khăn trong việc tập hợp, thu gom để xuất khẩu. Hơn nữa, nguồn nguyên liệu không phải lúc nào cũng sẵn có. Ông Nguyễn Danh Quang, Giám đốc Công ty Cổ phần Mỹ nghệ Việt Nam cho biết: “Sản phẩm chính của công ty là giỏ, lẵng, khay, trang trí nội thất từ hàng thủ công mây, tre. Nguồn nguyên liệu khai thác nhiều khi gặp khó khăn vì ảnh hưởng theo mùa và thời tiết. Ví dụ như vào mùa mưa, các đường mòn bị xóa khiến việc vận chuyển gặp khó khăn và nhiều khi buộc phải khai thác ở bìa rừng”.
Một điểm yếu khác của sản phẩm thủ công Việt Nam là còn nhiều các yếu tố độc hại trong sản xuất và trong các sản phẩm. Việc sử dụng bừa bãi và không kiểm soát các chất có hại cho sức khỏe và cho môi trường đã gây mất lòng tin và sự e ngại trong người tiêu dùng, đặc biệt là khách hàng châu Âu, một thị trường tiềm năng rất lớn trong tương lai gần. Từ đó làm cho thủ công mỹ nghệ không có giá trị xứng đáng với tiềm năng sẵn có.
Lo lắng về đội ngũ kế cậnNgoài ra làng nghề thủ công nước ta có các tập tục, tín ngưỡng và nhiều quy định ràng buộc. Không cho các thế hệ con, cháu lấy người địa phương khác, hoặc việc chỉ truyền nghề cho con trai, hoặc chỉ truyền cho con trưởng hoặc cháu đích tôn. Hay việc phân chia thứ bậc cho nhiệm vụ truyền nghề với hậu thế - chỉ có ông Trưởng phường nghề mới có quyền quyết định việc truyền nghề - và chỉ những nghệ nhân (thợ cả) mới có đủ tư cách để truyền nghề (dưới thợ cả còn 6 bậc thợ nữa)... Nghệ nhân Hữu Bằng, xã Tràng Sơn, Thạch Thất cho biết: “Làng nghề chuyên về mộc và đặc biệt là nhận làm các nhà kiểu cổ nên có những bí quyết trong nghề riêng chỉ truyền thụ cho con cháu trong nhà. Mặt khác thì người ngoài muốn học hỏi cũng rất khó vì không có đủ thời gian học như trong gia đình”.
Kinh nghiệm của Nhật Bản
Nhà nghiên cứu Thu Trang (Bình Dương) cho biết: “Theo quan điểm của tôi, Việt Nam chưa đưa vào giáo dục để tất cả người dân hiểu về giá trị của hàng thủ công mỹ nghệ để từ đó có ý thức bảo tồn phát huy và đề cao giá trị sản phẩm mang tính dân tộc cao. Trong khi đó ở Nhật Bản: Tất cả các sản phẩm gắn tem hand made (làm bằng tay) đều được bán với giá rất cao”.
Một bài học về nhân lực làm thủ công mỹ nghệ của Nhật Bản: Giá trị của một sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Nhật Bản cũng nằm ở việc nó được tạo ra từ chính đôi bàn tay của nghệ nhân. Giống như nhiều quốc gia khác, thủ công mỹ nghệ ở Nhật là lĩnh vực không thực sự thu hút sự quan tâm của giới trẻ trong định hướng nghề nghiệp. Hơn nữa, việc để trở thành một nghệ nhân lại phải trải qua một quá trình học tập lâu dài và không ngừng cải tiến. Vì thế các nghệ nhân thường là những người xuất thân từ gia đình có truyền thống làm nghề. Trước khi làm nghề thì niềm đam mê và yêu thích nghề đã hình thành trong họ từ sớm và sau đó niềm đam mê, tình yêu và sự ham học hỏi bồi đắp dần cho họ tay nghề để trở thành nghệ nhân. Đó là một quá trình dài, và có thể là sự nghiệp cả đời người thợ. Nhật Bản và một số nước khác vẫn cho trẻ em đến các trung tâm gốm mỹ nghệ không chỉ để học cách làm ra sản phầm mà còn rèn luyện cho trẻ tính kiên nhẫn ngay từ nhỏ.
Bài và ảnh: Tuấn Anh