Những bữa cơm trưa không chỉ được chuẩn bị thực đơn đầy đủ chất dinh dưỡng mà còn chứa đựng cả tình yêu thương của "người mẹ hiền" dành cho "các con".
Sinh ra và lớn lên tại xã nghèo vùng cao Thạch Bình, có đông đồng bào dân tộc, sớm tiếp xúc và thấu hiểu những vất vả, khó khăn của những gia đình nghèo vùng cao không có điều kiện cho con em đi học nên cô Nguyên có ước mơ theo nghề "gõ đầu trẻ" để mang con chữ đến với học sinh nghèo. Năm 1990, cô Nguyên tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình sau đó về công tác tại trường Tiểu học Thạch Bình. Từ đó đến nay, gần 30 năm cô gắn bó với học sinh tại các điểm trường lẻ xã Thạch Bình.
Do đặc thù xã có địa hình đồi núi, nhiều nơi xa trung tâm xã đến hơn chục cây số nên để thuận tiện cho học sinh, trường Tiểu học Thạch Bình mở 3 điểm trường lẻ. Các em nhà xa trung tâm xã có thể học ở điểm lẻ từ lớp 1 đến lớp 3, lên lớp 4 phải về trường trung tâm xã theo học. Hiện nay, cô Nguyên đang là giáo viên chủ nhiệm lớp 2E điểm lẻ xóm Quảng Mào, trường Tiểu học Thạch Bình. Xóm Quảng Mào cách trung tâm xã gần chục cây số, đa phần học sinh ở đây đều là người dân tộc, thuộc hộ khó khăn. Vì thế, khi lên lớp 4 phải học tại trường trung tâm xã cả ngày nên nhiều em không có chỗ nghỉ trưa và phải gói cơm mang theo.
Thấu hiểu được sự khó khăn của những học sinh nghèo phải đi học xa nhà, cơm nắm do bố mẹ chuẩn bị chỉ có cơm và rau nên từ năm 2014, cô Nguyên đã bàn bạc với chồng tự bỏ tiền túi nấu ăn phục vụ cơm trưa miễn phí cho hàng chục em học sinh.
Cô Nguyên chia sẻ, kinh phí nấu ăn cho các em là lương của chồng. Vợ chồng tự nguyện bỏ tháng lương để phục vụ các cháu. Để kịp chuẩn bị bữa cơm trưa cho học trò, vợ chồng cô phải dạy lúc 5 giờ sáng để lo việc nhà và chuẩn bị thực phẩm. Sau giờ dạy, cô Nguyên lại tất tả vượt gần chục cây số đường đồi núi về nhà, vội vàng nấu cơm trưa cho học trò.
Đến nay, gia đình cô nấu ăn trưa miễn phí cho hơn 20 em học sinh. Hầu hết các cháu đều có hoàn cảnh khó khăn. "Các em đang tuổi ăn tuổi lớn nên bữa cơm cũng cần phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Tôi làm điều đó vì lòng yêu mến, thương học trò như con mình. Tuy bận bịu nhưng đến giờ ăn cơm nghe "các con" ríu rít, cười đùa và khoe về thành tích học tập là động lực lớn để tôi tiếp tục cố gắng dạy dỗ và giúp đỡ "các con", cô Nguyên tâm sự.
Em Bùi Văn Thạo, học sinh lớp 8B trường Trung học cơ sở Thạch Bình, nhà ở xa nên từ sáng sớm Thạo đã phải vượt đồi núi để xuống trường, nếu quay về nhà ăn cơm thì chiều không kịp đến lớp. Nhờ có "mẹ Nguyên" cho ăn cơm và nghỉ trưa tại nhà nên em có điều kiện để chuyên tâm vào việc học.
Thạo chia sẻ, ""Mẹ Nguyên" không chỉ dạy giỏi mà còn nấu ăn rất ngon, bữa cơm có đủ thịt, cá, những món ăn ở nhà ít khi em được ăn. Ở đây, em cùng các bạn không chỉ được "mẹ" dạy thêm về kiến thức trên lớp mà còn được chỉ dạy về tình yêu thương, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Em rất yêu quý "mẹ Nguyên" và sẽ cố gắng học tập thật giỏi để không phụ lòng "mẹ"".
Cô Đào Thị Thanh Huyền - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thạch Bình cho biết: "Không chỉ nấu cơm phục vụ miễn phí cho học sinh buổi trưa, gia đình cô Nguyên còn nhận nuôi hai em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa phương. Gần 30 năm công tác tại trường, cô giáo Hạnh Nguyên luôn tình nguyện ở lại các điểm lẻ, xa trung tâm để đem cái chữ đến cho học sinh vùng cao còn nhiều khó khăn".
Nếu không có tấm lòng yêu thương học sinh và việc làm đáng quý của cô Nguyên có lẽ nhiều em cũng vì khó khăn mà bỏ học, gác lại việc tìm con chữ về với nương rẫy từ lâu. Bên cạnh đó, nhiều năm liền cô Nguyên là giáo viên dạy giỏi, có nhiều sáng kiến hay trong học tập. Tấm lòng cao cả của cô Nguyên là tấm gương sáng để các giáo viên và học sinh học tập".