Thêm một người chết não hiến tạng để nối dài sự sống cho nhiều người

Ngày 5/4, anh N.V.H ngụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bị chết não sau tai nạn giao thông đã được người nhà tình nguyện hiến tạng nhân đạo góp phần cứu sống 5 người bệnh khác.

Các bác sĩ chuẩn bị thực hiện lấy tạng và ghép. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Một lần nữa, hành động hiến tạng nhân đạo đã hồi sinh cuộc đời, nối dài sự sống cho những người bệnh đang sống lay lắt chờ tạng hiến mỗi ngày.

Khi một cánh cửa khép lại và mở ra 5 cuộc đời khác

Bác sỹ Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai chia sẻ, ngày 4/4, Khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận một trường hợp nam bệnh nhân sinh năm 1975 bị chấn thương sọ não nguy kịch do tai nạn giao thông, chuyển từ Bệnh viện huyện Long Thành. Đến rạng sáng 5/4, bệnh nhân rơi vào tình trạng chết não, không còn khả năng cứu chữa. Tuy nhiên, thay vì đưa về nhà mai táng như thông thường, các bác sỹ ở đây nhận được yêu cầu khá bất ngờ từ người nhà bệnh nhân, đó là mong muốn được hiến tạng nhân đạo. “Chúng tôi vô cùng xúc động và khâm phục trước nguyện vọng của người nhà bệnh nhân và ngay lập tức liên hệ với Trung tâm Điều phối ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh để tiến hành lấy tạng”, Bác sỹ Ngô Đức Tuấn cho biết.

15 giờ ngày 5/4, các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai để tiến hành lấy tạng. Tại đây, các bác sỹ đã lấy được một quả tim, hai quả thận, hai giác mạc của bệnh nhân chết não có thể sử dụng được. Đến 18 giờ ngày 5/4, tạng được vận chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy để ghép cho 5 người bệnh chờ sẵn, trong đó tim được ghép cho bệnh nhân H.L.H (sinh năm 1972, ngụ tỉnh Bình Thuận) mắc bệnh suy tim đã 3 năm. Hai quả thận được ghép cho một nam bệnh nhân (sinh năm 1989) ở tỉnh Long An và một nữ bệnh nhân (sinh năm 1974) ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cả hai bệnh nhân đều bị suy thận và phải chạy thận nhân tạo 4-5 năm nay. Hai giác mạc được ghép cho hai bệnh nhân bị sẹo giác mạc.

Hai bệnh nhân nữ được ghép thận. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Theo người nhà của người hiến tạng, trước khi qua đời một tháng, trong một lần xem ti vi, anh N.V.H biết thông tin về hiến tạng nhân đạo, anh đã nói với gia đình nếu chết đi anh sẽ hiến tạng cứu người. Theo nguyện vọng của anh, gia đình đã quyết định hiến những bộ phận còn sử dụng được trên cơ thể của anh để cứu sống những người khác.

“Chúng tôi vô cùng trân trọng và biết ơn nghĩa cử của gia đình người hiến tạng bởi dù họ đang trải qua mất mát đau thương nhưng vẫn không quên làm việc nghĩa. Việc hiến tạng càng trở nên ý nghĩa hơn khi một cuộc đời đã mất đi nhưng lại có đến 5 cuộc đời khác được giữ lại”, Tiến sỹ, Bác sỹ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép tạng – Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.

Phối hợp nhịp nhàng

Bác sỹ Dư Thị Ngọc Thu cho biết, 10 giờ ngày 5/4, nhận được điện thoại từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Đơn vị điều phối ghép tạng - Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử ngay một ê - kíp gồm các bác sỹ siêu âm, hồi sức, tim mạch, thận niệu, mắt và đơn vị điều phối đến Đồng Nai để làm các thủ tục cần thiết. Sau khi gia đình người hiến tạng yêu cầu lấy tạng ngay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, những chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục được cử xuống để tiến hành lấy tạng.

Bệnh nhân H.L.H được ghép tim đang hồi phục sức khỏe. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Quá trình lấy tạng hiến vô cùng thuận lợi bởi có sự phối hợp rất nhịp nhàng của lãnh đạo, y bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. “Chúng tôi đã dồn hết mọi nhân lực, vật lực cho việc lấy tạng này. Dù khá bỡ ngỡ khi lần đầu tiên lấy tạng ghép nhưng rất may mắn là Bệnh viện Đồng Nai vừa triển khai thực hiện mổ tim hở cách đó hai tuần và với sự hỗ trợ của các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình”, Bác sỹ Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai chia sẻ. Song song với việc hỗ trợ lấy tạng ghép, Ban Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai đã nhờ sự hỗ trợ của lực lượng Cảnh sát Giao thông túc trực sẵn sàng hộ tống để đưa tạng hiến về Bệnh viện Chợ Rẫy một cách nhanh nhất.

Nguồn tạng hiến gồm một quả tim, hai quả thận và hai giác mạc được chia làm hai đợt đưa về Bệnh viện Chợ Rẫy; trong đó quả tim được đưa về trước, hai quả thận và hai giác mạc được đưa về chuyến sau. Một xe cứu thương dưới sự hộ tống của 5 chiếc xe hộ tống của Cảnh sát Giao thông lần lượt vận chuyển tim, thận, giác mạc về Bệnh viện Chợ Rẫy. Thông thường những chuyến xe cấp cứu phải mất ít nhất 45 phút mới đến được Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng tối 5/4, dưới sự dẫn đường của Cảnh sát Giao thông Đồng Nai, chiếc xe vận chuyển tạng chỉ mất 30 phút đã về đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Khi tạng an toàn về tới Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là lúc công việc của những người ghép tạng bắt đầu. Trong vòng 4 giờ, các bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã ghép thành công một quả tim, hai quả thận, hai giác mạc cho các bệnh nhân. Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức – Phẫu thuật tim cho biết, do nguồn tạng hiến được lấy và đưa về Bệnh viện một cách nhanh nhất nên việc ghép tạng sau đó tiến hành vô cùng thuận lợi. Đến nay, cả 5 bệnh nhân đều đã ổn định và xuất viện, chỉ riêng bệnh nhân ghép tim vẫn được tiếp tục theo dõi thêm.

Tình người sau ca ghép tạng

“Khi nhận được thông báo từ Bệnh viện Chợ Rẫy có người hiến tim trùng với các chỉ số của mẹ tôi, cả gia đình tôi như vỡ òa, vậy là mẹ tôi được cứu rồi”, chị Lê Thị Quỳnh, con gái của bệnh nhân H.L.H chia sẻ. Ngay lập tức, cả gia đình chị Lê Thị Quỳnh bắt xe từ Phan Thiết (Bình Thuận) vào Thành phố Hồ Chí Minh để ghép tạng cho bệnh nhân H.L.H. Ông Lê Quốc Dũng, chồng bệnh nhân  H.L.H cho hay, lúc ra đi trong túi ông chỉ có 3 triệu đồng. Khi vào đến Bệnh viện phải vay mượn thêm của người thân và đến nay, ông mới chỉ đóng viện phí được 15 triệu đồng. Ông Dũng kể, từ khi vợ ông phát hiện mắc bệnh tim cách đây 3 năm cũng là lúc gia đình rơi vào khánh kiệt do thời gian bà H.L.H ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Trước thời điểm quyết định ghép tim cho vợ, ông Dũng run run nói: “Xin các bác sỹ cứu vợ tôi, tôi xin ký nợ với bệnh viện rồi sẽ trả dần”.

BS CKII Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chia sẻ việc tham gia phối hợp ghép tạng với Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Dù biết hoàn cảnh gia đình không có khả năng chi trả số tiền ghép tim lên đến 400 triệu đồng nhưng Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn quyết định tiến hành ghép tim cho bệnh nhân. Bác sỹ Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, trong ba lần ghép tim tại Bệnh viện Chợ Rẫy có đến hai lần bệnh nhân được ghép là những người nghèo. “Dù biết họ không có đủ tiền để trả viện phí nhưng chúng tôi vẫn quyết định cứu họ trước rồi sau đó vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ bệnh nhân sau”, bác sỹ Lê Minh Hiển tâm sự.

Cũng theo Bác sỹ Lê Minh Hiển, thương cảm cho hoàn cảnh của gia đình người nhận tim, một người thân của người hiến tạng đã nhờ Bệnh viện Chợ Rẫy gửi chút tiền nhỏ để giúp người nhận tim đóng viện phí. Trước tấm chân tình của gia đình người hiến tạng, ông Lê Quốc Dũng rưng rưng: “Gia đình tôi xin được nghiêng mình trước anh linh và nghĩa cử của người hiến tạng và gia đình. Nhờ có tấm lòng cao cả của họ, vợ tôi được cứu sống. Nhất định có một ngày gia đình tôi sẽ đến thắp nén nhang cho người đã khuất, tri ân tấm lòng của gia đình họ”.

Đinh Hằng (TTXVN)
Để hiến tạng trở thành nghĩa cử cao đẹp
Để hiến tạng trở thành nghĩa cử cao đẹp

Đã có hàng nghìn người dân tình nguyên xin được hiến tạng sau khi qua đời. Hàng ngàn lá đơn, tấm thẻ đã được viết nên để tiếp nối sự sống cho biết bao người khác… những hành động đẹp đó đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Tuy nhiên thời gian qua cũng có không ít thắc mắc xoay quanh một số chính sách liên quan đến người hiến tạng, nhất là với người hiến tạng khi còn sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN