Thu 3 tỷ đồng mỗi năm từ trang trại chăn nuôi tổng hợp

Cần cù, chịu khó, không cam chịu đói nghèo, vợ chồng anh Lê Thanh Trọng và chị Ngô Thị Xuân ở thôn Đặng Lộc 1, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương từ mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp.

Với doanh thu bình quân 3 tỷ đồng/năm, vợ chồng anh Lê Thanh Trọng và chị Ngô Thị Xuân là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Quảng Bình.

Anh Lê Thanh Trọng nhận bằng khen dành cho hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Quảng Bình.

Trò chuyện với chúng tôi bên ly trà ấm, anh Lê Thanh Trọng chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp đầy khó khăn. Trước đây, cuộc sống của gia đình anh và nhiều hộ dân ở địa phương vô cùng gian nan, kinh tế chủ yếu dựa vào độc canh cây lúa. Mọi chi tiêu trong gia đình anh phụ thuộc vào 8 sào đất trồng lúa và chăn nuôi lợn. Năm 2008, vợ chồng anh Trọng mạnh dạn vay mượn, phát triển trang trại chăn nuôi tổng hợp. Vợ chồng anh dồn sức và vốn cải tạo diện tích đất, thuê máy đào gần 3.000 m2 ao thả các loại cá, kết hợp chăn nuôi gà, vịt, ngan. Ngoài ra, anh chị cũng đầu tư xây dựng chuồng trại rộng trên 800 m2 nuôi lợn, bò.

Những năm đầu làm kinh tế trang trại, vợ chồng anh Trọng gặp không ít khó khăn. Thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi còn hạn chế, lại thêm thiên tai khiến hiệu quả chăn nuôi đạt được không cao. Cuối năm 2016, giá thịt lợn trên thị trường xuống thấp đỉnh điểm, dưới 25.000 đồng/kg. Thời điểm đó, trang trại nhà anh Trọng có khoảng 100 con lợn thịt chuẩn bị xuất bán. Bao công sức, vốn liếng dồn vào phát triển trang trại nhưng lãi chẳng được bao nhiêu, có năm thua lỗ hàng trăm triệu đồng, nhiều lúc nản chí anh chị đã từng muốn buông xuôi …

Nhưng sau đó, anh Trọng đã quyết định đầu tư nuôi trồng kết hợp, đa dạng vật nuôi trên cùng một diện tích đất. Anh tiếp tục ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng chuồng trại, lắp đặt hệ thống điện, nước hiện đại, đồng bộ. Ngoài ra, anh luôn chú trọng nguồn thức ăn, tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi…

Hiện trang trại của anh Trọng có quy mô chuồng trại gần 4.000 m2, với tổng mức đầu tư khoảng 2,7 tỷ đồng; chăn nuôi trên 200 con lợn/lứa; 5.000 con ngan thịt và hơn 3.000 con gà/lứa; mỗi năm xuất bán khoảng 3 tấn cá. Trang trại của gia đình anh đạt tổng doanh thu bình quân 3 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi 600 - 650 triệu đồng/năm. Trang trại của gia đình anh Trọng cũng góp phần giải quyết việc làm cho 10 lao động với mức lương bình quân từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Lê Thanh Trọng cho hay: Trong chăn nuôi, muốn thành công phải chịu khó học hỏi, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, nhạy bén với thị trường và biết kết hợp đa dạng loại hình trong sản xuất. Việc phòng chống dịch bệnh, nguồn thức ăn đảm bảo an toàn cho vật nuôi cũng rất quan trọng.

Anh Trọng cũng cho biết: Hội Nông dân các cấp luôn tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích gia đình anh phát triển sản xuất; đồng thời tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi.

Không chỉ thành công trong phát triển kinh tế, vợ chồng anh Trọng nhiều năm liền đạt Gia đình Văn hóa và được UBND, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh khen thưởng. Chủ tịch UBND xã Cam Thủy Nguyễn Bá Trọng cho biết: Gia đình anh Lê Thanh Trọng là một trong 3 hộ duy nhất trên địa bàn xã phát triển kinh tế trang trại quy mô lớn. Gia đình anh là điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp trong tỉnh. Ngoài ra, anh chị luôn nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ các hộ khó khăn về việc làm, giống vật nuôi, kinh nghiệm, nguồn vốn để phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo.

Gia đình anh Trọng cũng luôn gương mẫu chấp hành và vận động mọi người thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực đi đầu đóng góp xây dựng nông thôn mới, các phong trào, hoạt động từ thiện nhân đạo tại địa phương. Vợ chồng anh Lê Thanh Trọng là tấm gương sáng về bản lĩnh, ý chí, sự nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng.

Bài và ảnh: Võ Dung (TTXVN)
Người thương binh làm giàu từ nghề làm cói truyền thống
Người thương binh làm giàu từ nghề làm cói truyền thống

Với ý chí của một người lính Cụ Hồ, sau khi rời quân ngũ, thương binh Vũ Xuân Túy (sinh năm 1953, tại xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Hưng, Nam Định) đã mạnh dạn phát triển nghề làm cói truyền thống, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương lúc nông nhàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN