Sinh năm 1976 ở một vùng quê nghèo, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, Văn Thị Xuân Lan sớm tìm đến nghề may để có một việc làm ổn định, phụ giúp gia đình. Sau nhiều năm vừa lao động, tự mày mò học nghề may tại địa phương, năm 1997 (21 tuổi), Xuân Lan xin vào làm công nhân ở Xí nghiệp may An Hưng. Với nỗ lực không ngừng, chị được giao đảm nhận vị trí chuyền trưởng, rồi Phó Quản đốc phân xưởng.
Xí nghiệp An Hưng chuyên gia công hàng thời trang với nhiều mẫu mã khó, xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… đội ngũ lao động ở xí nghiệp đòi hỏi phải có tay nghề giỏi để sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Tuy nhiên, từ thực tế một bộ phận lao động sau khi được đào tạo tại An Hưng đã xin nghỉ việc hoặc chuyển sang làm ở đơn vị khác, xí nghiệp luôn phải tuyển dụng nhân sự đào tạo mới. Là người quản lý sản xuất, trăn trở lớn nhất của chị là làm sao để có những công nhân giỏi tay nghề, đóng góp sức lao động cho đơn vị lâu dài.
Chị áp dụng mô hình “Đẩy mạnh đào tạo tại chỗ, lấy cũ đào tạo mới” ngay tại xí nghiệp, bước đầu khi tiếp nhận lao động mới, chị Xuân Lan giao cho chuyền trưởng phân công công đoạn. Chị trực tiếp cùng các công nhân có kinh nghiệm đảm nhiệm kèm cặp hướng dẫn theo dõi, đánh giá tay nghề và định hướng phát triển cho từng công nhân. Đồng thời, mỗi công nhân cũng được giám sát qua phiếu đánh giá (về thời gian, năng suất lao động, trình độ, tay nghề). Qua đó, chị sẽ bố trí công đoạn may phù hợp với trình độ tay nghề của từng lao động, không gây khó khăn, áp lực khiến công nhân phải bỏ việc. Công nhân đã thành thạo công đoạn được phân công sẽ được thực hiện công đoạn khác để nâng cao tay nghề, thành thạo nhiều công đoạn, có thể đảm nhận được nhiều vị trí trong xí nghiệp.
Khi đã có đội ngũ công nhân với trình độ tay nghề cao, chị mạnh dạn đề xuất lãnh đạo công ty đổi mới công nghệ máy móc, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho công nhân. Có việc làm và thu nhập ổn định, xí nghiệp không chỉ giữ được lao động làm việc lâu dài, mà còn thu hút thêm được nhiều lao động mới. Hiện nay, xí nghiệp An Hưng luôn duy trì ổn định hơn 500 lao động, trong đó lao động có tay nghề khá, giỏi chiếm một nửa, thu nhập bình quân một lao động ở xí nghiệp là 6 triệu đồng/tháng, người có tay nghề cao thì mức thu nhập lên tới 8 - 10 triệu đồng/tháng.
Chị Văn Thị Xuân Lan chia sẻ: Đào tạo được một lao động giỏi đã khó, giữ được họ toàn tâm đóng góp trí lực cho công ty còn khó khăn hơn nhiều. Trong công việc, ngoài trách nhiệm, sự quan tâm của người quản lý, người lao động giỏi còn cần được đảm bảo thu nhập, các chế độ đầy đủ. Đây là yếu tố tiên quyết để họ quyết định gắn bó với đơn vị lâu dài hay không.
Xí nghiệp An Hưng không chỉ đi đầu trong lao động, sản xuất, mà còn được lãnh đạo công ty đánh giá cao và giao đảm nhiệm sản xuất các đơn hàng khó, có giá trị cao. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn do khan hiếm đơn hàng, nguồn lao động, nhưng xí nghiệp An Hưng vẫn nhận được nhiều đơn hàng từ các đối tác để duy trì sản xuất, tạo việc làm ổn định lâu dài cho lao động.
Chị Trần Thị Mỹ Trang (xã Hòa Xuân Đông, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) làm tại xí nghiệp được 5 năm, tháng 2/2020, được giao đảm nhận vị trí Phó Quản đốc xưởng.
Chị Trang chia sẻ sự biết ơn đối với sự dìu dắt, giúp đỡ của Xuân Lan; cho rằng trước đây làm may ở nhà, không đủ trang trải cuộc sống. "Khi xin vào làm tại xí nghiệp, từ chỗ chỉ biết may cơ bản, nhờ sự chỉ dạy tận tình của chị Xuân Lan, tôi đã thành thạo nhiều kỹ thuật khó, đòi hỏi tay nghề cao tại công ty. Hiện tôi đang nhận một mức lương ổn định 10 triệu đồng/tháng. Tôi nghĩ mình sẽ gắn bó lâu dài với công ty", chị Trang cho biết.
Không chỉ giỏi trong việc rèn nghề, chị Văn Thị Xuân Lan còn là “cây sáng kiến” ở xí nghiệp An Hưng. Với nhiều năm kinh nghiệm, chị đã nghiên cứu và áp dụng thành công những cách làm hay, sáng tạo để mang lại hiệu quả trong công việc. Nổi bật nhất phải kể đến sáng kiến cách dùng ống hơi lắp máy 1 kim trên công đoạn may lai bèo không chỉ, giúp tăng năng suất may gấp 3 lần so với ban đầu, mà còn giảm chi phí nhân công; hay sáng kiến dùng chân vịt vừa may vừa nhún tra bèo tay vào tay áo, năng suất tăng gấp 2 lần; may tai bèo bằng cữ cuốn hai bên trên máy hai kim giúp năng suất tăng gấp 3 lần... trong những năm qua đã làm lợi cho xí nghiệp hàng tỷ đồng.
Ông An Đình Hồng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần An Hưng nhận xét: Chị Lan có kinh nghiệm từ thực tiễn là một công nhân nỗ lực phấn đầu vươn lên, chị cũng là tấm gương sáng đầy nghị lực trong lao động sản xuất. Trong công việc, Lan luôn quyết tâm để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, đồng thời là một người quản lý gần gũi, am hiểu và nắm bắt được tâm tư tình cảm của anh chị em đồng nghiệp. Chị luôn phát huy tính sáng tạo, thi đua sôi nổi, tinh thần đoàn kết tương trợ trong lực lượng công nhân của đơn vị quản lý, được công nhân trong đơn vị tín nhiệm và quý mến.
Với nhiều cống hiến trong lao động sản xuất, chị Văn Thị Xuân Lan vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2015. Năm 2017, chị được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Xí nghiệp An Hưng, trong thời gian công tác, nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cơ sở của đơn vị.