Theo bà Thái Thị Lan Chi, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Tân Bình, ngoài thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho người lao động tại 15 địa điểm, các thành viên tham gia chương trình còn phối hợp cùng người sử dụng lao động tổ chức tư vấn tại các doanh nghiệp. Riêng tại các điểm tư vấn pháp luật, sẽ có thêm đường dây điện thoại “hot line” hoạt động 7/7 ngày, để ghi nhận các câu hỏi, hẹn lịch gặp gỡ, tư vấn, trả lời những vấn đề liên quan pháp luật khi người lao động có nhu cầu.
Bà Thái Thị Lan Chi cho biết, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, các bên còn phối hợp trợ giúp pháp lý, tư vấn miễn phí cho người lao động ở cả những lĩnh vực Luật dân sự, hôn nhân và gia đình, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… ; đồng thời hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền thông tin về các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; các quy định và những vấn đề liên quan đến pháp luật và nhu cầu tư vấn của đoàn viên công đoàn, người lao động.
Đây là một trong những hoạt động hướng đến nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân, viên chức, lao động; đáp ứng nhu cầu của đoàn viên công đoàn, người lao động và người sử dụng lao động trong việc tiếp cận các chế độ, chính sách pháp luật có liên quan đến lao động. Qua đó, hạn chế phát sinh quan hệ lao động, tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động, thúc đẩy xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
“Mục tiêu của Công đoàn là tuyên truyền để người lao động và người sử dụng lao động tiếp cận các quy định của pháp luật, hiểu đúng, hiểu đầy đủ những vấn đề liên quan pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội, để từ đó mỗi người tự ý thức, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ trong cuộc sống và trong lao động, sản xuất kinh doanh”, bà Thái Thị Lan Chi chia sẻ.
Tham gia chương trình tư vấn pháp luật lưu động miễn phí dành cho người lao động, 64 thành viên luật sư, luật gia và hơn 20 cán bộ tư pháp, công đoàn cơ sở cam kết đồng hành tư vấn pháp luật miễn phí cho công nhân, người lao động về các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp cùng các lĩnh vực pháp luật khác. Các đơn vị cũng thống nhất đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giải thích, hướng dẫn những quy định pháp luật của Nhà nước; tổ chức khảo sát, xây dựng tủ sách pháp luật tại các khu vực có đông công nhân lao động; cung cấp tài liệu văn bản pháp luật mới, tờ gấp, tình huống pháp luật trong hòa giải ở cơ sở; tạo điều kiện cho công nhân, người lao động tìm hiểu, nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật, nhất là Bộ luật Lao động năm 2019 chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2021, góp phần định hướng xây dựng người lao động sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật...
Chủ tịch Hội Luật gia quận Tân Bình Trần Thanh Minh cam kết cùng các thành viên luật sư, luật gia tham gia trên tinh thần tự nguyện 2 buổi/tuần và theo sự phân công của tổ chức Hội nhằm phục vụ người lao động tại 15 điểm lưu động và tại 24 điểm phục vụ tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân. Ông Phạm Phú Dũng, Trưởng phòng Tư pháp quận Tân Bình cũng đề nghị cán bộ ngành tư pháp ngoài việc thực hiện nhiệm vụ đặc thù của ngành, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp luật cho người lao động kể cả ngày thứ Bảy.
Đánh giá cao việc ra mắt 15 điểm tư vấn pháp luật lưu động miễn phí dành cho người lao động, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tin tưởng đây là những điểm sáng mới, gợi mở hướng đi đúng, mô hình hiệu quả giúp người lao động nâng cao chất lượng cuộc sống. Các đơn vị, ngành chức năng cần tăng cường thông tin, giới thiệu rộng rãi để người lao động biết và tham gia tư vấn khi có nhu cầu; thực hiện kết nối với Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động thành phố để tư vấn, hỗ trợ chuyên sâu cho người lao động và cả người sử dụng lao động, góp thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định; xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.