Tái hiện hành trình cách mạng của Bác Hồ qua tem và bưu ảnh

Tại triển lãm “Hành trình theo dấu chân Bác Hồ qua sưu tập tem và bưu ảnh” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây, chúng tôi ấn tượng với bộ sưu tập chuyên đề của ông Nguyễn Đại Hùng Lộc, Phó Chủ tịch Hội Tem TP Hồ Chí Minh.

Nhiều vật phẩm quý hiếm

Ông Nguyễn Đại Hùng Lộc, Phó Chủ tịch Hội Tem TP Hồ Chí Minh là một trong những người chơi tem kỳ cựu, có tiếng trong giới tem Việt Nam. Ông kể: "Tôi bắt đầu chơi tem từ năm 12 tuổi, khi còn là cậu học trò tuổi xanh dưới mái trường Petrus Ký (nay là Lê Hồng Phong)".

Với người bình thường thì con tem không gì hơn một mảnh giấy nhỏ nhoi được in ấn dùng để thanh toán cước phí gửi thư. Nhưng đối với người sưu tầm, mỗi con tem đều có nhiều ý nghĩa, giá trị. Ra đời từ năm 1840, con tem bưu chính là một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, không chỉ là thể hiện chủ quyền quốc gia, là nhân chứng lịch sử với hàng loạt sự kiện được phản ánh trên con tem bưu chính.

Ông Nguyễn Đại Hùng Lộc đã có nhiều bộ sưu tập tem chuyên đề khác nhau tham dự triển lãm trong và ngoài nước. Riêng về bộ sưu tập chuyên đề “Hành trình theo dấu chân Bác Hồ qua sưu tập tem và bưu ảnh”, ông Nguyễn Đại Hùng Lộc, đã có ý tưởng từ lâu với mong muốn thực hiện một cuộc hành trình theo dấu chân của Bác Hồ qua các nước với tem thư, bưu ảnh về những địa danh nơi Bác đã đến, làm việc, học tập và hoạt động cách mạng.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Đại Hùng Lộc giới thiệu bộ sưu tập tem với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

“Khó khăn, thách thức lớn nhất là thời gian ngắn, ý tưởng tuy đã có nhưng vật phẩm còn tản mạn, thiếu nhiều tư liệu cần thiết. Quy tắc thực hiện chuyên đề sưu khảo là chỉ sử dụng những bưu ảnh chính thức được các nước phát hành, tuy nhiên, vào những năm trước 1900 cho đến thập niên 1930, bưu ảnh xuất bản chưa nhiều nên rất khó tìm những bưu ảnh phù hợp chủ đề, đặc biệt, những bưu ảnh có hình ảnh Bác Hồ lại càng không có. Tấm bưu ảnh đầu tiên trên thế giới có hình ảnh chân dung Bác do Cộng hòa dân chủ Đức phát hành vào năm 1952. Sau năm 1954, những bưu ảnh về Hồ Chủ tịch mới được phát hành”, ông Hùng Lộc kể.

“Tôi đã thực hiện một cuộc hành trình theo chân Bác từ làng Kim Liên đến Huế, rồi Phan Thiết, Bến cảng Nhà Rồng… Tôi cũng đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về những danh nhân văn hóa, nhà chính trị thế giới mà Bác đã từng gặp, những sự kiện quan trọng của quốc tế mà Người đã để lại dấu ấn lịch sử, về những di sản tinh thần to lớn mà Người để lại cho nhân dân Việt Nam và nhân loại”, ông Lộc chia sẻ thêm.

Clip ông Nguyễn Đại Hùng Lộc chia sẻ về bưu sưu tập chuyên đề “Hành trình theo dấu chân Bác Hồ qua sưu tập tem và bưu ảnh”:

Với sự hỗ trợ của Hội Tem Việt Nam cùng những nhà sưu tầm tem trong và ngoài nước, ông Lộc đã nỗ lực thực hiện công trình sưu tập gồm 144 trang tem khổ A4 trong khoảng thời gian 6 tháng.

Bộ sưu tập chuyên đề này có đa dạng vật phẩm gồm những mẫu tem, tem khối, bản in thử, tem dị bản, thiếp maximum… về Chủ tịch Hồ Chí Minh do Việt Nam và các nước trên thế giới phát hành. Đặc biệt là có nhiều vật phẩm rất quý hiểm. Chẳng hạn như những bì thực gửi từ những năm 1955 đến nay với tem kỷ niệm về Bác Hồ; những bưu ảnh các thành phố, các nước trên thế giới mà Bác đã qua.

“Tôi đã cố gắng tìm những bưu ảnh thực gửi có dấu nhật ấn của địa phương cùng năm gắn với sự kiện. Bộ sưu tập của tôi có những mẫu tem, bưu ảnh về các nhân vật lịch sử, chính trị, văn hóa, quân sự… nổi tiếng mà Bác từng gặp gỡ như Marcel Cachin, Maurice Thorez, Pablo Picasso, Charlie Chaplin, Chu Ân Lai, Tống Khánh Linh… Có những bưu ảnh xưa về thành phố Sài Gòn và Bến Nhà Rồng năm 1911, những hình ảnh khác nhau về tàu Amiral Latouche-Treville, những bưu ảnh về đường phố Paris những năm 1917 – 1922 (nơi Bác đã sống và hoạt động như Rue Monsieur Le Prince, Rue de Montmartre)… Có những mẫu tem thư, bưu ảnh với nhật ấn Hội nghị Versailles năm 1918, nơi mà người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam”; những bưu ảnh về Hồng Kông, Công viên Tống Vương Đài, nơi diễn ra Hội nghị thành lập Đảng năm 1930”, nhà sưu tập Nguyễn Đại Hùng Lộc kể.

Cách làm mới nhằm ôn lại lịch sử

Bộ sưu tập nêu trên đã được Quận ủy Quận 10, TP Hồ Chí Minh biểu dương như một cách làm mới nhằm mục đích ôn lại những dấu ấn lịch sử trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Đại Hùng Lộc giới thiệu những con tem kỳ công sưu tầm.

Một số cuộc triển lãm đã được tổ chức nhằm giới thiệu bộ sưu tập tới công chúng. Tại triển lãm “Hành trình theo dấu chân Bác Hồ qua sưu tập tem và bưu ảnh”, PGS.TS Dương Trung Ý, dPhó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao bộ sưu tập đồ sộ, sắp xếp công phu theo các chuyên đề tổng hợp, đa dạng.

“Đây là hoạt động thiết thực góp phần quán triệt thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", PGS.TS Dương Trung Ý nhận định.

PGS.TS Dương Trung Ý nhấn mạnh: "Triển lãm sẽ làm phong phú thêm các hình thức học tập, nghiên cứu và tuyên truyền sâu rộng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng trực quan sinh động, mang giá trị nhân văn sâu sắc. Thông qua triển lãm này, nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế sẽ thêm hiểu biết lịch sử cách mạng Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Từ đó, mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ càng tự hào về đất nước, về người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh, tạo nên sức lan tỏa tinh thần cách mạng rộng lớn trong đời sống xã hội”.

Bài, ảnh, clip: Xuân Minh - Bình Minh
Vở nhạc kịch đầu tiên khai thác nhạc dân gian dành cho trẻ em
Vở nhạc kịch đầu tiên khai thác nhạc dân gian dành cho trẻ em

Chiều 15/8 tại Hà Nội, dự án “Đồng dao cổ tích” đã được ra mắt, dự kiến phục vụ công chúng dịp Tết Trung thu. Dự án gồm một vở nhạc kịch và một cuốn sách cùng tên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN