Hiện thực hóa ý tưởng đó, cách đây 2 năm, nhóm sinh viên này đã bắt tay vào nghiên cứu đề tài về quy trình sản xuất cơm ăn liền. Dù mới dừng ở quy mô phòng thí nghiệm, nhưng đề tài này được các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm đánh giá cao bởi tính ứng dụng cao và đáp ứng được nhu cầu của nhiều người trong cuộc sống hiện nay.
Gạo để sản xuất cơm ăn liền được sản xuất từ lúa khô, tách bỏ vỏ trấu, xát nhẹ lớp cám mỏng, không qua xát trắng kỹ và đánh bóng. Gạo được sản xuất từ lúa mới thu hoạch để đảm bảo độ tươi, ngọt và mùi thơm đặc trưng của giống, cấu trúc dẻo của cơm.
Nói về quy trình làm cơm ăn liền, em Lê Thị Yến Lin, thành viên của nhóm cho biết, nhóm lựa chọn giống gạo Đài thơm 8 từ vựa mới thu hoạch. Hạt gạo được hồ hóa một phần bằng hơi nước, sấy khô để giữ ở trạng thái xốp và bảo quản bằng phương pháp hút chân không trong bao bì PE, không sử dụng chất bảo quản. Người dùng chỉ cần cho nước vào theo tỷ lệ hướng dẫn trên bao bì, rồi cho vào lò vi sóng quay khoảng 5 - 7 phút là có cơm nóng để thưởng thức.
“Mỗi một quy trình nhóm đều thử nghiệm rất nhiều lần để điều chỉnh các thông số cho phù hợp với từng công đoạn. Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu làm cơm ăn liền từ một số giống lúa gạo khác để có thể nhân rộng sản phẩm này trên nhiều loại lúa gạo như ST25, OM18 hoặc IR504…”, em Yến Lin chia sẻ.
Chia sẻ về lý do chọn đề tài này để nghiên cứu, em Trần Thị Huỳnh Như cho biết, sản phẩm cơm ăn liền còn khá mới mẻ ở Việt Nam và chủ yếu vẫn là sản phẩm nhập khẩu, trong khi đó nguồn nguyên liệu lúa gạp ở nước ta rất phong phú. Từ ý tưởng của các anh chị sinh viên khóa trước, nhóm phát triển thành đề tài sản xuất cơm ăn liền với mong muốn giúp nhiều người tiết kiệm được thời gian mà vẫn có được bữa cơm gia đình.
Hiện nhóm vẫn đang nghiên cứu cải tiến sản phẩm, cho ra quy trình sản xuất hoàn hảo nhất để đưa sản phẩm đại trà ra thị trường. Nhóm cũng thực hiện thêm một số sản phẩm ứng dụng từ cơm ăn liền như cơm chà bông, cơm rong biển, cơm mè đen, cơm atiso đỏ, matcha... Từ nghiên cứu thành công quy trình sản xuất cơm ăn liền, nhóm sẽ cố gắng nghiên cứu phát triển thêm nhiều sản phẩm khác từ lúa gạo, góp phần làm tăng giá trị hạt gạo, tăng thu nhập cho người nông dân trồng lúa.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh, giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh - người trực tiếp hướng dẫn nhóm sinh viên thực hiện đề tài này chia sẻ, một trong những khó khăn khi thực hiện đề tài này đó là yêu cầu khắt khe về độ thuần, đồng nhất nguồn nguyên liệu gạo. Trong điều kiện trồng lúa theo quy mô nhỏ lẻ như hiện nay, việc có được gạo thuần là khó. Hiện sản phẩm nhận được nhiều sự quan tâm của một số doanh nghiệp với mong muốn chuyển giao công nghệ để sản xuất sản xuất đưa ra thị trường.
“Để sản phẩm có thể ra thị trường, hoàn thiện và thương mại hoá, nhóm sẽ phải làm tiếp đề tài dạng quy mô phòng thí nghiệm nhưng chuyên sâu hơn, thông số ổn định hơn, từ đó khi chuyển giao cho doanh nghiệp sẽ chuẩn hơn”, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Nguyễn Đoan Duy, Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, đây là một đề tài có tính ứng dụng thực tế rất cao và đáp ứng được nhu cầu xã hội trong cuộc sống hiện nay ngày nay. Thị trường hiện nay có mì ăn liền, cháo ăn liền, nhưng cơm ăn liền thì tại Việt Nam vẫn chưa phổ biến. Việc nghiên cứu phát triển cơm ăn liền sẽ tạo sản phẩm đặc thù. Bên cạnh đề tài Nghiên cứu quy trình sản xuất cơm ăn liền, nhà trường cũng chú trọng phát triển nhiều đề tài khác liên quan đến phát triển sản phẩm mới trong ngành thực phẩm, hướng tới chuyển giao công nghệ, đưa sản phẩm ra thị trường phục vụ người tiêu dùng.