Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Trung Nghĩa – 'khắc tinh' của các loại dịch bệnh

Nhiều năm qua, thành phố Cần Thơ đã đạt được những thành tích ấn tượng trong phòng, chống dịch bệnh như không để dịch lớn xảy ra, hạn chế số ca mắc và tử vong ở mức thấp nhất. Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ đã góp phần không nhỏ trong những thành tích đó. Ông được coi là “khắc tinh” của các loại dịch bệnh.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Nghĩa.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa bắt đầu sự nghiệp từ vai trò là bác sĩ điều trị, Phó khoa Nhi rồi Trưởng khoa Cấp cứu ở Viện Trường Y tế Vị Thanh (thuộc tỉnh Cần Thơ cũ) từ năm 1987 đến năm 1994. Trong thời gian công tác tại Viện Trường Y tế Vị Thanh, mỗi ngày Viện Trường tiếp nhận nhiều ca bệnh uốn ván, bạch hầu thanh quản, sốt bại liệt thể cao, khiến công tác điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, các ca bệnh này đều có thể tránh được nhờ vào các phương pháp phòng tránh chủ động từ cộng đồng... Phát hiện người dân còn thiếu nhiều kỹ năng, phương pháp phòng, chống dịch bệnh, bác sĩ Nghĩa quyết định chuyển sang công tác ở lĩnh vực y tế dự phòng.

Tuy nhiên, chưa thực hiện được ý định, tháng 1/1994, ông được điều động về làm chuyên viên Phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế tỉnh Cần Thơ. Đến tháng 10/1995, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc, rồi làm Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Cần Thơ từ tháng 6/2004, trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch bệnh như mong muốn. 

Trong thời gian là Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, ông đã triển khai thành công mô hình giám sát xử lý ổ bệnh sốt xuất huyết tại cộng đồng. Năm 1997, bác sĩ Nghĩa đã giúp Cần Thơ xây dựng hệ thống giám sát chặt chẽ tình hình bệnh sốt xuất huyết hàng ngày tại các ấp, khu vực, thông báo cho các địa phương biết để điều tra xử lý ca bệnh... Nhờ vậy, gần 20 năm qua, Cần Thơ không có dịch lớn xảy ra, số ca mắc, tử vong luôn thấp so với các tỉnh, thành phố trong khu vực phía Nam. Từ thành công của Cần Thơ, Ban chủ nhiệm Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống sốt xuất huyết khu vực phía Nam đã nhân rộng hệ thống của Cần Thơ ra toàn khu vực phía Nam.

Bên cạnh đó, bác sĩ Nghĩa còn góp phần giúp Cần Thơ là đơn vị đầu tiên của cả nước tổ chức, quản lý điều trị ca bệnh sốt rét tại nhà, quản lý đối tượng nguy cơ sốt rét tại khu vực. Từ đó, 20 năm qua Cần Thơ không xảy ra dịch sốt rét, không ghi nhận trường hợp nào tử vong do sốt rét và được Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Thành phố Hồ Chí Minh công nhận đạt tiêu chí quốc gia về loại trừ sốt rét.

Từ năm 2004 đến 2011, khi được bổ nhiệm là Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Cần Thơ, bác sĩ Nghĩa đã xây dựng thành công phòng xét nghiệm giúp thành phố đáp ứng được yêu cầu cho công tác y tế dự phòng, được Bộ Y tế công nhận là 1 trong 9 tỉnh đầu tiên của cả nước có phòng xét nghiệm đủ tiêu chuẩn và điều kiện, được phép khẳng định các trường hợp về HIV dương tính. Dưới sự chỉ đạo của bác sĩ Nghĩa, trong nhiều năm, thành phố Cần Thơ đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu các chương trình y tế cộng đồng về phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tiêm chủng mở rộng, phòng chống các rối loạn thiếu i-ốt, bệnh sốt rét, đái tháo đường. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm từ 26,9% (năm 2005) xuống còn 10,4% (năm 2016), đạt chỉ tiêu do HĐND thành phố đề ra.

Từ tháng 12/2011 đến nay, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ phụ trách y tế dự phòng. Năm 2012, bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng tăng mạnh tại Cần Thơ. Cùng với các thành viên trong Ban Giám đốc Sở Y tế, bác sĩ Nghĩa nhiều lần đi giám sát và chỉ đạo tình hình xử lý ổ dịch ở cộng đồng dân cư, trường học, nhà trẻ. Ông luôn nhấn mạnh và coi trọng hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe, thay đổi hành vi của người dân hướng tới lợi ích và sức khỏe cộng đồng; đặc biệt tập trung vào môi trường giáo dục, nơi có hàng chục ngàn thầy cô giáo và học sinh sẵn sàng làm cầu nối phổ biến kiến thức, thực hành phòng bệnh trong gia đình, cộng đồng.

Nói về người đồng nghiệp của mình, bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ đánh giá cao bác sĩ Nghĩa thời gian qua đã cùng các thành viên trong Ban Giám đốc Sở chỉ đạo toàn ngành quyết tâm không để dịch bệnh lớn xảy ra. Trong công việc, bác sĩ Nghĩa luôn nhắc cán bộ y tế dự phòng cần phải tăng cường và thường xuyên giám sát dịch tễ để chủ động phòng dịch hiệu quả.

Tận tâm trong công tác y học dự phòng, nhiều năm qua, bác sĩ Nghĩa đã góp phần giúp ngành y tế thành phố nói chung và mạng lưới y tế dự phòng nói riêng thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế cộng đồng, phòng, chống dịch bệnh. Các năm qua, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Cần Thơ liên tục được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều cờ, bằng khen của Thủ tướng, Bộ Y tế và UBND thành phố Cần Thơ trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Với bề dày thành tích trong công tác, đặc biệt là những đóng góp đối với lĩnh vực y tế dự phòng, bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba, giải thưởng Đặng Văn Ngữ về y học dự phòng, danh hiệu Thầy thuốc nhân dân. Năm 2018, bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa là một trong 70 điển hình tiên tiến toàn quốc được tuyên dương tại lễ kỷ niệm 70 năm Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Tin, ảnh: Thanh Sang (TTXVN)
Người phá nhanh nhiều vụ án khó
Người phá nhanh nhiều vụ án khó

Có thể nói như vậy về Thượng tá Lê Thanh Tùng, Phó phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN