Khát vọng làm giàu từ biển

Nhờ mạnh dạn đầu tư đóng tàu lớn và ứng dụng công nghệ hiện đại, vận động nhiều ngư dân liên kết thành lập tổ, đội sản xuất trên biển, ngư dân Lê Văn Quyền (46 tuổi, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã làm giàu từ biển và giúp được nhiều ngư dân khác có thu nhập khá với nghề.

Đóng tàu hiện đại nhất
         
Những ngày giữa tháng 10/2017, nhiều ngư dân ở các làng chài ven biển thành phố Nha Trang không đi biển, do thời tiết không thuận lợi. Nhưng chẳng thế mà những ngư dân này lấy làm tiếc, bởi ở nhà, họ cũng làm được việc có ích cho nghề đi biển. Đó là, họ được xem tận mắt, sờ tận tay và nghe tường tận cách vận hành chiếc tàu cá composite lớn và hiện đại nhất từ trước đến nay, vừa được doanh nghiệp bàn giao cho chủ tàu.          

Một tàu cá composite của ngư dân Khánh Hòa.

Chuyện là ngư dân Lê Văn Quyền vừa hạ thủy tàu cá composite KH 97279-TS có công suất 1.200 CV, tải trọng trên 200 tấn, cao 8m, rộng 4m, dài 32m. Đến thời điểm này, đây là tàu cá lớn và hiện đại nhất ở tỉnh Khánh Hòa, địa phương có đến gần 10.000 tàu cá. Ngư dân Lê Văn Quyền cho biết, tàu cá này được đóng trong gần một năm mới hoàn thành. Từ nay đến hết năm 2017, tàu tiếp tục được trang bị ngư lưới cụ rồi chạy thử và sẽ đi chuyến biển đầu tiên, ngay trong những ngày đầu của năm 2018.
         
Trong tổng số vốn 21,5 tỷ đồng đóng con tàu này, ông Quyền vay từ ngân hàng 18 tỷ đồng, theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; đồng thời, đầu tư thêm 3,5 tỷ đồng nữa để mua thiết bị và ngư lưới cụ hiện đại nhất phục vụ nghề mành chụp, khai thác các loại hải sản ở vùng biển xa bờ như cá ngừ sọc dưa, mực xà, cá ồ... Tàu được trang bị các máy móc hiện đại như ra đa hàng hải, máy dò ngang, dò đứng, thiết bị, ngư lưới cụ mới nhất. Theo ông Quyền, chỉ tính trang bị 500 bóng đèn điện cao áp và 300 bóng đèn điện siêu áp đã hết 3,5 tỷ đồng, hầm bảo quản có công nghệ hiện đại cũng hết 2,4 tỷ đồng…
         
Ngư dân Lê Văn Quyền không xa lạ gì với người dân ở địa phương và các tỉnh lân cận. Ngư dân ở làng chài Vĩnh Trường vẫn thường nói vui rằng, họ luôn “đuối sức” trước ông Quyền trong việc "chạy đua" đóng tàu lớn và hiện đại. Hiện nay, ngư dân Lê Văn Quyền đã có 4 tàu cá composite hiện đại, kinh phí bình quân để đóng mỗi tàu loại này khoảng 12 tỷ đồng. Mỗi tàu có công suất từ 600CV trở lên và đều làm nghề mành chụp. Khoảng 5 năm về trước, đội tàu cá composite này của ông Quyền cũng thuộc loại lớn và hiện đại nhất lúc ấy. Hiện đội tàu cá này của ông Quyền tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động, mỗi lao động có thu nhập tối thiểu 5 triệu đồng/người/chuyến biển, cao nhất 15 triệu đồng/người/chuyến biển. Trừ tất cả chi phí, ông Quyền thu lãi từ 4 - 5 tỷ đồng/năm từ đội tàu này.
         
Khi con tàu lớn và hiện đại nhất hiện nay mới hạ thủy, ông Quyền đã tính đến việc đầu tư đóng thêm một tàu composite nữa sẽ hạ thủy vào năm 2019. Nói về việc "chạy đua" đóng tàu cá hiện đại, ngư dân Lê Văn Quyền cho biết, nguồn lợi hải sản gần bờ ngày càng ít, đóng tàu lớn để đánh bắt xa bờ là điều tất yếu. Và nếu "nhìn xa trông rộng" hơn, việc đóng tàu lớn và hiện đại là để phục vụ khai thác viễn dương trong tương lai gần. Mỗi chuyến biển đi khai thác viễn dương thường kéo dài vài tháng, do vậy nhất thiết phải đóng tàu lớn, có trang thiết bị hiện đại.
         
Theo ông Quyền, trước đây, tàu cá có tải trọng phổ biến khoảng 40 tấn, nên hành nghề mành chụp từ 7 – 10 ngày là phải quay về bờ. Công nghệ bảo quản trên các tàu này lạc hậu, làm cho chất lượng hải sản không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thu mua, dẫn đến giá bán thấp, đầu ra gặp khó khăn, thường lâm vào cảnh “được mùa mất giá”. Trong khi đó, những con tàu lớn và hiện đại, có tải trọng 150 tấn trở lên, giúp bám biển được dài ngày, an toàn, hải sản được quản tốt, hiệu quả sản xuất của mỗi chuyến biển cao hơn hẳn.

Cùng liên kết vươn khơi xa
         
Ngư dân Lê Văn Quyền đi biển đã trên 30 năm. Trong gia đình, ông là một trong những người đầu tiên đi biển và làm nghề biển. Khi đã thạo nghề, ông vay vốn đóng tàu vỏ gỗ và trực tiếp đưa tàu đi đánh bắt hải sản ở những vùng biển xa bờ. Qua đó, giúp kinh tế gia đình khấm khá hơn và đó cũng là lúc ông dồn vốn để phát triển đội tàu cá vỏ gỗ với 5 chiếc. Khi gia đình đã có “của ăn của để”, ông nghĩ đến việc làm ăn lớn, đó là thay thế đội tàu cá vỏ gỗ bằng đội tàu composite hiện đại như bây giờ.
       
Trong quá trình phát triển đội tàu, ông Quyền đã vận động anh, em trong gia đình, cùng những ngư dân khác góp vốn để đóng tàu lớn và hiện đại, liên kết với nhau thành lập tổ, đội và làm dịch vụ hậu cần sản xuất trên biển. Hiện nay, ông Quyền cùng 3 người anh, em trong gia đình đang sở hữu đội tàu cá công suất lớn và hiện đại với 19 chiếc, làm các nghề khai thác hải xa bờ như: mành chụp, lưới vây, câu cá ngừ đại dương…

Bên cạnh đó, anh em ông còn có nhiều tàu làm dịch vụ hậu cần cung cấp dầu diesel, nước ngọt, lương thực, thực phẩm cho các tổ, đội tàu khai thác trên biển; đồng thời, tổ chức thu mua hải sản ở những vùng biển xa để đưa về bờ bán. Ngư dân Lê Văn Tuấn, 57 tuổi, anh ruột của ngư dân Lê Văn Quyền đang sở hữu 5 tàu cá hiện đại, vừa làm nghề mành chụp vừa làm dịch vụ hậu cần. Ông Tuấn cho biết, từ khi tổ chức liên kết sản xuất trên biển, các tổ, đội tàu của các anh, em trong gia đình làm ăn rất hiệu quả. Các tổ, đội tàu của anh em ông cũng tổ chức liên kết với nhiều chủ tàu cá khác, để hỗ trợ nhau, sản xuất hiệu quả hơn trên biển.
     
Ngư dân Lê Văn Quyền thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất và hỗ trợ các thành viên trong Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Trường, làm các thủ tục, giấy tờ để được vay vốn, nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước. Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Trường được thành lập hồi giữa năm 2016, có 43 chủ tàu với gần 300 ngư dân tham gia. Sau thời gian ông Quyền vận động, đến nay Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Trường đã có 65 chủ tàu với gần 500 ngư dân tham gia. Theo ông Quyền, khi vận động phải làm cho ngư dân hiểu được, nghiệp đoàn là chỗ để các thành viên chia sẻ khó khăn, động viên nhau cùng bám biển sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
     
Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Trường Nguyễn Hữu Cường cho biết, ngư dân Lê Văn Quyền, cùng các anh, em trong gia đình, là những ngư dân rất điển hình trong việc làm ăn có hiệu quả cao từ nghề biển, nhờ mạnh dạn đầu tư đóng tàu lớn vươn khơi.     

Bài và ảnh: Nguyên Lý (TTXVN)
Khai thác bền vững tiềm năng du lịch biển đảo
Khai thác bền vững tiềm năng du lịch biển đảo

Để tuyến du lịch biển đảo Cù Lao Chàm - Tam Hải - Lý Sơn sớm trở thành hiện thực, Công ty Cổ phần đóng tàu Thiên Hậu Phước đã triển khai dự án đóng mới 2 tàu cao tốc có sức chở 99 khách/tàu để phục vụ khách tham quan đường thủy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN