Khai thác tiềm năng biển đảo trong thời kỳ hội nhập - Bài cuối: Quản lý và phát triển nền 'kinh tế biển xanh'

Phát triển một “Nền kinh tế xanh” có ý nghĩa là nền kinh tế được phát triển dựa vào hệ sinh thái bền vững, thân thiện với môi trường.

Đây là vấn đề rất có ý nghĩa đối với Việt Nam khi mà định hướng phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia trong thời gian tới được đặt trên nền tảng quan trọng là tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Tạo bước đột phá

Sau hơn một năm xảy ra sự cố môi trường biển, ngư dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) tích cực vươn khơi bám biển. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Để đạt được mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và tạo ra một “nền kinh tế xanh”, trong khi trình độ khai thác biển của nước ta vẫn lạc hậu so với khu vực, Việt Nam phải nỗ lực xây dựng một nền công nghiệp hiện đại; phát triển kinh tế biển hiệu quả, bền vững, có khả năng hội nhập quốc tế; có phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian và bảo đảm an ninh chủ quyền vùng biển.

Mặt khác, phát triển “kinh tế biển xanh” ở nước ta đang phải đối mặt với các nguy cơ của biến đổi khí hậu, của tình trạng axit hoá đại dương, phát triển nghề cá và nuôi trồng hải sản thiếu bền vững, ô nhiễm và chất thải, mất nơi cư trú, giảm đa dạng sinh học và các loài ngoại lai; tác động tiêu cực của các hoạt động sản xuất công nghiệp ven bờ cũng như các hoạt động khai thác tài nguyên biển đến hệ sinh thái biển, các khu bảo tồn biển…

Đây thực sự là những vấn đề rất quan trọng để các ngành, các cấp và cộng đồng phải chung tay vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn và mang tính đột phá hơn.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng: Phương thức quản lý tổng hợp theo không gian và công cụ quy hoạch không gian biển là một hướng đi đúng đắn, mà hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới đang thực hiện. Quản lý tổng hợp biển, hải đảo dựa trên hệ sinh thái, tránh xung đột giữa các ngành cùng khai thác kinh tế biển. Như vậy, chỉ có xây dựng nền “kinh tế biển xanh” hơn và bắt đầu từ gìn giữ môi trường biển mới tạo được lợi thế cạnh tranh những “thương hiệu’ gắn liền với tài nguyên biển.

Trên thực tế, vấn đề quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường biển, hải đảo đang còn nhiều vướng mắc, phát sinh đối với không chỉ các nhà khoa học và quy hoạch, mà cả với các nhà quản lý và hoạch định chính sách của Việt Nam. Đây thực sự là những vấn đề quan trọng đòi hỏi các ngành, các cấp, và cộng đồng phải chung tay vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn và mang tính đột phá hơn.

Bởi hiện nay, xu hướng chung của thế giới là tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh và lợi thế từ biển (gắn với bảo vệ môi trường). Xu hướng này đang trở thành tính chiến lược ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia có biển và các quốc gia không có biển.

Hạn chế những ngành khai thác gây ô nhiễm

Khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, để phát triển kinh tế “Xanh lam” ở Biển Đông, Việt Nam cần triển khai cơ chế phát triển sạch (CDM) trong công nghiệp, phục hồi các hệ sinh thái biển, phát triển nghề cá và nuôi trồng hải sản bền vững, phát triển du lịch sinh thái biển và hạn chế những ngành kinh tế có khả năng gây nhiều ô nhiễm, khó bảo vệ môi sinh trên biển.

Trong một cuộc điều tra, phỏng vấn ý kiến của chuyên gia về tầm quan trọng và vai trò cũng như tác động của một số ngành kinh tế biển trong quá trình phát triển cho thấy các ngành kinh tế khai khoáng, vật liệu xây dựng là hai ngành kinh tế không được khuyến khích phát triển bởi có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm.

Ở nước ta, kinh tế biển chủ yếu là công nghiệp khai thác dầu khí, vận tải biển, nghề cá, nuôi trồng hải sản, du lịch, nghỉ dưỡng và quốc phòng. Quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển hiện nay ước tính chiếm khoảng 47- 48% GDP cả nước, trong đó kinh tế “thuần biển”, chiếm khoảng 20-22% tổng GDP.

Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển), du lịch biển. Các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như đóng và sửa chữa tàu biển, chế biến dầu khí, chế biến thủy, hải sản, thông tin liên lạc... bước đầu phát triển, nhưng quy mô còn rất nhỏ bé (chỉ chiếm khoảng 2% kinh tế biển và 0,4% tổng GDP cả nước).

Đặc biệt, ngành vận tải biển, bao gồm hệ thống cảng biển là yếu tố, động lực phát triển bền vững kinh tế trong khu vực. Cụm cảng nước ta có lợi thế là nằm trên một trong những tuyến đường thương mại biển lớn nhất thế giới, trong vùng nguyên liệu địa phương, lao động dồi dào. Việc mở rộng cảng ở vùng này còn tạo điều kiện cho sự phát triển du lịch, dịch vụ.

Nhưng trong thực tế, kinh tế cảng biển đang hoạt động không hiệu quả , phải đối mặt với những khó khăn như các cơ sở hạ tầng, các mối liên kết - logistic và cách thức tổ chức, khai thác thiếu tính cạnh tranh. Các chỉ tiêu hàng hóa thông qua cảng trên đầu người rất thấp so với các nước trong khu vực (chỉ bằng 1/140 của Singapore, 1/7 của Malaysia và 1/5 của Thái Lan). Ước tính hằng năm có doanh thu từ 6-8 tỉ USD, tuột khỏi tay các đơn vị kinh doanh dịch vụ hàng hải bản địa, đang bị nước ngoài chi phối.

Theo các chuyên gia, kinh tế xanh sẽ tạo ra cơ hội cho nước ta tăng trưởng bền vững, có tính cạnh tranh cao trong hệ thống kinh tế, tạo công ăn, việc làm, tăng thu nhập thực sự cho mọi người, cải thiện đời sống cho người dân một cách thiết thực, bảo đảm an toàn môi trường.


Sự tăng trưởng kinh tế biển xanh sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho quốc gia và cho cả “túi tiền” thực tế của người dân. Phát triển kinh tế xanh cần có cơ hội và nhiều điều kiện tự nhiên, môi trường, sinh thái cũng như chính trị, xã hội; phải làm rất nhiều việc trong quá trình xanh hoá nền kinh tế của mình ở Biển Đông, nơi có nhiều tiềm năng và là “trụ cột chính” cho sự phát triển bền vững và hưng thịnh.

Theo Chuyên gia kinh tế biển Nguyễn Tác An, “Xanh hoá” đất nước là nhu cầu có tính thời đại. Nhưng đây là nhiệm vụ rộng lớn và hết sức khó khăn, đòi hỏi những giải pháp cải cách căn cơ, đổi mới trong hệ thống thể chế, chính sách; thực hiện cơ cấu lại toàn bộ các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp.

Từ đó đề xuất giải pháp, trên cơ sở những thách thức cơ bản nhất cần phải tháo gỡ. Trước hết là phương pháp luận và nhận thức cần phải làm rõ một số vấn đề cơ bản về quan điểm, triết lý phát triển và tổ chức quản lý kinh tế biển và hải đảo trong thời đại mới.

Tiếp đến là vấn đề về năng lực thực thi, triển khai của bộ máy quản lý nhà nước cũng phải được rà soát, nâng cao, phải tạo ra được sự thống nhất giữa các bộ, ngành, các cơ quan trong quản trị phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong quá trình “xanh hoá” nền kinh tế. Cần tổ chức hiệu quả phép quản trị kỷ cương để hạn chế, ngăn chặn những tác động tiêu cực của “các nhóm lợi ích (lợi ích cá nhân, công ty, tập đoàn, ngành, địa phương...) và “tư duy nhiệm kỳ” trong phát triển bền vững.

Cần chú trọng về vấn đề thông tin và quản lý, công bố thông khoa học về biển và hải đảo. Vì thiếu thông tin chuẩn xác, cũng có thể tạo ra những “ngộ nhận” về thực trạng phát triển kinh tế-xã hội, về giá trị tài nguyên, về vai trò của vùng biển và về khả năng quản trị phát triển kinh tế biển, đảo trong các mối quan hệ quốc tế phức tạp hiện nay.

Để nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu vì biển thì phải khai thác thế mạnh của cả nước ở tất cả các tỉnh ven biển từ Móng Cái đến Cà Mau, đồng thời phát huy tốt nhất lợi thế của từng vùng kinh tế, từng địa phương, khắc phục nhược điểm hiện có không tạo ra tính đa dạng của vùng và địa phương, vừa lãng phí nguồn lực tự nhiên và lao động sáng tạo.

Đã đến lúc cần đề ra Chương trình nghiên cứu liên tỉnh để tận dụng có hiệu quả hơn các cơ sở kinh tế-xã hội hiện có, hợp tác cùng phát triển hợp lý các cơ sở sẽ được đầu tư xây dựng vì lợi ích của từng tỉnh và lợi ích chung của vùng biển Việt Nam.

Văn Hào (TTXVN)
Tiếp tục giải quyết sự cố môi trường biển miền Trung
Tiếp tục giải quyết sự cố môi trường biển miền Trung

Sau hơn 1 năm giải quyết, khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, các kết quả điều tra, xác định vi phạm, mức độ ô nhiễm, các vùng biển an toàn… đã được công bố. Bên cạnh đó, việc giám sát các hoạt động của Công ty THNN Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Công ty Formosa) đang được thực hiện nghiêm ngặt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN